Cho vay giải quyết việc làm- Trao cơ hội thoát nghèo cho người dân
- Bài thuốc hay
- 13:39 - 15/11/2021
Trao cơ hội thoát nghèo
50 triệu - không phải là số tiền lớn đối với nhiều người nhưng với gia đình ông Nguyễn Đức Thuận ở xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức đó là một cơ hội lớn để vươn lên, thoát nghèo.
Nhiều năm trước, cuộc sống của gia đình ông Thuận luôn trong cảnh thiếu trước, hụt sau. Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, ông đã tận dụng đất của gia đình để lại để xây dựng chuồng trại. Nhân lực có, cơ sở vật chất có nhưng ông Thuận lại gặp khó khăn về nguồn vốn để mua con giống, cây giống.
Đang loay hoay chưa tìm ra lối thoát, ông Thuận được duyệt vay 50 triệu từ chương trình cho vay giải quyết việc làm do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Không bỏ lỡ cơ hội, với điểm tựa từ nguốn vốn được vay, gia đình ông đã đầu tư cải tạo vườn trồng cây ăn quả, chăn nuôi gà, dê. Đến nay, mỗi năm gia đình ông đã có doanh thu hàng trăm triệu đồng. Cuộc sống từng ngày khấm khá hơn.
Cũng tận dụng được cơ hội từ vốn ưu đãi, nhiều hộ gia đình khác ở Thượng Lâm đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để cải tạo vườn, ao chuồng theo hướng phát triển bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao.
Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Văn Chung đã có điều kiện đầu tư cải tạo ao nuôi cá, vườn cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế tốt; Gia đình anh Nguyễn Văn Hải đã có điều kiện mở rộng nhà xưởng làm nghề thêu, khung tranh thu hút hàng chục lao động địa phương… Nhiều hội viên khác của Thượng Lâm cũng đã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng để phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ để tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình.
Theo thống kê, toàn huyện Mỹ Đức đã có 15.000 hộ đang được vay vốn tại NHCSXH, trong đó từ đầu năm đến nay có 1.050 hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm mới cho gần 1.400 lao động. Tính đến tháng 10/2021, tổng dư nợ các chương trình cho vay ưu đãi đạt hơn 511 tỷ đồng với 12.542 hộ còn dư nợ, nợ quá hạn chỉ ở mức 0,015% trên tổng dư nợ.
Chính sách thiết thực với người dân
Thượng Lâm là xã thuộc vùng bán sơn địa, nằm ở phía Bắc huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Toàn xã có 7.249 khẩu và 4.061 lao động, nghề nghiệp chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Người dân Thượng Lâm bao đời này chủ yếu sinh sống dựa vào nghề nông nên đời sống kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn.
Để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, Hội nông dân xã Thượng Lâm đã tích cực phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mỹ Đức triển khai có hiệu quả các chương trình vay vốn ưu đãi của Chính phủ. Trong đó. Chương trình vay vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mỹ Đức đã tạo động lực cho hội viên nông dân và nhân dân trên địa bàn xã Thượng Lâm phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình, góp phần cùng chính quyền xã thực hiện tốt chương trình xóa đói, giảm nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân địa phương.
Những chương trình hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm cho người dân… đã và đang phát huy được hiệu quả. Góp phần hướng tới thành công chung của chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm và các chính sách bảo đảm an sinh xã hội.
Đánh giá việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trong thời gian qua tại huyện Mỹ Đức, Giám đốc NHCSXH huyện Tạ Đức Thức cho biết: Nguồn vốn ưu đãi phần lớn đã đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đời sống của hội viên nông dân được nâng lên rõ rệt. Năm 2020, bình quân thu nhập đầu người của xã Thượng Lâm đã đạt 48,3 triệu đồng/người/ năm, tăng 33,3 triệu đồng so với năm 2011.
Theo ông Thức, với đặc điểm của địa phương có nhiều xã phát triển ngành nghề truyền thống, nguồn vốn chính sách đã góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế, xây dựng làng nghề. Ngoài ra, để đảm bảo bà con được vay vốn một cách thuận tiện nhất, ngân hàng còn chú ý tới việc cải cách thủ tục hành chính, linh hoạt trong cách xử lý.
Đánh giá của các cấp chính quyền, tín dụng chính sách đã trở thành công cụ quan trọng góp phần vào mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố các tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân được vay vốn đầu tư sản suất kinh doanh, tăng thu nhập và giải quyết việc làm.