THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:33

Chiến lũy Phồn Xương

 

Nơi giáo dục truyền thống

Mỗi lần đến Phồn Xương đều để lại trong tôi nhiều câu hỏi. Làm sao một vị thủ lĩnh yêu nước, ôm mộng quân vương lại sinh hoạt chung với hàng vạn nghĩa quân trong một khu đồn thâm u, hoang vu giữa chốn “nước độc, rừng thiêng”?

Cách đây trên trăm năm, cụ Đề Thám và nghĩa quân đã sinh hoạt ra sao nơi trận mạc?

 Hàng chục năm qua, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều giải pháp để bảo vệ những gì còn hiện hữu của khu đồn độc đáo ấy nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ.

Ông Lê Trí Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho hay: “Mặc dù có vai trò quan trọng trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế, nhưng trải qua thời gian, sự thiếu bền vững của vật liệu xây dựng (chủ yếu dùng đất đắp) cũng như chưa được sự quan tâm duy tu, sửa chữa thường xuyên nên đồn Phồn Xương đã xuống cấp.

Đồn Phồn Xương.Đồn Phồn Xương.

Việc phục dựng khu đồn hoặc xây dựng đền thờ các nghĩa sĩ tại các đồn là cần thiết và đã nằm trong ý tưởng của các chuyên gia, chính quyền huyện, song thực tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thuận lợi lớn là di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, mở ra cơ hội để địa phương trùng tu, tôn tạo di tích cho xứng tầm với giá trị. Hơn nữa, hầu hết các đồn, lũy trong chuỗi di tích đều có bản đồ, vẽ lại để phục vụ  việc phục hồi theo nguyên bản không khó.

Ngoài ra, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức thăm dò, khai quật tại đồn Hố Chuối, đồn Hom, thu được nhiều tài liệu, hiện vật giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa, đó là cơ sở để các nhà khoa học đánh giá và đưa ra những phương án phục hồi thích hợp. Nếu được quan tâm, khôi phục đây sẽ là nơi giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh chống kẻ thù xâm lược đối với thế hệ trẻ và phát triển du lịch”.

 

Chiến lũy khiến quân thù khiếp vía

Tiếng vang và tên tuổi của cụ Đề Thám cũng như cuộc nổi dậy nông dân ấy còn âm vang mãi trên quê hương Kinh Bắc. Theo các tài liệu lịch sử, đồn Phồn Xương xây dựng năm 1894,  được xem là “đại bản doanh” của nghĩa quân Yên Thế.

Nơi Hoàng Hoa Thám và các tướng lĩnh của ông như: Cai Thanh, Cả Trọng thường xuyên lưu trú, hoạt động. Toàn bộ “Ban tham mưu” cùng lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa tập trung tại đây để điều hành, lãnh đạo nghĩa quân, tuyển chọn, luyện tập quân lính...Đồn Phồn Xương.

 

Kết cấu đồn bao gồm: Khu ngoại thành được bố trí các bốt gác, tiếp theo là các đồn phụ, các giao thông hào, vòng thành bao bọc. Vòng thành được đắp bằng đất, các pháo đài chiến đấu, và có các lỗ châu mai, chòi gác...

Kiến trúc bên trong là một khoảng không gian rộng, trong thành là khu vực nhà cửa, nhà thứ nhất 5 gian là nhà ở của Hoàng Hoa Thám và bà vợ Ba, nhà thứ hai là nhà hình vuông, 4 mặt để trống dùng làm nơi họp bàn của Hoàng Hoa Thám với những tướng lĩnh, nhà thứ ba gồm hai dãy là nhà ở của nghĩa quân.

Dãy tiếp theo gồm 8 gian dùng làm chuồng ngựa và bếp... bên cạnh đó còn có cột đèn và cột cờ. Đồn gồm có 3 cổng, một cổng chính quay về hướng Đông và 2 cổng phụ thông với những khu rừng rậm xung quanh...

Tại đồn Phồn Xương từng diễn ra nhiều hoạt động, sinh hoạt của nghĩa quân Yên Thế trong thời kỳ hoà hoãn (1894- 1909) như: Thổi cơm thi, đấu vật, làm bánh, cưỡi ngựa bắn cung và các đêm hát xướng vui nhộn, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng đến dự, ngày hội xuống đồng, cả tướng lĩnh và nghĩa quân đều hăng say tham gia lao động sản xuất.

Sử sách chép rằng: Khi về Yên Thế tiếp kiến Hoàng Hoa Thám, chí sĩ Phan Bội Châu đã ngỡ ngàng, thảng thốt trước đồn Phồn Xương mà nói rằng: “Những người bị khổ sở về chính quyền bạo ngược đều lấy doanh trại của tướng quân Hoàng Hoa Thám làm nơi ẩn trú.

Đền thờ bà Ba (Vợ Đề Thám) nằm trong khu đồn Phồn Xương. Đền thờ bà Ba (vợ Đề Thám) nằm trong khu đồn Phồn Xương. 


Vì thế, người rất đông đúc, tiếng gà tiếng chó rộn vang tựa như một cảnh tân đào nguyên của những bậc lánh đời vậy. Năm nọ, tôi hai lần tới đồn, xem khắp chung quanh, trâu cày từng đội, chim rừng quyện người, đàn bà trẻ con nhởn nhơ tiếng chày rậm rịch, có cái vẻ vui của những ngày đình đám hội hè mà không hề có tiếng thở than về chính quyền bạo ngược và mãnh hổ hại người. Tạo lập được một thế giới riêng biệt, thực là một nỗ lực riêng của tướng quân”.

Trải qua hơn một trăm năm, đến nay dấu tích đồn Phồn Xương vẫn còn.

Trong đồn, nhân dân xây dựng đền thờ và tượng thờ bà Ba (vợ ba của Đề Thám), các công trình kiến trúc cũ bên trong đã bị đổ nát, chỉ còn lại tường thành đắp cao bằng đất và có lỗ châu mai được phục dựng vài chục năm trước.

 Ông Ngô Văn Trụ, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Bắc Giang cho biết: Dựa vào các tài liệu ghi chép và các bức hình mà người Pháp chụp lại ở Phồn Xương, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng, khôi phục và tạo dựng, tái hiện lại không gian cảnh quan, đời sống sinh hoạt, khung cảnh tập luyện, lao động, sản xuất của nghĩa quân Yên Thế. Qua đó nhằm giáo dục truyền thống và phát triển du lịch...

Mong rằng, tương lai không xa các ngành chức năng sẽ có những biện pháp trùng tu, tôn tạo khu di tích Quốc gia đặc biệt này.

Kim Sa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh