THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:28

Thoát nghèo, vượt qua “bão dịch” nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm

Những mô hình sinh kế được tạo dựng từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi tạo việc làm khác tại Thừa Thiên Huế

Những mô hình sinh kế được tạo dựng từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi tạo việc làm khác tại Thừa Thiên Huế

Tháng 10/2021 vừa qua, gia đình ông Đào Tắc Tía (xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế ) được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Phú Lộc giải ngân gói vay từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm. Có vốn, ông Tía đã đầu tư mua thêm giống cây ăn quả, mở rộng và đa dạng hóa cây trồng trong mô hình sinh kế của gia đình. Trước đó, năm 2017, gia đình này cũng đã vay 40 triệu đồng từ nguồn sản xuất kinh doanh tại NHCSXH huyện Phú Lộc để đầu tư vào trồng các loại cây ăn quả, như: ổi (Đài Loan), bưởi da xanh, quýt và nuôi heo khép kín. Đến tháng 03/2020, sau khi trả hết nợ, với mong muốn mở rộng sản xuất, ông Tía tiếp tục được vay vốn 50 triệu đồng. Từ các gói tín dụng ưu đãi nói trên, đến nay gia đình ông Tía đã xây dựng được mô hình sinh kế bài bản, tạo nguồn thu nhập ổn định, với nguồn thu hàng năm từ 250- 300 triệu đồng.

Cũng như gia đình ông Tía, gia đình ông Hồ Văn Bờm (thôn A Roàng 1, xã A Roàng, huyện A Lưới) hiện cũng đã được hưởng thành quả từ từ nguồn vốn vay chính sách mà gia đình đã lựa chọn. Ông Bờm cho biết, năm 2016, gia đình vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH A Lưới để mua cây giống, thuê người trồng 6ha keo công nghiệp. Theo nhẩm tính, mỗi 1ha keo tại xã A Roàng bán được từ 30 – 40 triệu đồng, gia đình ông Bờm sẽ thu về không dưới 200 triệu đồng khi thu hoạch.

Bên cạnh đó, nhận thấy diện tích đất vườn vẫn còn để không, năm 2019, gia đình ông Bờm vay thêm 50 triệu để đầu tư trồng bưởi đỏ, chuối già lùn, mua máy cày ruộng. Đến nay, vườn chuối đã cho thu hoạch với mỗi buồng chuối quả bán tại vườn khoảng 80.000 đồng. Không những thế, gia đình hộ nông dân người Tà Ôi này còn đầu tư nuôi thêm 3 con bò, 1 con trâu và mở cửa hàng tạp hoá. Vậy là, từ một hộ có hoàn cảnh khó khăn, giờ đây gia đình ông Hồ Văn Bờm đã trở thành hộ khá tại xã vùng cao biên giới A Roàng.

Không chỉ thoát nghèo thành công, nhiều hộ gia đình còn duy trì việc làm và thu nhập ổn định khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH, nhất là nguồn Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi tạo việc làm khác. Điển hình như trường hợp của hộ ông Đoàn Thanh Bình (xã Hương Phong, huyện A Lưới). Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng, việc làm bấp bênh, thu nhập không ổn định, ông Bình đã quyết định vay 90 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm tại NHCSXH A Lưới để phát triển mô hình kinh tế.

Kết hợp nguồn tiền vay được với số vốn tự có, ông Bình mua đàn bò giống về chăn thả. Sau hơn một năm rưỡi chăn nuôi theo quy trình được hướng dẫn bài bản, đàn bò phát triển tốt. Đến nay, đàn bò của gia đình ông Bình phát triển được 22 con, trong đó có 8 con cái đang mang thai. Không những thế, gia đình này còn tận dụng nguồn phế thải trong chăn nuôi, phát triển các mô hình trồng trọt, tạo thêm việc làm và thu nhập cho các thành viên trong gia đình.

Nhiều hộ dân thoát nghèo thành công, duy trì việc làm và thu nhập ổn định khi dịch bệnh diễn biến phức tạp nhờ nguồn vốn vay ưu đãi

Nhiều hộ dân thoát nghèo thành công, duy trì việc làm và thu nhập ổn định khi dịch bệnh diễn biến phức tạp nhờ nguồn vốn vay ưu đãi

Thực tế cho thấy, chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH đã góp phần giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện tỉnh Thừa Thiên Huế có thêm nguồn lực phát triển các mô hình kinh tế. Nhiều hộ dân đã tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Theo NHCSXH chi nhánh Thừa Thiên Huế, tính đến ngày 31/12/2021, thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đơn vị đã phê duyệt cho vay tổng nguồn vốn 280.027 triệu đồng; tổng dư nợ đạt 279.070 triệu đồng, với 7.588 khách hàng. Doanh số cho vay từ đầu năm đến 31/10/2021 đạt 121.008 triệu đồng, qua đó góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 2.660 lao động trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, có 3 người được vay theo chương trình cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh số cho vay đạt 245 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc NHCSXH Thừa Thiên Huế cho biết, trong 2 năm 2020 - 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, trong đó có các hộ nghèo các đối tượng chính sách. Các nguồn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH Trung ương và ngân sách UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chuyển qua cho vay đã giúp thêm nhiều hộ dân được vay vốn để đầu tư sản xuất, giảm bớt khó khăn. Theo đó, đã có 5.463 lao động được vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với số tiền 244.596 triệu đồng, 27 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Thông qua chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã tạo điều kiện để các hộ gia đình phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu hút thêm lao động mới, cải thiện và tăng thu nhập cho lao động trên địa bàn, đặc biệt là giải quyết tình trạng thất nghiệp cho người lao động chịu ảnh hưởng dịch bệnh. Các nguồn vốn cũng giúp Thừa Thiên Huế khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống như: làng nghề điêu khắc mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên huyện Phong Điền; làng nghề tre, đan Dạ Lê xã Thủy Phương, thị xã Hương Thủy; làng nghề chằm nón lá ở xã Phú Hồ, làng hoa giấy Thanh Tiên xã Phú Mậu, huyện Phú Vang; làng nghề Đúc đồng phường Đúc thành phố Huế,...

Theo ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, vừa qua, HĐND tỉnh này đã ban hành Nghị quyết rất quan trọng liên quan đến chương trình việc làm và các chính sách hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2021 – 2025. Mục tiêu Thừa Thiên Huế đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025 là giải quyết việc làm cho 83.400 lao động. Trong đó, tạo việc làm thông qua phát triển các ngành kinh tế của tỉnh cho 61.400 lao động; hỗ trợ tạo việc làm cho 12.000 lao động thông qua các dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm; đưa 10.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ông Phúc cho răng, để giải quyết việc làm cho người lao động, cần sự tham gia của nhiều phía, từ phía doanh nghiệp, bản thân người lao động và từ các cấp, các ngành, bao gồm cả hệ thống NHCSXH. Riêng đối với những lao động chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là lao động trở về từ vùng dịch, từ các tỉnh, thành phía Nam có nhu cầu, Thừa Thiên Huế đang nghiên cứu phương án đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngắn hạn. Khi đó, vai trò của các nguồn vốn ưu đãi như vốn vay giải quyết việc làm là hết sức quan trọng.

CAO TIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh