Cho học sinh nghỉ học ngày thứ bẩy: Nên hay không?
- Giáo dục nghề nghiệp
- 21:33 - 17/08/2018
Nên hay không cho học sinh nghỉ học ngày thứ bẩy?
Tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục,Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã báo cáo một số vấn đề lớn về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị các cơ sở giáo dục phổ thông cân nhắc để không tổ chức dạy học vào thứ Bảy. Đề xuất này đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.
Hiện đa phần học sinh bậc tiểu học đã được nghỉ thứ Bảy, còn với học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông vẫn phải đi học vào ngày này. Khi được hỏi quan điểm về đề xuất nghỉ học thứ Bảy, nhiều học sinh tỏ ra háo hức.
Với phụ huynh, những người đang là công chức cũng đồng tình với đề xuất cho học sinh nghỉ học ngày thứ Bảy.
“Hai ngày cuối tuần tôi và chồng đều được nghỉ ở nhà, trong khi con trai năm nay đang học lớp 6 vẫn phải đi học ngày thứ Bảy. Trước đây khi con còn học tiểu học, gia đình tôi thường lên kế hoạch đi dã ngoại hoặc về quê thăm họ hàng vào hai ngày cuối tuần. Nhưng một năm nay, việc này không được duy trì thường xuyên nữa vì vướng lịch học của con. Tôi thấy đề xuất cho học sinh nghỉ học ngày thứ Bảy là hợp lý và nên triển khai sớm”- anh Đỗ Văn Tính (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ quan điểm.
Tuy nhiên, với đối tượng là công nhân lao động, hoặc làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân, đề xuất cho học sinh phổ thông được nghỉ thêm ngày thứ Bảy là không khả thi. Vì đa phần đối tượng này vẫn phải đi làm ngày thứ Bảy, nếu con cái được nghỉ sẽ gặp khó trong việc tìm nơi gửi con.
Ông Nghiêm Quý Bình, Hiệu trưởng trường THPT Đông Anh, Hà Nội cho rằng khó có thể cho học sinh nghỉ thứ 7 bởi phân phối chương trình của Bộ GDĐT yêu cầu 29,5 tiết/tuần, nếu nghỉ thứ 7 sẽ rất khó hoàn thành chương trình. Việc nghỉ thứ 7 có thể chỉ phù hợp với những trường đủ phòng học để sắp xếp học chính khóa cả sáng và chiều, nhưng những trường chưa có đủ điều kiện cơ sở vật chất phải chia ca học sáng chiều thì rất khó để nghỉ học ngày thứ 7.
GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông cho rằng Luật Giáo dục không nên bó chân các trường, nên để các trường tự quyết căn cứ vào tình hình cụ thể.
Với những trường học 2 buổi/ngày thì thứ 7 hoàn toàn có thể cho học sinh nghỉ học, còn trường học 1 buổi/ngày mà nghỉ thứ 7 thì không thể đảm bảo được chương trình.
So sánh chương trình giáo dục Việt Nam với chương trình của các nước phát triển, riêng khối Tiểu học và THCS chúng ta hụt khoảng 1.500 giờ học, chưa kể đến khối THPT. Có sự chênh lệch này là bởi học sinh các nước khác đều học cả ngày, còn chúng ta chưa đủ điều kiện nên chỉ có thể học 1 buổi/ngày.
Nếu cắt ngắn thời gian học sẽ xảy ra 2 khả năng: Thứ nhất là phải cắt giảm chương trình dẫn đến thiếu hụt kiến thức so với thế giới. Nếu thế bằng tốt nghiệp phổ thông của ta sẽ không được các nước công nhận, học sinh du học sẽ gặp khó khăn. Thứ hai, nếu thực hiện đủ chương trình với khối lượng kiến thức gần tương đương các nước thì sẽ dẫn đến quá tải vì không đủ thời gian thực hiện.
“Tôi e rằng ý kiến này chỉ phản ánh mong muốn của một số gia đình trung lưu, những gia đình có điều kiện muốn con nghỉ học thứ 7 để đi du lịch, hoặc gia đình làm nghề tự do, công chức nhà nước được nghỉ thứ 7. Còn đưa ra số đông chắc chắn sẽ có ý kiến ngược chiều bởi phần lớn gia đình Việt Nam bố mẹ là những người lao động nên phải đi làm cả thứ 7.
Nếu đặt vấn đề nhà trường cho học sinh nghỉ học thứ 7 ở nhà thì bố mẹ rất lo về an toàn của con cái. Học sinh nhỏ tuổi có thể gặp nguy hiểm, học sinh lớn tuổi có thể bị lôi cuốn vào một số hoạt động không lành mạnh. Lúc ấy không biết trách nhiệm sẽ đổ lên đầu ai?” - GS Thuyết phân tích.
Với những lý do trên, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng khó có thể tán thành được đề xuất này. Luật không nên làm thay các trường, chỉ nên quy định những gì khái quát. Vấn đề này nên để các trường tự quyết.