CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:29

Giải pháp nào cho tình trạng “thất thoát nhân tài” trong các doanh nghiệp?

“Thất thoát nhân tài” – vấn đề “nóng” mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt

Đây là sân chơi thường niên để các nhà lãnh đạo thảo luận và chia sẻ những xu hướng quản trị con người mới nhất, xu hướng được cập nhật năm nay là: Bài toán “thất thoát nhân tài” trước và cả sau khi gia nhập tổ chức.

“Đừng nghĩ nhân tài vào công ty mà nghỉ việc mới là thất thoát, thật ra có rất nhiều thất thoát diễn ra từ trước khi nhân tài vào công ty. Theo số liệu thống kê, trung bình một công ty sẽ bị thất thoát đến 95% nhân tài mục tiêu trước khi họ gia nhập tổ chức. Đây là dữ liệu trung bình của 674 công ty hàng đầu mà Anphabe đo lường trong Khảo sát Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2017, trong đó, 25% nhân tài mục tiêu không biết đến sự tồn tại của công ty (thất thoát nhận biết). Trong 75% nhân tài còn lại, dù đã nhận biết đến công ty bạn nhưng chỉ có 11 người thực sự quan tâm đến cơ hội việc làm từ bạn (thất thoát quan tâm). Trong 11 người quan tâm đó, chỉ có 6 người quyết định ứng tuyển, 5 người còn lại thì không (thất thoát ứng tuyển). Trong số 6 người tứng tuyển chỉ có 5 người nghiêm túc và thực sự khát khao được làm việc tại công ty bạn, người còn lại thì không (thất thoát khát khao) – bà Thanh Nguyễn, CEO Anphabe chia sẻ.

Hội nghị "Nguồn nhân lực hạnh phúc 2018" đề cập nhiều vấn đề nóng của thị trường nhân sự Việt Nam hiện nay

Cũng theo bà Thanh Nguyễn, sau khi nhân tài gia nhập công ty những thất thoát mới lại bắt đầu. Trung bình 1 công ty sẽ thất thoát 51% nhân tài sau khi họ gia nhập tổ chức. Dự đoán tỷ lệ nghỉ việc năm 2018 là 20%, trong đó 19% nhân viên cảm thấy thiếu gắn kết và quyết định ra đi, 1% nhân viên dù gắn kết nhưng vẫn ra đi vì có cơ hội tốt hơn. Tỷ lệ này được cho là cao nhất trong vòng 3 năm qua.

Nguy hiểm hơn, có đến 31% nguồn nhân lực dù không gắn kết nhưng cũng không có ý định ra đi. Đây là nhóm nhân lực đi làm nhưng mất động lực, thiếu nỗ lực tạo ra nhiều thách thức nội bộ cho cả văn hóa và hiệu suất của doanh nghiệp mà Anphabe ví von là những “Zombie công sở” (xác sống công sở).

“Như vậy, đội ngũ nòng cốt (bao gồm những người vừa gắn kết vừa trung thành) trung bình tại một công ty chỉ còn 49% nguồn nhân lực, so với con số 51% của những thất thoát sau khi gia nhập tổ chức quả là một bài toán đáng lo ngại”, bà Thanh Nguyễn nhận định.

Đáp án từ “Thương hiệu Nhà tuyển dụng” và “Nguồn nhân lực hạnh phúc”

Trước thực trạng đó, Hội nghị đã thảo luận để đưa ra nhiều giải pháp hạn chế những thất thoát. Không phải ngẫu nhiên mà tỷ lệ nghỉ việc, tỷ lệ zombie công sở lại cao nhất trong 3 năm qua. Thực tế cho thấy cách các công ty tạo động lực cho nhân viên đang mắc phải nhiều sai lầm.

Vậy, phải làm sao giữ chân nhân tài để họ gắn kết với công ty chứ không phải là những “xác sống công sở”?

Văn hóa doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng để giữ chân nhân tài

Các nhà quản lý doanh nghiệp đã chứng minh có một khoảng cách lớn giữa cách tạo động lực cho người lao động và những gì khoa học đã chứng minh. Ví dụ, các công ty thường tác động bằng tiền bạc hoặc những lời đề nghị hấp dẫn để khuyến khích nhân tài, tuy nhiên khoa học động lực đã chứng minh tiền không phải là tất cả, mà chúng chỉ đúng trong một số trường hợp.

Với những hoạt động đơn giản, mục tiêu và cách thức thực hiện rõ ràng, tưởng thưởng có tác dụng gia tăng hiệu suất đáng kể. Tuy nhiên, với những nhiệm vụ đòi hỏi sự sáng tạo, tư duy giải quyết vấn đề, tiền bạc sẽ dẫn tới giảm cả hiệu suất lẫn chất lượng công việc.

Trong thực tế chiêu mộ nhân tài, nhiều doanh nghiệp thường chú ý nhiều vào động lực ngoại hiện mà chưa tập trung kích thích những yếu tố tự thân. Trong khi đó, khoa học đã chỉ ra rằng, chính những cách làm này đã làm “hư nhân tài”, khiến họ chỉ tập trung vào các “yếu tố bên ngoài” mà dần mất đi động lực tự thân, mất tính sáng tạo cũng như khả năng tư duy. Do vậy, các doanh nghiệp sẽ ngày càng thêm nhiều “Zombie công sở”, và áp lực liên tục dồn về việc tạo động lực và giữ chân nhân tài.

Chính vì vậy, dù muốn hay không, tất cả các doanh nghiệp đều cần bắt tay xây dựng chiến lược truyền thông thương hiệu Nhà tuyển dụng một cách bài bản để từng bước khắc họa hình ảnh thương hiệu Nhà tuyển dụng mong muốn trong tâm trí ứng viên và giảm thiểu sự thất thoát qua từng giai đoạn tuyển dụng nhân tài.

Để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, cùng với xu hướng thất thoát nhận tài, năm 2018 Anphabe cũng chọn “Động lực đi làm” là nội dung chính cho cuộc khảo sát nhằm tìm hiểu sâu hơn về động lực của người đi làm Việt Nam và khám phá các cách thức tạo động lực bền vững để giữ nhân viên gắn kết cao với công việc.

Như thường lệ, Anphabe sẽ đo lường 600-700 Thương hiệu Nhà tuyển dụng hàng đầu của 25 ngành nghề, khảo sát dự kiến thu hút 70.000 người tham gia.

Khảo sát năm nay Anphabe đồng hành với Đối tác tri thức chiến lược Unilever, Đối tác nghiên cứu thị trường Intage, Đối tác truyền thông Đất Việt VAC. Kết quả Khảo sát sẽ được công bố vào tháng 3/2019.

Khi ấy, rất có thể những giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng thất thoát nhân tài bằng cách xây dựng một “Nguồn nhân lực Việt Nam hạnh phúc” sẽ được chỉ ra một cách cụ thể hơn.

 

Nguồn nhân lực hạnh phúc là yếu tố mang tính quyềt định để tạo sự gắn kết giữa công ty với nhân sự chất lượng cao

Hội nghị Nguồn Nhân lực hạnh phúc 2018 bao gồm 7 nội dung hấp dẫn được chia sẻ bởi các diễn giả danh tiếng trong nước và quốc tế: Bài trình bày “Cảm hứng lãnh đạo: “9 bước xây dựng và 5 cách giết chết thương hiệu nhà tuyển dụng của bạn” của bà Rachelle Focardi, Chief Strategy Officer Universum; “Soi sáng tâm trí: Tìm kiếm bên trong bạn” của Bà Jessica Lu - Chuyên gia Huấn luyện lãnh đạo được chứng nhận bởi Đại học Cambridge; Diễn đàn Văn hóa với bà Alexis Phạm - Giám đốc Khối Quản trị nguồn nhân lực Techcombank, Ông Lê Trí Thông - Tổng Giám đốc PNJ, Bà Huỳnh Thị Ngọc Trúc - Giám Đốc Nhân sự Coca-Cola Việt Nam, Ông Trần Đình Cường - Giám đốc Điều hành E&Y Việt Nam.

Diễn đàn Phát triển Nhân tài với phần trình bày của các chuyên gia nhân sự nổi tiếng: Bà Đỗ Thùy Dương - Nhà sáng lập và giám đốc điều hành Talentpool, Bà Trịnh Mai Phương - Phó Chủ tịch Nhân sự Unilever Việt Nam, Bà Lê Ngọc Thiên Phương - Giám đốc Nhân sự Sanofi Đông Dương, Bà Scoble-William Nicole, Director of Deloitte’s Global Centre of Excellence for Future of Work.

Diễn đàn Tăng trưởng với tham luận của bà Trương Lý Hoàng Phi - Nhà sáng lập và giám đốc điều hành tại BSSC, Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam, Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Nhà sáng lập và giám đốc điều hành Yeah1 Network.

Phần phản biện nhân sự 101 với sự tham gia của 15 Giám đốc Nhân sự đến từ các công ty hàng đầu trong và ngoài nước xoay quanh nhiều quan điểm trái chiều trong quá trình xây dựng tổ chức hướng về nhân viên.

Anphabe được hỗ trợ về tài chính và chiến lược từ Tập đoàn giải pháp nhân sự hàng đầu thế giới Recruit Holdings với 109 công ty thành viên, 484 văn phòng và 25/518 nhân viên trên toàn cầu. Công ty sở hữu Mạng cộng đồng nghề nghiệp cấp quản lý lớn nhất Việt Nam Anphabe.com kết nối hơn 600/000+ thành viên đến những thành công mới thông qua những mối quan hệ giá trị, kiến thức quản lý hữu ích và cơ hội nghề nghiệp xứng tầm.

Anphabe hiện là đối tác Tuyển dụng và Thương hiệu Nhà tuyển dụng cho nhiều doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam và khu vực.

VIỆT HÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh