THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:36

Chính phủ nói không với tăng trần nợ công

Sáng 16/11, bên cạnh phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đã báo cáo thêm một số nội dung thuộc về trách nhiệm của Chính phủ trong quản lý thu chi ngân sách, cơ cấu lại thu chi ngân sách và đảm bảo bền vững an toàn nợ công.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, đến năm 2015, nợ công đã đến sát trần là 65%, dư nợ Chính phủ là trên 53%, vượt trần cho phép. Tỷ lệ chi trả nợ vay là 27,3%, cao hơn mức tiêu chuẩn cho phép của quốc tế là 25%. Trước bối cảnh đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã có đánh giá nợ công đang tăng cao, áp lực trả nợ lớn và xác định nhiệm vụ giải quyết vấn đề này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả giai đoạn 2016-2020.

Phó Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh đó, nhiều thành viên Chính phủ, một số đại biểu Quốc hội và các chuyên gia khuyến cáo Chính phủ trình Quốc hội xin nới trần nợ công, đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển và đảm bảo vấn đề quốc phòng an ninh, an sinh xã hội...

“Chính phủ đã tính toán kỹ và thấy rằng, trần nợ công chỉ là một yếu tố, khả năng trả nợ mới là quan trọng. Tổng trả nợ đã quá 25% so với tổng thu ngân sách hàng năm. Quan điểm chung của Chính phủ là nói không với xin tăng trần nợ công. Thay vào đó Chính phủ chỉ đạo xây dựng đề án cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước, đảm bảo bền vững an toàn nợ công. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 07 về chủ trương, giải pháp quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn và bền vững. Chúng tôi cho rằng đây là văn kiện Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết chuyên đề về vấn đề này"- Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: trần nợ công chỉ là một yếu tố, khả năng trả nợ  mới là quan trọng

 

Với mục tiêu đảm bảo cân đối ngân sách một cách tích cực nhất giữ vững an ninh tài chính quốc gia, Phó Thủ tướng cho biết các mục tiêu cụ thể là: tỷ lệ huy động vào ngân sách phấn đấu đạt 20% - 21% GDP, cơ cấu lại các khoản thu ngân sách trong đó giảm các thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu và tăng thu nội địa, chi ngân sách giữ trong khoản 24-25% GDP, chi thường xuyên giảm dưới 64%. Giảm dần bội chi đến 2020 xuống còn 3,5%. Quy mô nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54%GDP và nợ nước ngoài, quốc gia không quá 50% GDP.

Phó Thủ tướng cũng nêu ra một số giải pháp cho vấn đề này như: cần phải đặt trong tổng thể cơ cấu nền kinh tế gắn với đẩy mạnh tăng trưởng, đảm bảo toàn diện và cân bằng, bền vững. Thứ hai là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thứ ba là kết hợp hài hòa các vấn đề quan trọng cấp bách trước mắt với các vấn đề căn cơ và lâu dài, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, tăng cường công khai minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình, nhất là đối với người đứng đầu. Trong vấn đề thu chi ngân sách, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công, cần hạn chế và tiến tới xóa bỏ tình trạng xin cho...

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh