THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:45

'Chính quyền hãy là 'ngọn gió' để thổi bùng lên 'ngọn lửa' tinh thần kinh doanh Việt'

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức về sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và những nỗ lực của Chính phủ để cải cách môi trường kinh doanh nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Thời gian qua, Chính phủ đã quyết tâm cải cách môi trường kinh doanh để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Theo ông, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã cảm nhận được tinh thần cải cách này chưa thưa ông?

Trong những năm qua, sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của đội ngũ doanh nhân Việt Nam là một trong những thành quả quan trọng nhất của công cuộc đổi mới đo Đảng, Nhà nước phát động.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Tính đến tháng 9/2018, Việt Nam đã có trên 680.000 DN đang hoạt động, tăng gần 50.000 DN so với cuối năm 2017. Nếu tính mỗi DN có hai doanh nhân thì Việt Nam đã có gần 1,5 triệu doanh nhân. Ngoài ra, nếu tính DN bao gồm cả các hộ kinh doanh cá thể thì cả nước có trên 5,1 triệu hộ kinh doanh nữa.

Khu vực DN đã đóng góp trên 60% tổng GDP cả nước, đây cũng là khu vực tạo ra công ăn việc làm chủ yếu cho người dân với hơn 15 triệu việc làm, mỗi năm khu vực này có khả năng thu hút hơn 1,1 triệu việc làm mới, đời sống của người lao động được đảm bảo, đóng góp cho ngân sách, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Mặc dù, trong năm 2018 môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã có nhiều cải thiện nhưng tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn. Vẫn có trên 50% DN kinh doanh phát sinh không có lãi, nhưng phần lớn DN vẫn trụ vững. Họ trụ lại không phải vì lợi nhuận mà còn là khát vọng đóng góp vào sự tăng trưởng, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Chúng ta không chỉ cảm ơn các DN làm ăn có lãi mà còn cảm ơn cả những DN chưa có lãi nhưng họ vẫn trụ vững để đảm bảo việc làm cho người lao động, giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

Như vậy, chúng ta đang có những “chiến sỹ” thời bình trong mặt trận xây dựng kinh tế của đất nước, họ cần phải được tôn vinh và tạo điều kiện phát triển.

Qua tiếp xúc với đội ngũ doanh nhân hiện nay, ông đánh giá như thế nào về đội ngũ doanh nhân Việt Nam, đặc biệt là những doanh nhân khởi nghiệp trẻ trong thời đại công nghệ hiện nay?

Các doanh nhân trẻ hiện nay có sực bật lớn, có khả năng sáng tạo và tạo ra sự khác biệt. Chúng ta cũng trông cậy vào đội ngũ doanh nhân trẻ sẽ tạo ra được những tên tuổi lớn cho nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nhân trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trên thương trường, nên có thể vấp ngã khi khởi nghiệp.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao bằng khen cho doanh nghiệp ở Cần Thơ. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt khi khởi nghiệp sáng tạo, khả năng thành công thấp và khả năng thất bại cao. Do vậy, cần trang bị cho những doanh nhân trẻ tinh thần chịu đựng, dấn thân và khả năng trụ vững trong bối cảnh khó khăn.

Trong thời đại công nghệ siêu kết nối, cần phải có sự kết nối giữa các thế hệ doanh nhân, để truyền đạt kinh nghiệm của những doanh nhân đi trước cho thế hệ doanh nhân mới. Việc chuyển giao kinh nghiệm kinh doanh là một công việc quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như từng gia đình doanh nhân việt.

Trong thời đại công nghệ thì không thể thiếu vai trò kiến tạo của Chính phủ, đội ngũ doanh nhân mong muốn Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN như thế nào thưa ông?

Trong thời đại công nghệ như hiện nay, tốc độ sẽ quyết định năng lực cạnh tranh của DN. Vì vậy, muốn có một cộng đồng doanh nhân mạnh thì phải có sự hậu thuẫn của cả hệ thống chính trị. Để có đội ngũ doanh nhân nhanh nhậy theo được thời cuộc công nghệ 4.0 thì phải có Chính phủ 4.0.

Chính quyền phải là “ngọn gió” để thổi bùng “ngọn lửa” văn hóa kinh doanh của DN. Ngọn gió mát lành này là môi trường kinh doanh thân thiện, minh bạch và thúc đẩy sự sáng tạo trong kinh doanh.

Việc cải cách thể chế, cải cách hành chính đang được Đảng và Nhà nước thực hiện mạnh mẽ trong thời gian qua. Đội ngũ doanh nhân mong muốn công cuộc này sẽ được thúc đẩy quyết liệt hơn, để thực sự thúc đẩy ngọn lửa kinh doanh trong cả dân tộc. Trong đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế số và đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số là một việc vô cùng quan trọng mà Chính phủ phải thực hiện.

Vừa qua, Chính phủ đã bắt đầu xây dựng Chính phủ điện tử. Thủ tướng Chính phủ trực tiếp là trưởng ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử. Đôi ngũ doanh nhân hy vọng Chính phủ điện tử sẽ thúc đẩy xã hội điện tử ở Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo TTXVN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh