Lây truyền HIV qua đường tình dục chiếm 50,8%
- Sức khỏe
- 18:09 - 31/03/2016
Mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Bộ Y tế cho biết, trong số những người được báo cáo xét nghiệm mới phát hiện nhiễm HIV trong năm 2015, nữ chiếm 34,1%, nam: 65,9%; lây truyền qua đường tình dục chiếm 50,8%, lây truyền qua đường máu: 36,1%, mẹ truyền sang con: 2,8%, không rõ nguyên nhân là 10,4%.
5 năm qua tiếp tục ghi nhận số người nhiễm HIV/AIDS và tử vong hàng năm giảm, số trường hợp HIV dương tính phát hiện năm 2010 giảm từ 17.800 xuống còn 10.195 ca (năm 2015), tử vong giảm từ 3.300 ca xuống 2.130 ca, số bệnh nhân AIDS từ 8.900 ca xuống còn khoảng 6.130 ca vào năm 2015. Các yếu tố nguy cơ lây truyền HIV ở Việt Nam giai đoạn hiện nay vẫn là lây truyền trong nhóm nghiện chích ma túy và từ nhóm này lây nhiễm sang vợ hoặc bạn tình của họ. Ngoài ra, còn có yếu tố nguy cơ mới làm lây truyền HIV trong sử dụng ma túy tổng hợp ở giới trẻ và phụ nữ bán dâm, dẫn đến tăng nguy cơ quan hệ tình dục tập thể không được bảo vệ, và mại dâm nam, gồm nam bán dâm cho nam đồng tính, người chuyển giới nữ.
Năm 2015, tại Việt Nam có khoảng 10 triệu lượt người thuộc đối tượng đích của chương trình được truyền thông phòng, chống HIV/AIDS. Các hoạt động truyền thông về HIV/AIDS trên phương tiện thông tin đại chúng được đẩy mạnh... Trong đó, chú trọng công tác điều trị ARV, Methadone, xét nghiệm HIV, thực hiện các mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020 (phấn đấu đến năm 2020 có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục, 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định), hướng tới kết thúc AIDS vào năm 2030, sử dụng bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV...
Ảnh minh họa.
Công tác can thiệp giảm tác hại không ngừng được tăng cường, các hoạt động phân phát bơm kim tiêm, phân phát bao cao su được triển khai rộng rãi trên khắp các tỉnh, thành, phân phát bao cao su cho gần 35.000 người nghiện chích ma túy, 43.600 phụ nữ bán dâm, 13.000 nam quan hệ tình dục đồng giới và 24.000 vợ, bạn tình của người nhiễm HIV hoặc nguy cơ cao. Chương trình điều trị Methadone được triển khai mạnh mẽ, đến nay đã có 57 tỉnh, với 239 cơ sở điều trị Methadone cho 43.720 người. So với năm 2014, số người điều trị Methadone tăng gấp 2 lần. Điều trị ARV được triển khai tại tất cả 63 tỉnh, thành phố. Công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được đẩy mạnh. Năm 2015, số phụ nữ mang thai được xét nghiệm trên 1.129.000 triệu người và phát hiện nhiễm HIV cho gần 1239 phụ nữ mang thai nhiễm HIV.
Năm 2015 Bộ Y tế xây dựng phần mềm điều trị ARV, cho đến nay đã tập huấn triển khai phần mềm điều trị ARV cho khoảng 30% số cơ sở điều trị ARV. Tuy nhiên, việc đảm bảo chất lượng số liệu là thách thức lớn đối với công tác giám sát, theo dõi và đánh giá, đặc biệt là các số liệu thu thập tại cộng đồng. Các hoạt động giám sát, theo dõi, đánh giá chủ yếu dựa vào các cán bộ kiêm nhiệm tại các tuyến, dẫn đến nhân lực thường thay đổi, kinh phí cho hoạt động này rất hạn chế, nên các số liệu thu thập tại cộng đồng thường chất lượng hạn chế hơn.
Nhờ triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, trong 5 năm qua, tình hình dịch HIV/AIDS đã được khống chế và từng bước được đẩy lùi, song vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, bởi đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Mỗi năm vẫn có 12.000 trường hợp HIV+ mới và 2.000 - 3.000 trường hợp tử vong do HIV/AIDS, gây tác động rất lớn về sức khỏe, kinh tế - xã hội. Hơn nữa, nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn ở mức cao.
Trên thực tế, Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với khó khăn do nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu dựa vào viện trợ của quốc tế đang cắt giảm nhanh.
Trong khi đó, các nguồn tài chính trong nước chưa kịp bù đắp nên mức độ bao phủ các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn hạn chế, kể cả dự phòng, can thiệp giảm hại, xét nghiệm và điều trị, chưa đạt được mức có thể khống chế được đại dịch HIV/AIDS. Đặc biệt là nguồn nhân lực bị thiếu hụt, khiến cho việc triển khai công tác phòng, chống gặp không ít khó khăn.