CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:14

Vận động người lao động quá hạn tại Hàn Quốc về nước

Những năm gần đây, tình trạng lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại nước này đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của người lao động Việt Nam và đã dẫn đến việc Chính phủ Hàn Quốc hạn chế tiếp nhận lao động Việt Nam. Mặc dù cả hai nước đã có những chính sách và biện pháp để chấn chỉnh tình hình này, nhưng so với mức chung của 14 nước cử lao động sang Hàn Quốc, tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước vẫn ở mức cao.

Trước tình hình đó, Chính phủ hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã thống nhất thực hiện các chính sách khuyến khích người lao động bất hợp pháp tự nguyện về nước.Tại Việt Nam, ngày 7/9/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 62/NQ-CP, trong đó nêu rõ người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc có hành vi bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động mà tự nguyện về nước trong thời hạn từ ngày 1/9/2015 đến hết ngày 31/12/2015 thì không bị phạt tiền theo quy định.

Triển khai Nghị quyết 62/NQ-CP của Chính phủ, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản số 6075/UBND-VX yêu cầu Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh, UBND các quận, huyện tuyên truyền về nghị quyết này.

Chính phủ 2 nước đã có nhiều chính sách khuyến khích NLĐ về nước đúng thời hạn.

 Sở LĐ-TB&XH TP đã phối hợp với các Phòng LĐ- TB&XH cùng với các ban, ngành đoàn thể thông tin các chính sách khuyến khích người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước trên các phương tiện thông tin tại địa phương như loa phát thanh, trang thông tin điện tử và bản tin hàng tháng cho người dân, chú trọng những gia đình có người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng chưa về nước. Công tác tuyên truyền tập trung các nội dung chính sách khuyến khích của Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc, thủ tục khai báo tự nguyện về nước của người lao động tại Hàn Quốc và Việt Nam.

Bên cạnh đó các Phòng LĐ-TB&XH thông tin đến UBND phường, xã, thị trấn danh sách người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng ở lại làm việc cư trú bất hợp pháp. Triển khai để UBND phường, xã thị trấn tổ chức thông tin tuyên truyền đến tận gia đình có người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc không về nước đúng hạn để vận động, thuyết phục người thân về nước và hướng dẫn UBND xã, phường, thị trấn tiếp nhận khai báo của người lao động bất hợp pháp của địa phương đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Ông Trần Anh Tịnh, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH quận 6 cho biết, quận 6 có 2 trường hợp người lao động đi xuất khẩu làm  việc tại Hàn Quốc nhưng quá thời hạn vẫn không chịu về nước, để vận động người lao động về nước sau khi đã hết hạn hợp đồng phòng đã phối hợp với tất cả các cơ quan có liên quan như MTTQ quận, phường, CA quận, phường, UBND phường đến làm việc với chính gia đình người lao động, vận động trực tiếp gia đình kêu gọi con em về nước. Chúng tôi tổ chức đoàn đến gia đình người lao động rất nhiều lần, phân tích cho họ thấy rất nhiều những rủi ro người thân của họ sẽ gặp phải khi cư trú làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, đồng thời cho họ thấy những chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người lao động về nước đúng thời hạn, sau nhiều lần vận động đến nay người lao động đã về nước.

Chị Lê Ngọc Nguyệt, chị của anh Nguyễn Việt Hải, một lao động  đi làm việc tại Hàn Quốc đã hết hạn hợp đồng cho biết: “Do nhà nghèo nên sau khi hết hạn hợp đồng Hải muốn kiếm thêm chút tiền rồi mới về. Khi được cơ quan, đoàn thể giải thích và vận động, gia đình đã hiểu về các rủi ro mà Hải có thể gặp phải nên đã liên lạc với Hải để khuyên Hải về nước”.

Còn anh Nguyễn Việt Hải cho biết: “Do muốn kiếm thêm chút tiền nên tôi đã nán lại làm việc ở Hàn Quốc thêm một thời gian, trong một thời gian dài còn không liên lạc với gia đình. Khi liên lạc lại thì gia đình cho biết là nếu tôi về nước thì tôi vẫn có cơ hội trở lại Hàn Quốc làm việc sau 2 năm kể từ ngày tự nguyện về nước và được nhận các hỗ trợ về giới thiệu việc làm, lập nghiệp. Vì thế tôi đã tự nguyện trở về nước để không còn phải sống trong cảnh nơm nớp sợ bị bắt, bị phạt tiền và bị trục xuất và tôi sẽ tìm kiếm cơ hội quay trở lại Hàn Quốc để làm việc”. 

 

Thủ tục khai báotự nguyện về nước của người lao động

- Tại Hàn Quốc: Người lao động có thể liên hệ với Văn phòng Quản lý lao động EPS hoặc Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc (số điện thoại: 02 364 1043/45) để được hướng dẫn chi tiết thủ tục khai báo.

- Tại Việt Nam: Sau khi về nước, người lao động khai báo với cơ quan chức năng như sau:

+ Đối với những lao động đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Khai báo tự nguyện về nước tại UBND xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nộp kèm theo 1 bản phô tô Hộ chiếu hoặc Giấy thông hành.

+ Đối với những lao động chưa bị xử phạt vi phạm hành chính: Gửi 1 bản phô tô Hộ chiếu hoặc Giấy thông hành về Trung tâm Lao động ngoài nước (địa chỉ: Số 1, đường Trịnh Hoài Đức, quận Đống Đa, Hà Nội; điện thoại: 04 37346751).

LÊ HOÀNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh