Chiếc áo dài – Tự hào di sản Việt
- Văn hóa - Giải trí
- 22:42 - 08/03/2019
Được biết, chiếc áo dài đã xuất hiện từ hơn 4 thế kỷ trước, với hình dạng ban đầu là áo tứ thân – vốn thông dụng với người phụ nữ thôn quê Bắc Bộ, và áo năm thân. Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, áo ở Đàng Ngoài và Đàng Trong cũng có những sự khác biệt nhất định. Chiếc áo năm thân ấy vẫn khá phổ biến với phụ nữ Việt Nam đến tận thế kỷ 19, cho đến khi được hai họa sĩ Lê Phổ và Cát Tường cải tiến mạnh mẽ trong thập niên 1930, 1940 của thế kỷ 20, theo xu hướng Âu hóa.
Những năm sau đó, áo dài liên tục được biến tấu, khi thì ôm sát eo để tôn vinh những đường lượn mềm mại của cơ thể phụ nữ, lúc lại là thay đổi ở kiểu cổ áo, chít eo, vai raglan và quần ống rộng. Gấu áo lúc buông thướt tha đến sát đất, lúc ngắn qua đầu gối… Gấm và lụa vẫn là chất liệu chủ yếu, để đôi tà áo tiếp tục bước vào thơ và nhạc, làm say đắm lòng người, nâng lên nét duyên Việt.
Thời hiện đại, áo dài vẫn là nguồn cảm hứng bất tận của các nhà thiết kế, họa sĩ. Vẫn giữ nguyên kiểu dáng, cấu trúc của chiếc áo dài cổ điển, họ đưa thêm nhiều chất liệu mới và thổi vào đó vẻ đẹp mới, hiện đại được chắt lọc từ văn hoá truyền thống dân tộc như thêu, vẽ những hoạ tiết trang trí, điểm xuyết những hoa văn từ các trang phục của các dân tộc Việt Nam, hoạ tiết từ trống đồng Ngọc Lũ, phục hồi chiếc áo dài 300 năm, phục hồi nghệ thuật thêu truyền thống trên áo dài... tạo nên một vẻ đẹp đặc biệt cho áo dài Việt Nam.
Với những sự chăm chút và yêu thương trân trọng đó, chiếc áo dài trong thế kỷ 21 tiếp tục tung bay trên đường phố, khoe sắc trên các sàn diễn thời trang trong và ngoài nước, góp mặt trong các cuộc hội nghị quan trọng để mang đến một vẻ đẹp Việt Nam, tinh thần Việt Nam vừa hài hòa sang trọng, vừa độc đáo cá tính.
Có thể nói, chiếc áo dài đã trở thành di sản trong tâm hồn người Việt qua nhiều thế hệ, như một nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam.