Chiêu trò của người nhiễm HIV ở bệnh viện điều trị nghiện
- Tây Y
- 14:37 - 31/05/2016
Không tấp nập người ra kẻ vào như nhiều bệnh viện thông thường khác, cánh cửa Bệnh viện 09 (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) - nơi điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS luôn đóng im ỉm. Ít ai biết rằng phía sau vẻ ngoài bình yên ấy là một xã hội giang hồ dậy sóng. Hầu hết những bệnh nhân nội trú tại đây đều xuất thân từ nghiện ma túy và gái bán hoa. Nhiều người không tự nguyện vào viện mà bị công an, gia đình ép buộc đưa vào. Chính vì vậy, có người vào hôm trước, hôm sau đã tìm đủ cách trốn viện.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện 09 tâm sự, làm việc trong một môi trường đặc biệt này, các bác sĩ nhiều lúc phải đối mặt với những hiểm họa khó lường. Chưa dừng lại ở nỗi vất vả, sự nguy hiểm đó, các bác sĩ còn phải căng mắt, căng não để đối phó với những chiêu trò của nhiều bệnh nhân láu cá.
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện 09. Ảnh: NP.
Công tác tại bệnh viện mới mấy năm song những chiêu trò của nhiều bệnh nhân nơi đây, bác sĩ Thảo không lạ gì, trong đó phải kể đến là chiêu nhai thuốc lào để tăng nhiệt độ cơ thể. Bệnh nhân nghiện ma túy, nhiễm HIV hay AIDS vào viện thường từ các trung tâm cai nghiện, trại giam, bên ngoài xã hội đưa vào. Chính vì vậy, hầu hết họ xăm trổ đầy người, có khi xăm cả "vườn thú" lên người. "Khi họ lên cơn nghiện thì không nói trước được điều gì. Có nhiều người luôn tìm cách trốn ra ngoài để được thỏa mãn cơn nghiện bằng cách nhai thuốc lào sống", bác sĩ Thảo nói.
Thông thường sau khi nhai cả nắm thuốc lào, bệnh nhân có biểu hiện tăng huyết áp, nhiệt độ cơ thể cũng tăng lên đến 39-40 độ, buộc phải đưa vào phòng cấp cứu. Lợi dụng sơ hở của y bác sĩ, bệnh nhân chuồn ra ngoài. Ban đầu, các y bác sĩ chưa nhận ra nguyên nhân bệnh song sau đó giám sát đã "bóc mẽ" được bệnh nhân. "Bệnh nhân sốt, y tá kiểm tra thân nhiệt, đo mạch, huyết áp cứ 15-30 phút một lần. Nếu nguyên nhân là do nhai thuốc lào thì nhiệt độ cơ thể và huyết áp, mạch sẽ xuống từ từ trở lại mức bình thường. Trường hợp này bệnh nhân phải ở lại phòng bệnh mà không được đưa đi nơi khác".
Bệnh nhân nhai thuốc lào rồi tìm cách nôn ra thì những sợi thuốc lào sẽ biến thành màu đỏ như máu. Do đó bác sĩ ít kinh nghiệm sẽ không thể biết đó là trò giả bệnh của người bệnh và chẩn đoán bị xuất huyết dạ dày hoặc chảy máu ruột…
Bệnh nhân nằm điều trị một mình, không có người nhà chăm sóc. Ảnh: NP.
Sau khi chiêu nhai thuốc lào sống nhanh chóng bị bóc mẽ, người bệnh nghĩ ra một chiêu khác là ngậm dị vật như dao lam, đinh rồi giả vờ hóc và đòi đi viện để mổ. "90% bệnh nhân giả bệnh kiểu này từ bỏ ý định, số còn lại soi dị vật không phát hiện được, số ít bọc giấy bạc bên ngoài dao lam rồi mới nuốt", bác sĩ Tạ Quang Lưu, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện 09 cho biết.
Cách đây 5 năm, một thanh niên mưu sinh bằng nghề tiếp viên quán karaoke, dùng thử ma túy rồi trở thành con nghiện, nhiễm HIV từ lúc nào không hay. Để có tiền chích ma túy, ban đầu anh ta vay mượn bạn bè rồi sau đó về nhà lừa tiền của gia đình, cuối cùng đi cướp. Ban đầu, anh ta trộm của công nhân quanh nhà trọ, sau liều lĩnh cướp của người đi đường. Một lần phê thuốc tại chỗ, anh ta nằm vật ra đường, được công an phát hiện đưa vào Bệnh viện 09.
"Lúc tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi thấy lạ. Bệnh nhân nằm thẳng cẳng, hỏi gì cũng không nói, không có dấu hiệu bất thường dù mới phê ma túy. Chúng tôi làm bài kiểm tra, đo các chỉ số sinh tồn chức năng sống rồi ấn mạnh vào một huyệt trên cơ thể. Anh ta đau quá mới chịu há miệng kêu oai oái. Sau này, anh ta tiết lộ là giả chết lâm sàng như vậy để được đưa đi cấp cứu rồi tìm cách bỏ trốn", bác sĩ Thảo kể.
Với những y bác sĩ trong Bệnh viện 09 thì nguy hiểm luôn rình rập. Những bệnh nhân bị nhiễm HIV có rất nhiều suy nghĩ tiêu cực và luôn tìm cách gây họa cho người khác, ít nhất là với y bác sĩ để được trốn ra ngoài sử dụng ma túy. Không ít các bác sĩ nơi đây bị phơi nhiễm HIV. Rất nhiều lần bệnh nhân 'anh chị' tự làm chảy máu rồi nhổ vào người bác sĩ. Vì vậy, khi khám, cho những bệnh nhân này uống thuốc, các nhân viên y tế luôn phải cảnh giác cao độ.
Chính bác sĩ Tạ Quang Lưu cũng có lần suýt bị "dính chưởng" từ bệnh nhân. Hôm đó bác sĩ Lưu tiến hành cắt cơn cho một nam bệnh nhân. Lúc đó, bệnh nhân đang lên cơn thèm thuốc, thấy bác sĩ Lưu xuất hiện, anh ta lập tức dùng chiếc bàn chải đánh răng (đã được mài nhọn một đầu) đâm vào người bác sĩ. May nhờ phản xạ tốt, bác sĩ Lưu tránh được cú đâm đó.
"Bình thường bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt là giai đoạn cuối rất yếu, gầy gò, xanh xao, có khi chỉ còn da bọc xương nhưng khi có cơ hội trốn ra ngoài họ như trở thành một người khác, nhanh nhẹn, khỏe không ngờ, có thể vượt qua mái nhà hay tường bệnh viện cao 2 m để ra ngoài", bác sĩ Lưu nói.
Khi các chiêu trò đã dần bị lộ tẩy, những bệnh nhân máu mặt nơi đây bắt đầu làm liều. Các y bác sĩ bệnh viện 09 còn nhớ có lần 6 bệnh nhân trói bác sĩ vào chân giường để trốn ra ngoài. Khi ấy Bệnh viện 09 còn là Trung tâm Điều trị 09. 6 bệnh nhân này vốn trước kia đều là dân "anh chị", sau một thời gian nghiện hút, chích choác thì bị nhiễm HIV. Bị đưa vào điều trị tại Trung tâm, các bệnh nhân đều cảm thấy bức bối, và cùng nhau lập mưu bỏ trốn. Đầu tiên, 2 bệnh nhân công kênh nhau lên tháo đèn tuýp trên tường, rồi bẻ đôi làm hung khí. Sau đó, họ khống chế bác sĩ trực, nhét giẻ vào miệng trói vào chân giường. Tiếp đó, một bệnh nhân dùng kìm cắt toàn bộ hệ thống dây điện thoại của Trung tâm. Trời nhập nhoạng tối, 6 bệnh nhân này vượt tường trốn thoát. Vụ việc trên đã gây náo loạn Trung tâm một thời gian. Sau đó ít ngày mấy tay "anh chị" này đều bị bắt lại.
Những con nghiện nhiễm HIV, AIDS giai đoạn cuối vào viện rất nhiều. Họ chẳng có gì cũng chẳng còn gì để mất nên vô cùng liều lĩnh. Thứ duy nhất họ còn là "máu độc" nên thường xuyên đem ra để dọa các nhân viên y tế. Song không vì thế mà các y, bác sĩ nơi đây nản lòng. Họ vẫn ngày đêm hy sinh thầm lặng để cứu chữa cả thể xác và tâm hồn người bệnh.