Cho F0, F1 đi làm: Nhiều nơi vẫn… e ngại
- Bài thuốc hay
- 10:12 - 18/03/2022
Tỉnh Long An và Cà Mau là hai tỉnh đầu tiên hưởng ứng đề xuất của Bộ Y tế cho phép các trường hợp F0 (không triệu chứng), F1 đang trong thời gian cách ly được tham gia làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN).
Nhiều nơi vẫn e ngại
Theo ghi nhận của phóng viên Pháp Luật TP HCM, tại các DN và các cơ quan trên địa bàn tỉnh Long An thì việc F0 đi làm vẫn còn không ít e ngại.
Đơn cử như tại khu công nghiệp (KCN) Hòa Bình, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa có gần 15.000 công nhân đi làm, với 22 DN đang hoạt động, ông Đặng Trung Tín, Giám đốc hành chính quản trị KCN cho biết hiện tại, tại KCN này chưa có DN nào có F0, F1 đi làm theo văn bản của tỉnh.
Ông Võ Thành Tâm, một DN trên địa bàn huyện Bến Lức cho biết, công ty của ông test cho công nhân hằng tuần và công nhân tự test ở nhà, ai là F0 thì ở nhà tự cách ly, hết rồi đi làm.
Riêng ở cơ quan nhà nước thì cũng không khác so với các DN. Một cán bộ Trung tâm Văn hóa thông tin và truyền thanh huyện Thủ Thừa, hiện đang là F0, cho biết khi test lên hai vạch, chị ở nhà, xin phép lãnh đạo được làm việc online, khi nào âm tính sẽ đi làm lại bình thường.
Theo quy định của tỉnh Long An về việc này, F0, F1 có nhu cầu làm việc vẫn ưu tiên bố trí để làm việc trực tuyến.
Nếu không thể làm việc trực tuyến mà phải đi làm trực tiếp, F0 không triệu chứng, đang trong thời gian cách ly (bảy ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính và chưa có kết quả xét nghiệm âm tính) đang làm trong cơ quan nhà nước khi đến cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách phải trên tinh thần tự nguyện và phải có sự đồng ý của thủ trưởng hoặc cấp trên trực tiếp.
Cà Mau: Đồng ý cho Fo đi làm
Ngày 17/3, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành quyết định chính thức cho F0 được đi làm trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Quy định này có hiệu lực ngay khi ban hành.
Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau sửa đổi quy định cách ly F0, F1, F2 trong Quyết định 2777/QĐ-UBND ngày 8/12/2021. Nội dung này nay được sửa lại cụ thể: “Đối với các trường hợp F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ và F1 có nguy cơ, nguy cơ cao là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty, nhà máy, xí nghiệp, DN... tạm thời cho phép tham gia một số hoạt động”.
Đây là tỉnh thứ hai trong cả nước đã phát pháo cho F0 đi làm trong bối cảnh Bộ Y tế vẫn giữ quan điểm F0 không được rời khỏi khu cách ly.
Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP HCM , doanh nhân Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) cho rằng: “Cho F0 đi làm là tốt. Thực tế có rất nhiều F0 không có triệu chứng gì cả hoặc không đáng kể. Nếu không cho họ đi làm sẽ khiến họ giảm thu nhập mà DN cũng bị mất nhân lực, có khi gián đoạn một số khâu. Tôi đồng tình với việc Cà Mau cho F0 đi làm”.
Vừa làm vừa cách ly tại chỗ
Chia sẻ với PV báo Tiền Phong, ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Cty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food) khẳng định: “F1 vẫn có thể đi làm nhưng với F0, chúng tôi khuyến khích ở nhà. Cty có chính sách lương, phụ cấp đầy đủ cho các trường hợp F0. Hơn nữa, khi F0 tự cách ly tại nhà, họ khai báo y tế với địa phương còn được hỗ trợ thuốc men, và quan trọng nhất là hạn chế được sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng”.
Liên quan đến việc cho F0 đi làm, ông Trương Hoàng Tâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP In số 7 KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM cho rằng, đối với cán bộ quản lý, khối văn phòng… thì F0 vẫn có thể làm việc trực tuyến nhưng đối với khối sản xuất trực tiếp thì khó hơn vì nó liên quan đến điều kiện của từng đơn vị, không dễ bố trí khu vực riêng để F0 làm việc, chưa kể ảnh hưởng đến tâm lý của những người khác.
“Đối với F0 không triệu chứng trong khối sản xuất trực tiếp, Cty cho phép nghỉ ngơi 5 ngày, sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ quay lại làm việc”, ông Tâm cho biết.
Mới đây, Hiệp hội các DN KCN TPHCM (HBA) có văn bản kiến nghị gửi Bộ Y tế cho F1 là công nhân được đi làm, thậm chí F0 không có triệu chứng vẫn có thể đến nhà máy làm việc.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA cho rằng, trường hợp công nhân được xác định là F0 tại nhà máy, có nguy cơ các tổ sản xuất đó hoặc dây chuyền sản xuất đó sẽ thuộc diện F1. Nếu F1 nghỉ hết thì nhà máy không có lao động làm việc trong khi các DN hiện nay thiếu lao động rất trầm trọng.
Từ đó, HBA kiến nghị khi có F0 tại nhà trọ hoặc tại nhà máy, các đối tượng có nguy cơ F1 chỉ cần thực hiện 5K, báo cơ quan y tế có trách nhiệm và báo DN. Kết quả xét nghiệm nhanh âm tính, công nhân vẫn được đi làm nhưng phải ở vị trí sản xuất giãn cách giữa người với người trên 2m. Sau 5 ngày, công nhân F1 vẫn âm tính được lao động trở lại bình thường.