CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:00

Cần phân cấp rõ trách nhiệm trong quản lý nợ công

 

Chính phủ không “gánh nợ”  thay cho doanh nghiệp nhà nước 

Theo báo cáo của Chính phủ, cuối năm 2015, tỷ lệ nợ công so với GDP tương đương 62,2%, nợ của Chính phủ ở mức 50,3%, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1%GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm 14,9% tổng thu ngân sách Nhà nước.Riêng quy mô dư nợ nước ngoài của Chính phủ đến cuối năm 2015 đã tăng 6,5 lần so với 14 năm trước, trong đó tỷ lệ nợ từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tăng 20,3 lần, Ngân hàng Thế giới (WB) tăng 11,5 lần…"Việc quản lý vốn vay còn bất cập làm phát sinh rủi ro từ các dự án sử dụng vốn vay Chính phủ hay bảo lãnh, dẫn tới Chính phủ phải trả nợ thay", Bộ trưởng Bộ Tài Chính  Đinh Tiến Dũng cho biết .

Trước chất vấn của Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga vì sao nợ công thực tế tăng khi Luật quản lý nợ công có hiệu lực từ năm 2009, nợ công tăng nhanh là do luật sơ hở hay thực thi luật chưa nghiêm? Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận “nợ công tăng nhanh trước hết do công tác điều hành”. "Chi tiêu thì quyết theo nhu cầu, nhưng tăng trưởng kinh tế không năm nào đạt như dự báo. Năm 2016, kế hoạch tăng trưởng kinh tế là 6,7%, thực tế chỉ đạt 6,21%. Giá trị GDP làm mẫu số để tính các chỉ số nợ công, bội chi được cơ quan dự báo đưa ra 5,1 triệu tỷ đồng, song con số thực đạt chỉ 4,5 triệu tỷ...   Nhu cầu chi lớn nên vay lớn, vì thế nợ công tăng nhanh", Bộ trưởng Đinh  Tiến Dũng cho biết thêm.

Cũng theo quy định của Dự thảo Luật,  nợ công sẽ bao gồm nợ Chính phủ, nợ do Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Thảo luận tại phiên họp, một số đại biểu cho rằng nên đưa các khoản nợ của doanh nghiệp Nhà nước, nợ vay của Ngân hàng Nhà nước... vào nợ công. Vì trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Nhà nước như Vinalines, Vinashin trước đây vay nợ rồi khi tái cơ cấu không ai khác Chính phủ vẫn là người đi trả nợ thay cho số này.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, nếu mở rộng phạm vi nợ công thì tính nguy hiểm rất cao: “Mở ra thì tạo suy nghĩ có Chính phủ lo cho rồi thì làm bừa làm ẩu, không khéo làm loạn nền kinh tế. Cái gì cũng có hai mặt, xét trên khía cạnh yêu cầu tính ổn định kinh tế, tính khả thi trong quy định thì khoanh rõ phạm vi với 3 đối tượng như dự thảo là phù hợp”. Vấn đề quan trọng lúc này, theo ông Võ Trọng Việt là tập trung vào khâu điều hành thực tế, căn nguyên làm cho nợ công tăng nhanh, khó kiểm soát, trong đó có vấn đề chi tiêu lớn vượt mức kế hoạch, vượt khả năng trả nợ như Bộ trưởng Bộ Tài chính đề cập.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi)


Giải trình với UB Thường vụ Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, quy định như phạm vi nợ công như hiện nay là hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.Ông cũng cho biết kinh nghiệm quốc tế, hầu hết các nước đều không tính nợ doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công. “DNNN về bản chất là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chịu trách nhiệm hữu hạn trên tổng số vốn điều lệ được cấp, trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ có thể thực hiện phá sản theo quy định của pháp luật. Nếu đưa nợ tự vay tự trả của DNNN vào nợ công có nghĩa là chuyển nợ từ doanh nghiệp sang nợ của Chính phủ. Điều này không phù hợp. Vì vậy, Bộ Tài chính không đưa nợ doanh nghiệp nhà nước vào nợ công” – Bộ trưởng Bộ Tài chính phân tích.

Luật cần quy định cụ thể, phân cấp rõ trách nhiệm trong quản lý nợ công

Tại phiên thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng,  với tính chất là đạo luật điều chỉnh nội dung phức tạp, liên quan trực tiếp đến việc huy động, quản lý sử dụng các nguồn lực, đến an ninh tài chính quốc gia,  do vậy dự án Luật cần được tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh về phạm vi sửa đổi, bảo đảm việc nâng cao hiệu quả quản lý nợ công, an toàn nợ công, kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép...

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị dự án Luật cần được xây dựng cụ thể hơn, bảo đảm khi luật được xây dựng và ban hành phải có một khuôn khổ pháp lý đầy đủ trong quản lý nợ công, hạn chế tối đa việc phải ban hành các văn bản dưới luật. Trong quá trình xây dựng dự án Luật cần chú ý tới việc xin ý kiến, tạo sự thống của các bộ, ngành hữu quan để khi dự án Luật được ban hành tạo được sự thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ ngành trong tổ chức thực hiện.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu và  Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đều cho rằng, trong dự án Luật, vấn đề huy động, quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ đã được quy định khá đầy đủ, song để sử dụng thực sự hiệu quả nguồn vốn vay như thế nào thì dự án Luật cần đề ra các quy định cụ thể hơn nữa về quản lý nợ công, phân cấp rõ trách nhiệm trong quản lý nợ công.

Bên cạnh đó, vấn đề về nguyên tắc quản lý nợ công, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nợ công; chỉ tiêu an toàn nợ công, chiến lược, chương trình và kế hoạch vay, trả nợ công; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng nợ công; huy động, quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ… cũng là những vấn đề lớn được nhiều thành viên UBTVQH tập trung thảo luận và cho ý kiến.

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh