THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 04:18

Xóa đói cho đồng bào dân tộc: Tăng vay ưu đãi, giảm cho không

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến trả lời chất vấn 


Giảm nghèo bền vững là vấn đề day dứt, trăn trở của nhiều cấp, ngành

Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng, giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu để đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn cao; thu nhập bình quân thấp so với bình quân của cả nước. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm của Uỷ ban Dân tộc miền núi? Giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết, đây là vấn đề day dứt, trăn trở của nhiều cấp, ngành và chính bản thân ông. Hiện nay, số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 52,66%, thu nhập bình quân chỉ được 7-8 triệu đồng/người/năm với nhiều nhóm dân tộc ở nhiều vùng, bằng 1/5 cả nước…
Trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc là cơ quan tham mưu chính, phối hợp với các bộ ngành liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ vấn đề này. Ủy ban đã tham mưu Chính phủ ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (đất, vay vốn, đào tạo nghề...). Tuy nhiên việc thực thi chính sách còn gặp những khó khăn, vướng mắc. 

Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết, trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp chủ yếu về: Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông; phát triển giáo dục đào tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc miền núi; tạo sinh kế cho đồng bào; giải quyết ổn định vấn đề đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, kết nối thị trường; tăng cường tuyên truyền vận động để bà con tự hào về nguồn cội, tự tin vào bản thân, tự lực vươn lên không trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước; nghiên cứu tích hợp các chính sách để tập trung chỉ đạo, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đồng bào dân tộc thiểu số... 

 

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi chất vấn về vấn đề giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS


Đại biểu Y Nhàn – Kon Tum đặc câu hỏi: Thời gian qua nhờ chính sách đầu tư của Nhà nước mà cơ sở hạ tầng ở vùng miền núi được cải thiện một bước, nhưng nhiều nơi chưa đồng bộ, gây nhiều khó khăn. Bộ trưởng sẽ làm gì để khắc phục tình trạng trên?

Trả lời đại biểu Y Nhàn, Bộ trưởng cho biết khi nhận nhiệm vụ ông đã tới tất cả những vùng khó khăn nhất của cả nước, nên nắm rất rõ và thấu hiểu những khó khăn của đồng bào. Tuy nhiên, vừa qua do sự chuyển giao giữa 2 khóa nên việc đầu tư ngân sách cho đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn, vướng mắc... Ủy ban Dân tộc cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ xây dựng nghị quyết, trình Quốc hội xem xét để bố trí vốn cho đồng bào.

Trả lời đại biểu Ma Thị Thúy về chính sách với những dân tộc thiểu số ít người, Bộ trưởng cho biết có 16 dân tộc thiểu số dưới 10.000 người. Ủy ban đã tham mưu ban hành được 1 chính sách đặc thù để hỗ trợ cho từng dân tộc rất ít người. Trong đó, đã đầu tư trực tiếp cho 4 dân tộc thiểu số dưới 1000 người, xác định nhiệm vụ đầu tư cụ thể cho từng thôn bản, từng dân tộc...

Chính sách đã bao phủ nhưng chưa đạt hiệu quả mong muốn

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi: Thời gian qua có nhiều văn bản pháp luật liên quan chính sách dân tộc thiểu số, song như Bộ trưởng cho biết là chưa hoàn thiện. Vậy Bộ trưởng cho biết sẽ tổ chức thế nào, giải pháp gì để thực hiện chính sách dân tộc thời gian tới?

Về hiệu quả đầu tư cho các xã khu vực 3, xã đặc biệt khó khăn, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết, chúng ta có một số thay đổi về chính sách, trong đó có chính sách tiếp cận nghèo đa chiều, nên tỷ lệ nghèo tăng lên. Bên cạnh đó, giai đoạn vừa rồi, chúng ta đưa thêm 2 xã vào diện đầu tư 135. Tuy nhiên, khó nhất là suất đầu tư cho xã, thôn 135 quá thấp (chỉ khoảng 200 triệu 1/năm/thôn; 1 tỷ/xã) nên hiệu quả đầu tư chưa được như mong đợi.

 

Đại biểu Y Nhàn đặt câu hỏi về giải pháp cải thiện cơ sở hạ tầng khu vực miền núi

 
Bộ trưởng cho rằng, về tổng thể chính sách bao phủ hầu hết các mặt từ y tế, văn hoá giáo dục, hạ tầng, sinh kế... tuy nhiên vẫn chưa đạt hiệu quả bởi có chính sách chỉ khung, chưa xác định rõ nguồn lực; có những chính sách ban hành chưa cân đối được nguồn lực đầu tư, hoặc cân đối thấp; một số chính sách thiết kế chưa phù hợp, chính sách hỗ trợ trực tiếp cũng dẫn tới tình trạng 1 bộ phận đồng bào "không muốn ra khỏi diện hộ nghèo"... 

Do vậy cần xây dựng một chương trình tổng thể, chỉ đạo quyết liệt, đầu tư thỏa đáng, có tiêu chí rõ ràng để phát triển đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt cần chú trọng giải pháp "tăng vay ưu đãi, giảm cho không". Triển khai hỗ trợ có điều kiện. Bộ trưởng lấy ví dụ, “tôi hỗ trợ anh thì anh phải cam kết phấn đấu 3 năm thoát khỏi hộ nghèo, xã nghèo và cho biết tỉnh Quảng Ngãi thực hiện rất tốt giải pháp này”.

“Hướng tới chúng tôi mạnh dạn đề ra 4 giải pháp: Thiết tha đề nghị Quốc hội, Chính phủ, địa phương ủng hộ nghiên cứu tích hợp chính sách thành Chương trình mục tiêu Quốc gia 10 năm. Hướng tới cơ chế tăng vay ưu đãi, giảm cho không” - Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh