Chính quyền thông đồng hay bị tê liệt?
- Pháp luật
- 02:02 - 09/03/2016
Chủ đầu tư lập “vùng cấm” trong vườn Quốc gia
Những ngày này khi Đoàn thanh tra của Tổng Cục Lâm nghiệp đang tiến hành làm rõ những sai phạm tại dự án Le Mont Bavi Resort&Spa theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, phóng viên Báo Lao động và Xã hội đã có buổi quay lại dự án này để ghi nhận những động thái ban đầu khi dự án này bắt đầu bị thanh tra.
Trước khi vào Vườn Quốc gia Ba Vì, chúng tôi đã liên hệ với BQL Vườn Quốc gia để được tạo điều kiện tác nghiệp, và được BQL đồng ý nên không khó khăn để đi vào cổng soát vé. Tuy nhiên cũng ít ai ngờ rằng bên trong “vườn quốc gia” lại có một “vùng cấm riêng”, khi chúng tôi lên đến điểm cao 600 (cốt 600) thì ngay đầu khu Le Mont Bavi Resort&Spa xuất hiện tiếp một gác chắn khác.
Hàng loạt khu biệt thự, bể bơi được xây dựng trong Vườn Quốc gia Ba Vì.
Vừa đến cổng thì bị bảo vệ chặn lại hỏi giấy tờ. Quan sát, không chỉ riêng chúng tôi mà bất cứ xe nào ra vào, kể cả xe biển đỏ, biển xanh đi qua đều bị kiểm soát chặt chẽ. Trình bày với bảo vệ hồi lâu, chúng tôi mới được qua cổng.
Tận mắt chứng kiến trong khu Le Mont Bavi là những biệt thự vườn rất đẹp và sang trọng nằm rải rác trong khuôn viên... bể bơi và các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp. Các công trình này được dây dựng theo Hợp đồng liên kết kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái kết hợp bảo vệ và phát triển rừng số 112 ngày 22/8/2008 giữa Vườn Quốc gia Ba Vì (bên A), với bên B là Cty TNHH phát triển Công Nghệ (viết tắt CFTD). Cụ thể, Cty CFTD được giao diện tích rừng, đất lâm nghiệp và các công trình hạ tầng tại khu vực độ cao 600 đến 700 là 53ha, độ cao 800 là 3,05ha. Bên B được quyền tác động, đầu tư theo đúng quy hoạch chung đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt tại Quyết định số 1217 QĐ/UB ngày 28/8/2002. Thời hạn hợp đồng là 53 năm (trong đó thời hạn mở mang, xây dựng là 3 năm), thời hạn liên kết kinh doanh là 50 năm, với tổng giá trị hợp đồng là 8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tất cả các công trình trên đến thời điểm hiện nay đều không có giấy phép xây dựng.
Khu vui chơi được xây dựng trong khuôn viên Le Mont Bavi .
Theo ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm hiện nay dù dự án trên đã tạm ngừng khai thác, nhưng khi phóng viên tác nghiệp thì liên tục bị dự án này cản trở. Dù đã được giải thích là phóng viên vào tác nghiệp là theo Luật Báo chí và đã thông báo và được sự đồng ý của BQL Vườn Quốc gia Ba Vì.
Làm việc với bà Nguyễn Mai Hiên, Chánh văn phòng Cty CFTD, bà Hiên thừa nhận hiện tất cả các công trình trên đều chưa được cấp phép xây dựng. Giải thích cho việc tự lập gác chắn kiểm soát, bà Hiên cho rằng do người dân lâu nay chăn thả trâu bò nên Cty mới làm gác chắn để bảo vệ tài sản (?) và để kiểm soát người lạ vào.
Xem ra lời giải thích này thiếu thuyết phục, vì ngay cổng ra vào vườn đã có cửa soát vé. Chẳng lẽ người dân lại đi mua vé thăm quan cho trâu bò vào vườn (?), hơn nữa việc chăn thả trâu bò trong Vườn Quốc gia Ba Vì là không đơn giản.
Chủ đầu tư tự ý lập gác chắn trong vườn quốc gia Ba Vì.
Cũng theo bà Hiên việc cấm quay phim, chụp ảnh ở khu du lịch này là do lãnh đạo Công ty quy định. “Người muốn quay phim, chụp ảnh phải có thông tin rõ ràng và được lãnh đạo công ty đồng ý. Đối với một số trường hợp với mục đích thương mại phải trả phí mới được chụp. Việc bảo vệ ngăn không cho “người lạ chụp ảnh” là đúng bổn phận”.
Phải chăng Vườn Quốc gia Ba Vì đã trở thành nhà đất riêng của Công ty này?.
Gần 60 biệt thự trái phép: “Biết nhưng do thanh tra bị... ốm”
Khi những sai phạm tại Vườn Quốc gia Ba Vì chưa được làm rõ thì cách đó không xa, một khu resort khác với 57 căn biệt thự hoành tráng thuộc khu nghỉ dưỡng Điền Viên thôn (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) được phát lộ càng làm cho dư luận thêm bức xúc. Được biết chủ đầu tư của khu nghỉ dưỡng trên là Cty CP Đầu tư Thăng Long Xanh. Các công trình trên được xây dựng đều không có giấy phép và đã đón khách du lịch từ nhiều năm qua. Nhưng nó không hề bị một cơ quan có thẩm quyền nào của huyện Ba Vì đụng tới.
Bảo vệ Le Mont Bavi ngăn cản, lao xe vào phóng viên trong lúc tác nghiệp.
Theo tìm hiểu, hiện chỉ có hơn 1 ha đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 hộ dân vào năm 2010.
Điều đáng nói, dù UBND xã Yên Bài nhiều lần báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có động thái nào từ các cơ quan chức năng.
Theo một lãnh đạo xã Yên Bài, đất ở “Điền Viên thôn” khai hoang chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không được phép xây dựng nhà kiên cố.
Chính quyền xã đã nhiều lần phạt hành chính và yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công, đề nghị các đơn vị dừng ngay việc cấp điện, nước đối với công trình vi phạm, tuy nhiên, chủ đầu tư không chấp hành.
Trong khi đó, cũng liên quan đến vấn đề kiểm tra, xử lý sai phạm này, ông Bạch Công Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì thừa nhận, việc thanh kiểm tra gần 60 nhà “Điền Viên thôn” trái phép tại xã Yên Bài đã triển khai từ cuối 2014, nhưng quá trình thanh kiểm tra bị gián đoạn vì nhiều lý do, trong đó có cả lý do một số thành viên trong đoàn thanh tra bị ốm, và có một số người chuyển công tác.Trong khi đó thì khu biệt thự “Điền Viên thôn” được chủ đầu tư rao bán với giá trên 1 tỉ đồng/căn từ nhiều năm nay.
Với hai dự án xây dựng không phép “siêu khủng” trên, người dân không thể không đặt nghi vấn liệu có sự “thông đồng” của chính quyền huyện Ba Vì hay chính quyền ở đây đã bị tê liệt vì thế lực nào?