Chính phủ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số
- Dược liệu
- 21:21 - 13/08/2018
Khắc phục tình trạng chồng chéo trong đầu tư các dự án cho vùng dân tộc thiểu số
Trả lời đại biểu về giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong đầu tư các dự án cho vùng dân tộc miền núi, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết, chúng ta có 13 nhóm chính sách phân công cho 14 bộ chủ trì. Các bộ có trách nhiệm đôn đốc còn địa phương tập trung triển khai thực hiện. Do đó, việc thực hiện tốt hay chưa tốt có trách nhiệm của bộ nhưng vai trò chính là ở địa phương…
Tuy nhiên để nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư cho vùng đồng bào thiểu số, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến đề nghị có nghiên cứu tầm quốc gia để xây dựng một chính sách tổng thể nhằm giải quyết 14 triệu đồng bào có đời sống tốt hơn.
Theo Bộ trưởng, nếu tích hợp được các chương trình đầu tư cho dân tộc miền núi, có ban điều hành, theo dõi, đôn đốc thực hiện tổng thể thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện về tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về dân tộc để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại phiên chất vấn
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Phùng Văn Hùng (Uỷ viên Thường trực Ủy ban Kinh tế) về nguồn lực dành cho việc thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số, tình trạng cấp thấp, cấp chậm, có chính sách sau 2 năm chưa được bố trí kinh phí, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, về công tác dân tộc Đảng, Nhà nước có nhiều quan tâm và có nhiều chính sách, thể hiện các chính sách ban hành rất nhiều. Giai đoạn 2011-2015 có 181 chính sách, ở 264 văn bản. Giai đoạn 2016-2020 hiện nay trừ đi số chương trình đã kết thúc và cộng với chương trình ban hành mới thì còn 116 chính sách.
Nguồn lực ngân sách có sự ưu tiên bố trí. Với Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, giai đoạn 2016-2020 bố trí 200.000 tỷ, tăng 2,28 lần giai đoạn trước. ODA tăng nhanh, hơn 38.000 tỷ, tăng 2,47 lần so với giai đoạn trước. Từ đó đạt kết quả rất tích cực. Tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thiếu bền vững... là vấn đề thách thức.
“Tại sao đầu tư nhiều như thế nhưng vẫn còn tồn tại, hạn chế như vậy? Quan điểm chúng tôi đó chính là điều kiện kinh tế xã hội, tự nhiên, dân trí ở vùng này, dẫn đến sinh kế rất khó, từ đó khó thể nào xoá đói giảm nghèo mà chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống và các thiết chế văn hoá. Chỉ cần một trận lũ thì quay về nghèo ngay, đó là chưa nói một bộ phận không nỗ lực, ỷ lại” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Vấn đề ở đây là phải tập trung giải quyết an sinh xã hội cho người dân, tức là y tế, giáo dục, tuyên truyền, thiết chế văn hoá, không để cho người dân đói, rét. Còn tạo điều kiện phát triển sản xuất là phương thức phải cố gắng. Về nguồn lực, chúng ta bố trí có cố gắng nhưng hiện nay phải chọn lọc một số công trình mang tính cấp bách để đề nghị xử lý ngay, còn có xây dựng chương trình riêng hay không thì trước đây có nhưng giai đoạn này tinh thần chung là giảm đầu mối các chương trình. Tinh thần nhiệm vụ được thực hiện nhưng lồng ghép. Hiện nay công việc cụ thể phân tán ở các bộ ngành khác nhau và của địa phương. Do đó, nếu xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia riêng, giao cho một đơn vị làm đầu mối cũng cần nghiên cứu. Trước hết cần tổng kết đánh giá để nghiên cứu bài bản.
Chia sẻ quan điểm với Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng nên dồn thành một chương trình. Hiện quá nhiều chính sách, Trung ương nói lồng ghép nhưng địa phương cũng khó thực hiện, gây lãng phí nguồn lực. Sự phối hợp bộ ngành có khá hơn nhưng nhiều nội dung còn lúng túng, nhất là tổ chức thực hiện ở địa phương. Cùng với đó công tác tuyên truyền làm được một bước, ngay một bộ phận trong hệ thống chính quyền còn chưa thông hiểu thì làm sao người dân hiểu. Kinh phí thường xuyên cho vùng đồng bào đã được ưu tiên, đến nay cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, cần tiếp tục ưu tiên trong thời gian tới để thực hiện tốt hơn.
Ưu tiên bố trí ngân sách cho các thôn bản khó khăn
Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho rằng, dân tộc thiểu số và miền núi có vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Phát triển miền núi, vừa mục tiêu, vừa phát triển bền vững, xây dựng khối đại đoàn kết, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong chỉ đạo điều hành Chính phủ xây dựng và ban hành nhiều cơ chế chính sách, nỗ lực thực hiện. Hiện nay đã ban hành 116 chính sách với dân tộc thiểu số và miền núi, bao phủ hết mọi lĩnh vực; cải thiện đáng kể về hạ tầng, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân; bộ mặt miền núi có nhiều đổi mới.
Tuy nhiên, trong việc thực hiện chính sách dân tộc còn một số tồn tại hạn chế. Tuy nhiên chính sách còn có tính nhiệm kỳ nên có mặt chưa cao, một số chính sách còn nặng hỗ trợ trực tiếp, chưa tạo động lực người dân vươn lên tự thoát nghèo; lồng ghép phân bổ vốn còn nhiều bất cập; thu hút nguồn lực xã hội còn hạn chế. Sự phối hợp trong thực hiện ban hành chính sách chưa thật chặt chẽ, hiệu quả, chưa thống nhất tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số miền núi; chưa sáng tạo phát huy tiềm năng để phát triển kinh tế cho vùng dân tộc miền núi...
Đai biểu Phùng Văn Hùng chất vấn về tình trạng cấp thấp, cấp chậm vốn thực hiện chính sách DTTS
Để phát triển toàn diện vùng này, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó:
Chỉ đạo quyết liệt thực hiện mục tiêu đề ra: Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững và các chương trình dự án khác.
Ưu tiên bố trí ngân sách, xây dựng và triển khai đề án tập trung cho thôn bản khó khăn cho 35 tỉnh.
Chỉ đạo bộ ngành, trình cấp có thẩm quyền bố trí ngân sách ở mức cao nhất; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Riêng vốn thực hiện chính sách, Nghị quyết của Chính phủ năm 2018 đã xác định sử dụng nguồn vốn kinh phí còn lại, phần tiết kiệm chi thường xuyên và dự phòng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn để cân đối bổ sung một phần nguồn lực để địa phương thực hiện. Cùng với đó là thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này, khai thác lợi thế để phát triển kinh tế lâm nghiệp, cây đặc sản, chăn nuôi, du lịch...
Tiếp tục đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo; đề án phát triển đội ngũ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số; thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ gạo, tiền.
Đầu tư phát triển hệ thống y tế; đào tạo nhân lực y tế để chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao chất lượng dân số, gắn mục tiêu phát triển bền vững...
“Đối với kiến nghị của Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến về việc tích hợp chính sách các chương trình mục tiêu, Phó Thủ tướng cho rằng, việc này đòi hỏi cần sơ kết, tổng kết đánh giá kỹ. Chính phủ giao các bộ ngành có trách nhiệm đề ra đề cương và đề xuất đảm bảo tính khoa học và thực tiễn để thực thi. Cũng như ý kiến đề nghị về chức năng nhiệm vụ của Ủy ban đang có bất cập, tổ chức thành bộ hay đúng tính chất Uỷ ban có sự tham gia của các Bộ trưởng, trưởng ngành tham gia để thực hiện. Việc này cần nghiên cứu khoa học, giao các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất cụ thể" - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.