THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:11

Chính phủ đồng ý phương án tăng học phí đại học từ năm học 2023-2024

Các trường đại học phải quyết định mức thu học phí, thông báo trước khi thí sinh đăng ký dự tuyển.

Các trường đại học phải quyết định mức thu học phí, thông báo trước khi thí sinh đăng ký dự tuyển.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý với phương án trường đại học tăng học phí từ năm học 2023 - 2024 theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, còn học phí bậc phổ thông do địa phương quyết định.

Thông tin được đưa ra tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng đồng ý phương án cho các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng học phí theo lộ trình nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ.

Theo đó, dự kiến đầu tháng 7, Hội đồng nhân dân (HĐND) các địa phương sẽ thông qua mức học phí cho năm học mới đối với bậc phổ thông. Đối với giáo dục đại học, các trường phải quyết định mức thu học phí, thông báo trước khi thí sinh đăng ký dự tuyển.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý với phương án các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện lộ trình tăng học phí phù hợp theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; có chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế và dễ bị tổn thương được tiếp cận giáo dục đại học bình đẳng.

 

Đối với bậc học mầm non, tiểu học, trung học phổ thông, theo Phó Thủ tướng, việc điều chỉnh học phí do HĐND các tỉnh, thành phố quyết định theo điều kiện của địa phương. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần đánh giá rõ tác động xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến nhóm đối tượng chính sách, yếu thế, thậm chí không thể đi học do học phí tăng, từ đó, có phương án hỗ trợ cụ thể, bảo đảm mục tiêu nhất quán trong thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông.

"Ở những khu vực có điều kiện kinh tế, cần thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích tự chủ đối với các cơ sở giáo dục công lập trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí giáo dục, dành ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng chính sách, yếu thế, ở vùng sâu, vùng xa", Phó Thủ tướng nói và nêu rõ nguyên tắc "không giảm ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục".

Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu chính sách học phí toàn diện, bài bản, bảo đảm mục tiêu thực hiện xã hội hóa cũng như phổ cập giáo dục phổ thông.

Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/10/2021. Theo đó, từ năm học 2022-2023, học phí sẽ tăng đều hàng năm. Tuy nhiên, ngày 20/12/2022, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo hệ thống công lập thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022.

Khi Nghị định 81/2021/NĐ-CP có hiệu lực, mức trần học phí đối với các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên là 14,1 - 27,6 triệu đồng/năm học, tùy từng khối ngành. Mức thu cũ là 9,8 đến 14,3 triệu đồng.

Với các trường đại học bảo đảm chi thường xuyên được thu mức tối đa bằng 2 lần mức trên, khoảng 28,2 - 55,2 triệu đồng. Những trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được thu cao nhất gấp 2,5 lần, tương đương 70,5 - 138 triệu đồng/năm học. Các trường phải công bố mức học phí và thông báo trước khi thí sinh đăng ký dự tuyển.

Với các chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài, các đại học được tự xác định học phí nhưng phải công khai với người học và xã hội.

THANH HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh