Choáng với clip chặt chém khách du lịch 200.000 đồng/nải chuối
- Pháp luật
- 21:38 - 23/05/2015
Mới đây, một clip chia sẻ trên mạng xã hội ghi lại hình ảnh một người phụ nữ bán chuối chặt chém, ức hiếp khách du lịch nước ngoài khiến cộng đồng mạng không khỏi bức xúc. Điều khiến nhiều người khó chịu hơn là khách bị chặt chém lại chỉ là một đứa bé Tây còn khá nhỏ.
Theo nội dung trong clip, một vị khách trong đoàn du lịch thăm quan vịnh Hạ Long. Trên hành trình tàu đi ra vịnh, trong đoàn có một đứa bé người nước ngoài hỏi mua chuối với giá 45.000 đồng/nải. Tuy nhiên sau khi đưa bé này đưa 200.000 đồng cho người bán hàng vì không có tiền trả lại, người này đã không trả lại cho đứa bé, thậm chí còn tát đứa bé để hăm dọa.
"Bị ăn tát, đứa bé chạy lên với bố mẹ. Sau đó có một người bất bình quá ra tranh cãi với người bán chuối. Người này tiếp tục cầm nải chuối dọa ném. Vì đông người nên một lúc sau bà ta bỏ đi luôn", người đăng clip chia sẻ.
|
Người phụ nữ bán chuối chặt chém và đe dọa khách - (Ảnh cắt từ clip) |
Lúc này trên tàu du lịch khá đông người và sự việc xảy ra đã thu hút sự chú ý của các thành viên trong đoàn.
Ngay sau khi được chia sẻ, cư dân mạng cũng đồng loạt lên tiếng và tỏ ra thất vọng trước kiểu hành xử của một số người bán hàng rong.
"Nói thật chứ khách đi du lịch thì đúng là chắc cũng chỉ bán được một lần thôi. Mình chỉ băn khoăn không biết người bán hàng này có cảm thấy xấu hổ không khi dùng thủ đoạn và hành xử thiếu ý thức như thế ở một thành phố du lịch hàng đầu Việt Nam", một facebook-er khác bức xúc.
"Biết là bán cho khách du lịch là cao hơn nhưng cũng lãi vừa phải thôi chứ. Đằng này lãi cao quá trời lại còn hành động thô bạo. Làm thế chứ có làm vất vả hơn nữa cũng chẳng ai thương", nick name H.Đ.Đ cảm thán.
Một số người sau khi xem clip cũng đồng cảm và chia sẻ câu chuyện từng chứng kiến khi khách Tây bị chặt chém: "Hôm trước mình với một bạn Tây lên cầu ngồi uống trà chanh thôi, 2 cốc trà chanh ngồi tầm 20 phút, khi trả tiền bị hét 100.000 đống, mặc cả không được. Người Tây sang đây có phải ai cũng giàu cả đâu mà nỡ chặt chém như thế".
Nick name T.T.T cũng chia sẻ: "Mình từng làm hướng dẫn viên nên chả lạ gì những người này. Khách Việt còn bị chặt chém dài cổ ra. Nhiều lúc trước khi lên thuyền toàn phải nhắc khách trước là phải mặc cả cẩn thận, xem rõ thật giả hãy mua. Thế mà vẫn có khách dính. Có lúc cái vòng ngọc trai đểu đểu cũng gần 200.000 đống, mà chợ đêm có khi chỉ 50.000 đống. Còn khách nước ngoài thì khỏi nói, nhiều tình huống chỉ biết xấu hổ thôi".
Liên quan tới tình trạng chặt chém khách du lịch, anh Nguyễn Anh T., một nhân viên lái xe du lịch ở TP Hạ Long cho biết: “Đầu tháng 5 vừa qua, tôi có đưa một nhóm người bạn là người Indonesia du lịch Hạ Long. Họ nói “muốn được đến thăm 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới”, và tôi đã đồng ý dẫn họ đi.
“Khi chúng tôi mua vé thì đã hết tàu riêng, do không muốn đi ghép nên tôi đành gọi “cò” nhờ liên hệ. Khi tàu chuẩn bị đến một hang động, chúng tôi có ghé qua một nhà bè bán đồ hải sản, bạn tôi là người Indonesia đã mua một chút đồ hải sản để chuẩn bị nấu ăn. Sau khi bạn tôi đưa tiền, còn rất nhiều tiền thừa nhưng không được người bán hàng trả lại. Tôi tiến lại và hỏi “tiền thừa đâu” thì anh này chống chế, cãi cự sau đó mới trả lại với thái độ không thiện chí.
Tình trạng chèo kéo, chặt chém khách du lịch vẫn còn tồn tại ở nhiều điểm du lịch của Việt Nam. |
Không dừng lại ở đó, theo chia sẻ của anh T., đoàn du lịch của anh còn bị những người bán rong chèo kéo và có những lời lẽ thiếu văn hóa đối khi không mua đồ cho họ, đặc biệt là những người đi đò bán hàng rong hoa quả, bánh kẹo, những đồ hải sản khô…
"Nếu mua sẽ bị chặt chém, còn không mua thì sẽ nhận được những cái nhìn chẳng mấy thiện cảm”, anh T. bày tỏ.
“Những người nước ngoài sẽ sợ nếu dân tình cứ “chăn”, nhiều khách du lịch khi quay lại Việt Vam họ sẽ không chọn trở lại, như thế sẽ rất ảnh hưởng đến du lịch của Hạ Long cũng như của Việt Nam. Tôi thấy người ta cứ nói là du lịch Việt Nam đắt đỏ, những nó chỉ đắt với người Việt Nam mình thôi, đối với khách quốc tế giá cả không phải quá đắt, nhưng điều quan trọng là chúng ta cần chuyên nghiệp hơn mới có thể giữ được những ấn tượng đẹp từ du khách nước ngoài khi đến Việt Nam.”, anh T. lo ngại.