THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:34

Chính sách hỗ trợ người lao động: “Tiếp sức” cho người dân Ninh Bình vượt qua đại dịch Covid-19

Với mục tiêu vừa phòng dịch an toàn, vừa đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh Ninh Bình đã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đặc biệt, các ngành chức năng, các địa phương đã tăng cường kết nối cung-cầu lao động, góp phần đưa cơ hội việc làm đến với người lao động, nhất là lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, giúp họ duy trì hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm thường xuyên ổn định cuộc sống.

Từ nhiều năm nay, nguồn thu nhập chính của chị Lê Thị Hằng, xã Gia Sinh (huyện Gia Viễn, Ninh Bình) là từ việc bán hàng cho khách du lịch ở chùa Bái Đính. Nhưng từ khi dịch COVID-19 xuất hiện vào đầu năm 2020, khách tới tham quan chùa giảm nhiều nên công việc của chị Hằng bắt đầu gặp khó khăn.

Đặc biệt, từ tháng 4/2021 đến nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chị Hằng không có việc làm nữa. "Dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đúng vào thời điểm "ăn nên làm ra" của những người làm các công việc phục vụ khách du lịch như tôi. Để đảm bảo các yêu cầu trong phòng, chống dịch COVID-19, chúng tôi phải tạm dừng các hoạt động, thành ra cũng không có nguồn thu nào khác. Cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn..."- chị Hằng kể lại.

Giờ thì gia đình chị Hằng đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất. Chị Hằng đã chuyển sang làm cho một xưởng may tại địa phương với mức thu nhập tuy chưa cao song cũng ổn định. Chị Hằng bảo rằng, để vượt qua được giai đoạn khó khăn đó, chị và rất nhiều lao động tự do khác đã nhận được sự hỗ trợ của tỉnh. Số tiền 1,5 triệu đồng tuy không phải là lớn, song đã thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và động viên của tỉnh đối với người dân gặp khó khăn vì dịch bệnh. Số tiền ấy cũng rất quý giá, giúp các lao động trang trải nhu cầu tối thiểu trong lúc tìm kiếm việc làm mới.

Ninh Bình tạo việc làm cho lao động nữ tại các công ty may ở địa phương

Ninh Bình tạo việc làm cho lao động nữ tại các công ty may ở địa phương

Chị Hằng là 1 trong hơn 6 nghìn lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã nhận được hỗ trợ từ nguồn ngân sách hỗ trợ của tỉnh. Ông Lâm Xuân Phương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình cho biết: “Nhằm hỗ trợ lao động tự do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, ngày 29/7/2021, HĐND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 46/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (gọi tắt là Nghị quyết số 46). Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng và các địa phương đã khẩn trương triển khai thực hiện rà soát, lập danh sách, thẩm định những người thuộc đối tượng nhận hỗ trợ. Với tinh thần quyết tâm cao, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương rà soát tỉ mỉ, cẩn trọng, chính xác nhưng cũng hết sức khẩn trương, phấn đấu đưa tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng”.

“Tính đến nay, tỉnh Ninh Bình đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị của 7.539 người, với kinh phí là 11,3 tỷ đồng; đã thẩm định và ra quyết định phê duyệt cho 6.302 người, với kinh phí tương ứng là 9,45 tỷ đồng; đã thực hiện chi trả cho 5.189 người, số tiền 7,783 tỷ đồng. Cùng với đó, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình, ngành đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khẩn trương thực hiện đúng các bước của quy trình, quy định để kịp thời thực hiện các chính sách mà Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đề ra, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không xảy ra tiêu cực” – ông Lâm Xuân Phương nhấn mạnh.

Đến nay, đã có 2.549 đơn vị, doanh nghiệp với 103.983 người lao động được giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, với tổng số tiền tạm tính giảm mức đóng là 11,831 tỷ đồng; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 1 đơn vị, với 67 người lao động; đã giải ngân cho 5 người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất, với tổng số tiền trên 1,7 tỷ đồng; thực hiện thẩm định hồ sơ ban hành quyết định phê duyệt hỗ trợ 13.232 đối tượng, với tổng kinh phí gần 21 tỷ đồng, đã thực hiện chi trả cho 10.225 đối tượng, với số tiền trên 17 tỷ đồng. 

Để thực hiện mục tiêu "kép" vừa phòng dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho nhân dân, UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tăng cường công tác phòng, chống dịch, duy trì và ổn định sản xuất. 

Trong thời gian qua, 100% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện các mô hình vừa sản xuất, vừa đảm bảo an toàn chống dịch. Nhờ đó, việc làm và thu nhập của người lao động vẫn được đảm bảo. Đồng thời, các ngành chức năng và các địa phương, đơn vị cũng đã tăng cường công tác tư vấn, kết nối, hỗ trợ việc làm, tư vấn học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp... cho người lao động, nhất là những lao động bị mất việc làm do dịch COVID-19; những lao động trở về từ ngoại tỉnh để họ sớm quay trở lại làm việc, ổn định cuộc sống. Do đó, mặc dù dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, song trong năm 2021 dự ước toàn tỉnh Ninh Bình giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động. 

Các ngành chức năng tỉnh Ninh Bình hỗ trợ người dân hồi hương

Các ngành chức năng tỉnh Ninh Bình hỗ trợ người dân hồi hương

Sau cuộc hồi hương ồ ạt rời TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để về quê tránh dịch Covid-19, tới nay, nhiều người muốn quay trở lại để làm việc nhưng cũng không ít người có nguyện vọng ở lại quê nhà. Các địa phương đang tích cực triển khai những giải pháp nhằm ổn định cuộc sống cho NLĐ trở về từ vùng dịch. Theo thống kê, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, số công dân Ninh Bình trở về từ vùng dịch khoảng gần 10.000 người.

Theo ông Lâm Xuân Phương: "Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác đón NLĐ từ vùng dịch trở về quê, Ninh Bình đã chủ động kế hoạch tìm kiếm, giải quyết việc làm cho người dân khi hồi hương. Theo đó, Ninh Bình đã tổ chức phát phiếu khảo sát tới từng NLĐ để nắm bắt nhu cầu việc làm, phân loại chuyên môn nghề nghiệp. Qua khảo sát, có hơn 70% người có nhu cầu ở lại quê nhà học nghề, tìm kiếm cơ hội việc làm mới, lợi thế của Ninh Bình có nhiều công ty, tập đoàn hoạt động và nhu cầu sử dụng lao động tại địa phương cũng rất cao. Ninh Bình xác định số NLĐ hồi hương lần này là nguồn nhân lực góp phần phát triển địa phương..."

"Giải quyết việc làm là một trong những vấn đề xã hội, dân sinh nổi cộm không dễ tìm phương án giải quyết. Nhằm hỗ trợ người lao động vươn lên, tiếp cận với cơ hội việc làm, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương của Ninh Bình đã triển khai linh hoạt, đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, việc tạo điều kiện cho người lao động, doanh nghiệp vay vốn đã khắc phục khó khăn, tạo đòn bẩy, từng bước ổn định nguồn lao động và duy trì hoạt động sản xuất. Thời gian tới, nhu cầu về vốn vay của người dân trên địa bàn tỉnh dự báo tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Vì thế, Sở cũng đã có đề xuất gửi các Bộ, ngành liên quan xem xét, phân bổ nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo từng năm nhiều hơn nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của hộ vay, người lao động, chủ cơ sở và doanh nghiệp. Có như vậy mới vực dậy thị trường lao động nhằm khôi phục nền kinh tế sụt giảm sau đại dịch” - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình nhấn mạnh.

THU HƯƠNG
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh