CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:55

Chính sách ra đời phải phù hợp và đáp ứng nhu cầu cuộc sống

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; ông Michael Krakowski, cố vấn trưởng chương trình cải cách kinh tế vĩ mô, GIZ đồng chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết: Một trong những nội dung quan trọng của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội chính thức thông qua ngày 22/6/2015 là đánh giá tác động xã hội trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần nghiên cứu các tác động chính sách về xã hội, bình đẳng giới, cải cách thủ tục hành chính cũng như tác động đến sự phát triển kinh tế. “Cách đây 2 ngày, Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam cũng đã có kiến nghị: Khi xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần phải đánh giá tác động xã hội của chính sách đó. Chính sách mới không chỉ đúng chủ trương mà còn phải hợp với thực tiễn nhu cầu cuộc sống người dân. Những chính sách ra đời từ những người ngồi phòng lạnh, không thấu hiểu tâm tư nguyện vọng người dân thì sẽ để lại hậu quả rất lớn. Vì thế, trong thời gian tới, cần có quy trình đánh giá bài bản hơn để hệ thống chính sách trong lĩnh vực lao động, xã hội đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn, tạo được sự đồng thuận trong xã hội”, Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh.

Công nhân ngành dệt may

 

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, đánh giá tác động xã hội đối với văn bản quy phạm pháp luật là việc tính toán, phân tích trước những hệ quả xã hội tới các nhóm dân số trong xã hội do việc ban hành văn bản đó tạo ra. Tác động của mỗi chính sách, can thiệp của nhà nước là khác nhau đối với các nhóm khác nhau. Tác động đối với nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội cần được đặc biệt quan tâm. Ông Bùi Sỹ Lợi lấy ví dụ, khi xây dựng mức lương tối thiểu vùng cho người lao động VCCI bảo vệ quyền lợi cho các chủ sử dụng lao động, đề xuất mức tăng lương dưới 10%, nhưng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại đấu tranh phải tăng thêm 14% lương để đảm bảo đời sống người lao động. Hội đồng lương quốc gia phải dung hòa quyền lợi của cả người lao động và chủ sử dụng lao động sao cho hợp lý nhất.

Phân tích đánh giá tác động xã hội là nhiệm vụ nặng nề, phức tạp và yếu tố phải tính đến là tác động kinh tế. Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng: “Thời gian vừa qua, một số luật được ban hành nhưng chưa phản ánh được hết tâm tư, nguyện vọng của người dân. Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội là một minh chứng. Dù cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các bộ ngành, cơ quan thẩm tra cũng đã làm hết sức nhưng khi đi vào thực tiễn lại chưa hợp lòng dân. Ngay cả UBND TP Hồ Chí Minh, nơi có đông người lao động phản đối Điều 60 hay Tổng liên đoàn lao động Việt Nam là cơ quan đại diện quyền lợi người lao động đều thống nhất thông qua Điều 60, nhưng người lao động không đồng ý. Rút kinh nghiệm, năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH  và Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ tập trung đánh giá tác động của Bộ luật Lao động đối với người dân để sửa Luật vào năm 2017 hợp với ý dân hơn”.

Đánh giá tác động xã hội việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm xác định được nhóm được hưởng lợi và nhóm bị thiệt hại do luật pháp, chính sách ban hành. Từ đó sẽ có biện pháp phòng ngừa, can thiệp và hạn chế tác tộng tiêu cực, bảo vệ các nhóm yếu thế, thúc đẩy giảm nghèo và bất bình đẳng. Qua đánh giá tác động xã hội sẽ cung cấp cơ sở để lựa chọn biện pháp can thiệp hoặc đưa ra các lựa chọn mới. Đánh giá cao tầm quan trọng của việc đánh giá tác động xã hội đối với các ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng theo ông Bùi Sỹ Lợi, nghiên cứu tác động xã hội của chính sách mới sẽ có nhiều ý kiến khác nhau và cần phải cân nhắc để không tác dụng ngược. Lấy ví dụ như đảm bảo chính sách bình đẳng giới cần ưu tiên lao động nữ nhưng với nhiều đòi hỏi: lao động nữ lương cao hơn, được nghỉ nhiều hơn, phải có nhà trẻ... thì vô hình trung sẽ trở thành rào cản đối với lao động nữ. Bởi quá nhiều yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp khi sử dụng lao động nữ khiến họ ưu tiên tuyển dụng lao động nam, khi đó tỉ lệ lao động nữ sẽ thất nghiệp cao hơn...  hay chính sách giảm nghèo là một chính sách rất tốt, rất nhân văn nhưng giai đoạn đầu phát triển theo chiều rộng, có nhiều chính sách cho không nên từ chính quyền đến người dân có tâm lý ỷ lại, không vươn lên. Huyện nghèo không muốn thoát nghèo, xã không muốn ra khỏi Chương trình 135, người dân tranh nhau nhận hộ nghèo nên mới có chuyện bình xét hộ nghèo quay vòng, lần lượt....

Công nhân ngành lắp may (ảnh minh họa)

 

Các đại biểu tham dự hội thảo đều đánh giá cao tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của việc nghiên cứu tác động xã hội đối với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. PGS Vũ Mạnh Lợi, Phó viện trưởng Viện Xã hội học cho rằng, để đảm bảo tính khách quan và công bằng, việc nghiên cứu tác động xã hội đối với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên được tiến hành độc lập. Làm được như thế sẽ đảm bảo tính công bằng, cũng như thu thập được tính phản biện của xã hội.

Vân Khánh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh