CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:00

Chiến lược tài chính quốc gia 2020: Mở cửa cho doanh nghiệp tham gia vào hạ tầng tài chính quốc gia

Chiến lược tài chính quốc gia 2020: Mở cửa cho doanh nghiệp tham gia vào hạ tầng tài chính quốc gia - Ảnh 1.

Đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong quyết định 149/QĐ-TTg (sau đây gọi tắt là Chiến lược). Chiến lược này được các chuyên gia kinh tế đánh giá là một định hướng quan trọng, là động lực thúc đẩy nhanh nền kinh tế không tiền mặt, đưa ngành tài chính Việt Nam bắt kịp với khu vực và thế giới. Đây là sự mở cửa tất yếu của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong thời đại của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 - kinh tế số, xã hội số, dịch vụ số.

Chiến lược đề ra các mục tiêu rõ ràng, đến năm 2025 có ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030. Đồng thời, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20% -25% hàng năm.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện là nhiệm vụ đầu tiên được đề ra trong chiến lược. Song song với đó là các hoạt động nhằm phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ nhằm hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện với mức chi phí hợp lý.

Có thể thấy điểm nổi bật nhất trong chiến lược lần này là sự đổi mới và tinh thần đột phá, thể hiện tầm nhìn mới của Chính phủ trong việc đưa ra các chính sách và chủ trương Chính phủ về phát triển thanh toán toàn diện ở Việt Nam.

Một trong những nhiệm vụ nổi bật của Chiến lược là đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt đối với người dân, doanh nghiệp như: thu, nộp thuế, phí, lệ phí, thu phạt hành chính, thanh toán hóa đơn định kỳ (điện, nước, viễn thông, học phí) hay chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt… hiện đã được thực hiện nhưng còn khá hạn chế, cần có thêm nhiều ứng dụng để mở rộng mạnh mẽ hơn.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu đánh giá: "Chiến lược được đề ra trong bối cảnh nền kinh tế đang thay đổi rất lớn, liên quan đến vấn đề công nghệ thông tin, đến môi trường kinh doanh và mô hình phát triển quốc gia".

Ông cũng nhấn mạnh chiến lược này nếu đi vào thực hiện sẽ có sức ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế nước nhà, do vậy sẽ cần một thời gian trung hạn hoặc dài hạn để thực hiện.

Sẽ có thêm doanh nghiệp được tham gia dịch vụ chuyển mạch

Chiến lược tài chính quốc gia 2020: Mở cửa cho doanh nghiệp tham gia vào hạ tầng tài chính quốc gia - Ảnh 2.

Một trong những điểm quan trọng của Chiến lược là việc mở cửa, cho phép thêm các thành phần kinh tế tham gia vào cung cấp các dịch vụ tài chính.

Riêng lĩnh vực chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, Chiến lược cũng nêu rõ: "cho phép thêm các tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung ứng dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh, đảm bảo an ninh, an toàn, tăng hiệu quả xử lý, giảm phí giao dịch thanh toán, chuyển tiền cho người dân và doanh nghiệp."

Hiện tại Việt Nam chỉ có Napas là đơn vị độc quyền cung cấp dịch vụ chuyển mạch và bù trừ điện tử. Là một lĩnh vực ‘cột sống’ cho mọi hoạt động thanh toán tài chính, tiền tệ thì việc mở cửa cho phép thêm doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này có ý nghĩa bước ngoặt lớn cho toàn ngành, mở ra cơ hội lớn để có thêm các nguồn lực tham gia kiến tạo các hạ tầng quan trọng của quốc gia, kỳ vọng tác động tích cực đến hoạt động thanh toán ở Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử, đẩy mạnh các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Thực tế cho thấy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng nếu dựa vào một hệ thống chuyển mạch rất khó để giảm phí tăng tốc độ giao dịch, đẩy nhanh phổ cập tài chính. Hệ thống thanh toán điện tử hiện nay mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu, độ phủ mỏng, chi phí cao. Đặc biệt là hệ thống chuyển mạch chưa liên thông được với phương tiện thanh toán mới.

Muốn đưa dịch vụ đến với mọi người, xoá các vùng trắng dịch vụ như hiện nay thì đòi hỏi một hệ thống chuyển mạch lớn, hiện đại, liên thông được các phương tiện thanh toán mới… như cánh tay nối dài làm cơ sở phát triển và đưa các dịch vụ đến với mọi người

Thực tế cho thấy, thị trường mỗi khi có sự cạnh tranh, người tiêu dùng đều hưởng lợi. Thêm nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sẽ tạo sự cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, giá cả sẽ tốt hơn.

Trên thế giới, mô hình chuyển mạch cũng rất khác nhau: có nước chỉ có một doanh nghiệp chuyển mạch quốc gia, song cũng có nước có trên 10 doanh nghiệp thực hiện các cấp độ dich vụ khác nhau trong lĩnh vực này. Việt Nam hiện nay đã có những doanh nghiệp đủ sức tham gia vào việc kiến tạo hạ tầng chuyển mạch tài chính và thanh toán bù trừ. Đó là các tập đoàn công nghệ hay các định chế tài chính mạnh có đủ kinh nghiệm và tiềm lực.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, với một thị trường mở cũng đi liền với lại cái rủi ro. Điều mà không ít chuyên gia kinh tế quan tâm, đó là liệu rằng chúng ta có thể kiểm soát được những cái rủi ro chưa? Nhất là những rủi ro liên quan đến an toàn, an ninh mạng như lộ lọt dữ liệu, đánh cắp dữ liệu, làm sai lệch dữ liệu tài khoản ngân hàng.

"Nếu câu trả lời là có thể kiểm soát được rủi ro rồi thì tôi rất hoan nghênh việc mở rộng thị trường chuyển mạch tài chính", chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh