CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:55

Đề xuất cho F0, F1 đi làm: Nới lỏng nhưng không buông lỏng

F0 gia tăng, doanh nghiệp thiếu lao động sản xuất.

F0 gia tăng, doanh nghiệp thiếu lao động sản xuất.

F0 gia tăng, doanh nghiệp thiếu lao động sản xuất

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Thanh Hóa, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở tỉnh khá phức tạp, khi số lượng F0 mỗi ngày tăng cao, trên dưới 1.000 ca/ngày. Tại nhiều nhà máy, phân xưởng của các DN có đông công nhân lao động, số lượng F0 được ghi nhận tăng đột biến đã ảnh hưởng đến đơn hàng và việc bố trí sắp xếp làm việc tại đơn vị.

Ông Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sakurai Việt Nam (KCN Lễ Môn, TP. Thanh Hóa) cho biết: “Toàn Công ty có hơn 12.000 công nhân lao động, thời điểm dịch bệnh phức tạp F0 và F1 tại Công ty khoảng 8.000 người. Lao động là F0 và F1 đều được nghỉ cách ly tại nhà, mọi chế độ tiền lương, thưởng vẫn được Công ty chi trả bình thường. Việc công nhân bị F0, F1 phải cách ly ảnh hưởng rất lớn đến cả chuyền sản xuất. DN đang cố gắng hoạt động cầm chừng và chờ công nhân lao động khỏi bệnh đi làm trở lại. Hiện đã có hơn 6.000 công nhân đi làm trở lại, khoảng 6.000 người đang nghỉ ở nhà, trong đó có 1.700 người nghỉ chế độ, còn lại là F0 và F1. Dự kiến đến giữa tháng 3, sau khi khỏi bệnh, toàn bộ công nhân sẽ đi làm bình thường trở lại”.

Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt (KCN Hoàng Long, TP. Thanh Hóa) cho biết: “Hiện  Công ty có gần 20% lao động là F0 phải nghỉ điều trị cách ly tại nhà. Công nhân nghỉ, dây chuyền sản xuất bị ảnh hưởng, sản lượng giảm sút, không đáp ứng được tiến độ kế hoạch đã đặt ra. Trong khi đó, các sản phẩm của Công ty đều là hàng hóa xuất cho đối tác nước ngoài. Nếu hàng chậm, không đủ rất dễ bị đối tác phạt hợp đồng, hủy hợp đồng. Công ty đã triển khai tăng ca, tăng thêm giờ làm nhằm bù lại những thiếu hụt do công nhân bị F0 phải nghỉ cách ly, đảm bảo đủ hàng hóa xuất cho đối tác…”.

Cân nhắc việc cho F0 đi làm

Chia sẻ về đề xuất của Bộ Y tế cho F0, F1 đang cách ly đi làm, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, ngành LĐ-TB&XH Thành phố ủng hộ đề xuất F1 đi làm.

Theo ông Dân, sự thiếu hụt lao động tại Hà Nội không nóng như các tỉnh phía Nam hay một số tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Tuy nhiên, hiện Hà Nội, số F0 trong các đơn vị, DN khá lớn. Do vậy, nếu LĐ nghỉ nhiều quá sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất.

“Đối với F1 thì nên cho đi làm. Đặc biệt là sau Tết Nguyên đán, các DN thiếu hụt nhiều lao động. Trong bối cảnh gia tăng F0 nhiều như hiện nay nếu không có phương án phù hợp sẽ dẫn đến việc thiếu lao động trầm trọng", ông Dân bày tỏ quan điểm, đồng thời cho biết, cơ quan có thẩm quyền nên đưa ra chủ trương chung, còn cơ quan, DN sẽ căn cứ quy mô, phương án sản xuất để quyết định cụ thể cho phù hợp.

Doanh nghiệp và người lao động ủng hộ phương án đề xuất cho F0, F1 đi làm của Bộ Y tế.

Doanh nghiệp và người lao động ủng hộ phương án đề xuất cho F0, F1 đi làm của Bộ Y tế.

Đồng quan điểm, ông Lê Quang Long, Trưởng Ban quản lý các KCN Hà Nội cho rằng, F1 đi làm sẽ giải quyết việc thiếu hụt nhân lực ngay từ cơ quan hành chính chứ chưa nói tới các KCN. Chủ trương của Bộ Y tế phù hợp với mong muốn của các DN, giúp LĐ là F1 đi làm với tâm lý thoải mái hơn, giải quyết thiếu hụt lao động hiện nay. Bởi, nhiều F1 đi làm không đúng quy định, trong quá trình làm việc không may có vấn đề xảy ra thì phải chịu trách nhiệm”.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh cho biết, F1 tại tỉnh vẫn phải nghỉ làm 5 ngày và chỉ đi làm khi đã có xét nghiệm âm tính. “Một số DN lớn có quy mô lớn có thể tổ chức một dây chuyền riêng cho công nhân là F1 để đảm bảo sản xuất, tuy nhiên việc này sẽ khó hơn ở công ty nhỏ, nhân công ít. "Bắc Ninh sắp hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vaccine cho công nhân nên phương án F1 đi làm có thể được xem xét", ông Phúc cho hay.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều DN và NLĐ rất hoang nghênh việc cho F1 đi làm không phải cách ly tại nhà 5 ngày. Ông Nguyễn Chí Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định chia sẻ: “Công ty vẫn đang tăng tốc sản xuất khi có nhiều F0. Với những F0 muốn cách ly tại nhà, công ty sẽ vẫn có hỗ trợ để F0 yên tâm cách ly; F0 muốn cách ly tại công ty, sẽ được bố trí khu vực cách ly. Đối với F1, công ty vẫn duy trì làm việc bình thường nên NLĐ rất phấn khởi, họ không bị ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống nên tất cả đều yên tâm sản xuất”.

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Hương (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, 4 ngày nay chị phải cách ly tại nhà vì là F1. Chị đã test Covid-19 cho kết quả âm tính và thấy cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh. "Công ty thiếu lao động nghiêm trọng, nên luôn muốn F1 đi làm trở lại. F0 nghỉ việc có tiền BHXH, F1 nghỉ việc là không có lương. Vì thế ai cũng mong muốn được đi làm sớm", chị Hương nói.

 

Theo ghi nhận, các nhà máy ở các KCN tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai hiện nay đều triển khai cho F1 vẫn lao động sản xuất bình thường. Đại diện Nhà máy thuốc lá Sài Gòn cho biết, biến chủng Omicron lây nhiễm nhanh và cũng nhanh khỏi bệnh, ít có trường hợp chuyển nặng. Nếu áp dụng rập khuôn cách ly F1 thì chỉ cần một công nhân bị F0 nguy cơ cả tổ sản xuất của nhà máy không có công nhân đi làm, vì tổ sản xuất hoặc chuyền sản xuất đó bị quy vào diện F1.

“Để bảo đảm dây chuyền sản xuất, nhà máy luôn xét nghiệm định kỳ hàng tuần, nếu phát hiện F0 thì cho nghỉ ở nhà cách ly đến khi kết quả xét nghiệm âm tính mới đi làm trở lại; các đối tượng F1 chỉ cần xét nghiệm âm tính thì được bố trí sản xuất giãn cách nhau trên 2m, đồng thời thực hiện nghiêm 5K, ăn uống, ngủ nghỉ khu vực riêng và được theo dõi kiểm tra sức khỏe nếu có bất thường. Đến ngày thứ 5 nếu xét nghiệm vẫn âm tính thì công nhân đó được hòa nhập lao động bình thường trở lại”, vị đại diện Nhà máy thuốc lá Sài Gòn cho biết.

Về đề xuất của Bộ Y tế, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng: Việc cho F0, F1 đi làm hay không, Bộ Y tế sẽ phải cân nhắc thêm. Bởi, đối với F0 hiện nay triệu chứng nhẹ cũng rất nhiều, nhưng quan trọng là sức khỏe của NLĐ, vì  thời gian qua ngành y tế vẫn tuyên truyền nhiều về các triệu chứng của hậu Covid-19. Đi kèm với đó còn là các quyền lợi của NLĐ và còn tùy vào thể trạng, cơ địa sức khỏe mỗi người…

Cũng theo bà Ngân, Bộ Y tế cần quy định rõ F0 không có triệu chứng thì như thế nào là không có triệu chứng? Nếu cho F0, F1 đi làm có ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ hay không? “Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể về điều kiện, phương án sản xuất tại các DN được thực hiện như thế nào để đảm bảo sức khỏe của NLĐ là F0, F1. Bởi thực tế, có nhiều NLĐ không có bệnh nền, khi bị F0 họ không có triệu chứng nặng, nhưng trong quá trình làm việc, tiếp xúc với môi trường lao động khiến họ lại có triệu chứng nặng lên”, bà Ngân nói.

Bộ Y tế vừa có đề xuất cho F0, F1 không triệu chứng đi làm trong thời gian cách ly.

Bộ Y tế vừa có đề xuất cho F0, F1 không triệu chứng đi làm trong thời gian cách ly.

Phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh đồng bộ

Về đề xuất nới lỏng, cho F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly, PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho rằng, thực tế hiện nay người dân đã được tiêm vaccine đạt tỷ lệ cao, các ca bệnh thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy vậy, nếu để dịch bùng phát quá mạnh sẽ gây quá tải hệ thống y tế khiến số ca chuyển nặng tăng lên và như vậy số ca tử vong cũng tăng lên. Vì vậy chúng ta nới lỏng nhưng không phải buông trôi, thả lỏng mà là chuyển từ cấm đoán sang quản lý rủi ro.

“Theo tôi, Bộ Y tế đề xuất như vậy, còn việc quyết định như thế nào thì tùy thuộc từng địa phương, đơn vị, DN, làm sao cho hợp lý, tránh việc không kiểm soát được dịch, dẫn đến việc cả cơ quan, DN sẽ không còn lao động để làm việc. Cùng với đó người đi làm cũng như đơn vị phải thực hiện phòng bệnh và nguyên tắc 5K tối đa nhất có thể để hạn chế sự lây lan, chứ không phải nới lỏng là buông trôi, thả lỏng”, ông Phu bày tỏ quan điểm và lưu ý, với những trường hợp F1 nếu trong thời gian làm việc, nếu có những dấu hiệu bất thường thì cần phải được xét nghiệm sớm, nếu là F0 phải có cách giải quyết kịp thời cũng như sắp xếp lại công việc.

“Với những trường hợp nằm trong vị trí trọng yếu của đơn vị, DN, cần phải có những biện pháp ngăn chặn bệnh kịp thời để tránh lây lan, không bị ảnh hưởng tới việc sản xuất. Do vậy, mỗi đơn vị cần phải có kế hoạch, kịch bản để làm sao vẫn duy trì được cho F1 đi làm nhưng vẫn phòng bệnh được”, ông Phu khuyến cáo.

Theo đề xuất của Bộ Y tế cho F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly, thì trường hợp F0 không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly tự nguyện tham gia làm việc trực tuyến; hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú... và thực hiện nghiêm thông điệp 5K…

Những người là F1 nhưng chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 được phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương mình thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp. F1 được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại; thực hiện nghiêm thông điệp 5K…

C.HÒA-P.LÊ -X.TRƯỜNG-Q.TUẤN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh