THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 09:58

Chiếc vé bánh khứ hồi tuổi thơ

Nhà tôi cô con gái út mới tuổi mười ba nên chị chàng còn háo hức lắm. Hôm qua cơ quan truyền hình tổ chức rước đèn liên hoan cho con em nhân viên, bận nên quên bẵng không đón được con đến chơi, con nhấm nhẳng đường con, bố bứt rứt đằng bố.

 Con gái tiếc hùi hụi cái vố so xổ số ở buổi rước đèn. Chả là năm ngoái chị ta vớ được cái giải nhì được thưởng album ảnh và hộp bánh. Nói đến bánh. Bánh trung thu nhà tôi năm nào cũng ê hề, ăn ròng rã từ cả tháng trước đó.

Thấy mọi người sau bữa cơm cắt bánh mời mọc nhau tự nhiên thấy tủi. Rồi hờn dỗi. Có gì đâu, tôi tiểu đường từ nhiều năm nay mặc nhiên những món gì dính đến ngọt, tôi đều bị loại khỏi vòng.

Đã thành nếp nên việc đó là bình thường, chả mấy ai để ý. Thế nhưng khi nhìn những chiếc bánh dẫu không thèm thuồng gì người tôi vẫn cứ rợn rạo và đâm ra oán trách những người thân chẳng hề tâm lý.

Nào ngờ sáng nay có người bạn đến tặng một hộp bánh trung thu dành cho người kiêng ngọt. Chiếc hộp rất đẹp. Mở ra có lận 6 cái, rặt bánh nướng, đúng ý vì tôi vốn không thích bánh dẻo. Tôi lặng người vì sướng vì cảm kích vội mang lên bàn thờ thắp hương rồi tháo vỏ cả loạt bánh ngắm nghía sờ nắn chưa vội ăn.Chiếc vé bánh khứ hồi tuổi thơ

Hà hít lớp vỏ bánh mịn màng thơm sực, người tôi chợt lịm đi. Cái mùi bánh này quen thuộc lắm nó cố thủ trong não tôi từ ấu thơ và chỉ chực chờ cơ hội là xộc ra miên man.

Bánh nướng. Ngày đó tôi 9 tuổi. Năm 1965. Tết trung thu đầu tiên tôi xa nhà biệt lập hẳn với bố mẹ. Đó là năm chiến tranh phá hoại ở giai đoạn ác liệt. Mấy anh em tôi sơ tán về quê Hà Nam ở với bà ngoại đã được gần năm. Chín tuổi nhưng tôi đã rất cứng cáp.

Một thằng bé thành phố về môi trường quê lại là đầu tàu của hai đứa em trai không cứng cáp chỉ có nước chết. Đã đành nhà bà ngoại còn có mợ Nguyệt là vợ cậu Liệu tôi đang tại ngũ nhưng hầu như tôi hoàn toàn tự chủ cuộc sống của mình.

Tất nhiên ăn mặc sách bút thì bà ngoại rồi bố mẹ tôi lo. Khả năng của tôi lúc đó nổi trội nhất không phải việc học giỏi hay ngoan ngoãn mà là kiếm tiền. Tôi kiếm tiền rất mểu.

Vốn lanh lẹ nên món đánh đáo ăn tiền tôi bao giờ cũng là người thắng. Chẳng ngày nào tôi không thủ ít tiền xu từ số vốn bố mẹ tôi chu cấp hàng tháng rồi rủ đám trẻ quê ra sân đình chiến đấu.

Có vốn là vì tôi ăn bớt rất giỏi những khoản chi bà ngoại tôi không thể kiểm soát. Mỗi tội ngày ấy nghèo, trẻ con đào đâu ra tiền nên khoản thu nhập này chẳng thấm tháp gì chưa đủ ăn quà vặt.

Khổ nỗi tôi ham ăn từ nhỏ. Thói quen này là nhờ ở những bữa nhậu dạo chưa chiến tranh tôi thừa hưởng được từ bố tôi. Ở quê ngày ấy ăn đủ no đã là chuyện không phải dễ, đừng nói là ăn ngon.

Tôi luôn ở tình trạng thèm. Thói đời đã thiếu thì thèm đủ thứ. Từ làng tôi đi ra thị xã Phủ Lý mất dăm cây số. Gom đủ tiền là tôi trốn học đi bộ ra thị xã vào cửa hàng ăn uống quốc doanh gần ga quại một mạch bát phở thịt lợn 5 hào to vật không sót đến cả một cọng hành bám đáy.

Chẳng phải ăn mảnh không rủ đám em trai mà là vì chúng nó còn nhỏ ngại đi bộ nhọc và nhất là nhát chết không dám đi ra thị xã. Chả mấy ngày máy bay Mỹ không đến ném bom.

 Thị xã Phủ Lý có quốc lộ 1 đi qua, lại có cây cầu huyết mạch nên là trọng điểm của sự bắn phá. Tôi cũng chả can đảm gì, sợ từ con đỉa đến hồn ma bóng quỷ, sợ bóng đêm, sợ cây gạo già bãi mả đến những kẻ táo tợn dữ đòn huống hồ bom rơi đạn nổ nhưng cơn thèm ăn lớn đến mức chiến thắng được mọi thứ.

Chết chẳng biết thế nào nhưng không ra thị xã thì đào đâu ra phở mà sực. Có rất nhiều chuyện dạng này tôi sẽ kể vào một dịp khác.

Càng gần Trung thu tôi càng nôn nao. Tôi hóng hớt hỏi mợ tôi về trung thu ở làng. Mợ Nguyệt tôi bấy giờ là phó chủ tịch kiêm trưởng công an xã bảo năm nào xã và thôn cũng tổ chức đón rằm cho trẻ con, mà mày hỏi làm gì. Tôi có cái tật khiến người lớn rất ghét là trả lời lại bằng chính câu hỏi.

Đại loại tôi hỏi xem có được phát bánh nướng không. Mợ tôi ngạc nhiên sao mày biết có bánh nướng. Chuyện này có gì mà không biết. Mấy hôm nay cửa hàng mua bán của hợp tác ở giữa làng đã chở về mấy xe cải tiến bánh nướng. Ngày nào tôi chả lượn qua như máy bay trinh sát để ngắm chồng bánh bọc trong giấy dày đen mờ.

Những tờ giấy bóng mờ ngấm mỡ loang loáng lấy mất của tôi phải đến mấy bụm nước bọt. Có lần thèm quá không chịu nổi tôi đã hỏi cô bán hàng giá một chiếc bánh là bao nhiêu. Có hai loại. Loại lớn 5 hào tất nhiên có nhân thịt. Loại nhỏ 2 hào bánh nhân thường.

Chiếc vé bánh khứ hồi tuổi thơ Ảnh minh họa: Họa sĩ LÊ TRÍ DŨNG.

Thọc tay vào túi lúc cực đỉnh cơn thèm tôi nắm chắc 10 đồng năm xu hỏi mua một chiếc nhưng nhận được cái lắc đầu. Cô bán hàng giải thích đây là bánh phân phối về cho cả thôn để trẻ đón tết. Khi phân phối xong sẽ bán tự do một ít nhưng phải là sát rằm. Biết được thông tin đó nên tôi mới hỏi mợ tôi cho chắc cú.

Mợ Nguyệt tôi bảo đúng, đêm rằm trẻ con cả làng sẽ được tập trung ở sân đình phá cỗ. Cỗ có bánh có mía có bưởi có kẹo được phát theo suất, mấy anh em mày cũng được tiêu chuẩn như trẻ làng. Tôi sướng âm ỉ. Ngay sau đó mợ Nguyệt thông báo trung thu này mẹ mày nhắn là không về được.

Đang sướng tôi xìu ngay vì coi như mất đứt một khoản thu nhập đang mong đợi. Bố mẹ tôi về, ngoài các khoản chi thông thường bao giờ cũng lì xì cho mấy anh em ít bạc lẻ quà vặt. Đấy là chưa kể thể nào chả có hộp bánh trung thu như mọi năm trước.

Đau hơn hoạn. Vậy là phải tự lực cánh sinh rồi. Tôi ngày ngày vẫn đảo dăm bận qua cửa hàng mua bán ngắm những chồng bánh và nghĩ mưu. Đào đâu ra tiền bây giờ. Tối đó tôi về gom hết tiền xu đếm đi đếm lại cũng chỉ có chưa đến một đồng.

Nghĩa là chưa đủ hai chiếc bánh. Phải tính. Loay hoay thức trong tróng nảy cả đom đóm mắt nhưng cũng chịu chả nghĩ ra cách gì. Sáng ấy chủ nhật được nghỉ học như thông lệ tôi đeo giỏ vác gàu dòn ra đồng bắt cua kiếm cá. Chuyện kiếm chác này tôi nổi tiếng cả làng.

Đám trẻ quê cùng lứa, tiếng là gốc gác nhưng chúng nó chỉ giỏi chăn trâu cắt cỏ. Phải bọn nhơn nhớn mới làm những chuyện giống tôi. Bà ngoại tôi già, mợ tôi là cán bộ, nhà không phải nuôi trâu rẽ của hợp tác lấy công điểm nên thời gian rảnh rỗi ngoài chơi bời khăng đáo bi xèng, kế nữa là đọc truyện, tôi rặt lọ mọ ngoài đồng.

Mà dạo ấy cái sự học là xa xỉ. Ở lớp về là quăng phịch cặp sách chạy vút ra đường. Trẻ con phải thế mới thật là có tuổi thơ. Khekhe...Nói chuyện kiếm chác. Tôi lúc tìm con bờ ruộng thật xa làng nơi ít người mò đến sẽ có rất nhiều hang cua đùn để bắt.

Những con cua tự đùn hang mới, đa phần là cua cái béo mẫm. Khi thì be bờ quây một khoảnh ruộng rồi vục gàu tát dòn. Gầu dòn là chiếc gàu nhỏ cầm tay vận sức vục nước tát đi.

Nước cạn, cá lách cứ thế mà tóm thật đã đời. Tôi sát cá. Nhất là môn móc cua. Lần nào ra đồng lúc về cái giỏ cũng óc ách cá cua. Gọi là kiếm chác nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ cách khác ngoài chuyện mang về nộp để được bà ngoại cười móm mém khen thằng Tiến, cháu người Hà Nội mà giỏi, rất giỏi, sau này ắt thành ông to bà nhớn.

Những lúc thế bao giờ tôi cũng sướng tê người. Sáng ấy tôi ra đồng có khí sớm. Định mò ra chỗ hôm trước tôi phát hiện có một tổ cá trê lớn qua tăm sủi, hiềm vì nước to nên chưa thể be được bờ nên đành phục đợi. Đang đi chợt tôi khững lại.

Trong chiếc mà ở một đoạn mương nhỏ chảy vào ruộng nằm chình ình một con cá sộp ( sộp hay xộp tôi chịu) to tướng phải bằng bắp vế người lớn. Quê tôi phân biệt cá sộp với cá chuối.

Cá chuối da có hoa đen xanh lúc nhỏ gọi là cá chõn còn cá sộp nom cũng nhang nhác nhưng đầu bẹt, người nó cả da lẫn hoa ngả màu nâu đỏ và giống này chỉ có một tên gọi từ nhỏ đến lớn. Con cá chắc mắc mà từ lâu thấy bùn đất văng tung tóe và nó nằm im thin thít mắt chẫu ra thất thần.

Nói thêm về cái mà. Là hai hố đất được khoét sâu xuống hai bên dòng chảy, vun thành bờ bên trên. Lấy que rấp vào dòng chảy làm vật cản. Những con cá hung hăng bơi đến đấy thấy cản dòng tức mình nhảy vút băng lên thế là trúng bẫu rơi vào hố mà.

Giống nào cũng vậy nhất là giống người, kẻ hung hăng thường hay cạn nghĩ trước mỗi tình huống rất thiếu suy xét hấp tấp hành động nên sa xảy là thường. Tôi đứng im nhìn con cá. Cái mà này tôi không biết chủ của nó là ai.

Ngày thường tôi thi thoảng có đào trộm củ khoai, bứt trộm quả bưởi hoặc vào đền chùa nhót hoa quả, oản ăn tươi tại chỗ chứ động vật thì quả thật chưa dám thó bao giờ. Người tôi run lên vì đấu tranh tư tưởng.

Ăn cắp đấy. Tội này to lắm. Tôi đã định bỏ đi nhưng không hiểu sao chính lúc đó tôi nghĩ ngay đến chồng bánh nướng với vỏ giấy bọc loáng mỡ. Lập tức nước miếng tôi tứa ra bủm cả chân răng. Ý định vụt đến như một lằn chớp. Con cá này mang ra đầu làng bán thể nào cũng ra tiền.

Có tiền sẽ quy đổi ra được vài chiếc bánh. Không biết giá nên tôi cứ phương phưởng nhẩm thế. Tôi vứt chiếc gàu dòn nhảy ngay xuống mà. Chẳng ngờ con cá khỏe đến thế.

Nó quẫy mạnh suýt lao ra được khỏi bờ mà. Tôi ngồi thụp hẳn xuống đè lên con cá. Vùng vẫy chán chê mê mỏi tôi mới móc được mang nó. Quần áo bê bết bùn đất tôi hỉ hả xâu con cá bằng một cành phi lao rồi đi nhanh ra khỏi hiện trường tránh bị phát hiện.

Đến mương thủy lợi tôi dấp con cá vào một hủm đất rồi nhảy xuống tắm táp phi tang. Con cá to không thể đút vào giỏ tôi cởi áo túm nó rồi xách về nhà lệch cả một bên người.

Mợ Nguyệt tôi đang dắt xe ra ngõ đi đâu đó thấy tôi về tròn mắt ngạc nhiên hỏi. Mày bắt cá ở đâu đấy. Tôi đáp phứa cháu bắt được nó nằm trên bờ đầm. Mợ tôi gật gù đúng rồi.

Giống cá này khôn lõi, nuôi con nhảy lên bờ để kiến bu rồi phi xuống lấy mồi kiến cho cá con ăn, mày may đấy cháu ạ. Tôi bảo, cháu mang con cá này đi bán lấy tiền mua bánh nướng. Mợ Nguyệt tròn mắt ngạc nhiên trước câu nói khẳng định của tôi, nghĩ gì đấy rồi gật đầu.

Ừ, con cá to thế này phải bán được mấy đồng. Thôi, cứ mang về nhà để bà kho ăn dần, mợ sẽ đổi bánh nướng cho mày. Tôi suýt nhảy cẫng. Vừa được ăn cá vừa có bánh.

Ôi may quá là may. Chiều đó mợ Nguyệt tôi đưa về đúng một xâu bánh 5 cái còn nguyên giấy bọc. Loại bánh 5 hào nhân thịt. Lúc đó tôi bé quá không biết từ dạo ấy quyền chức cũng đã được ưu tiên hơn người  thường khối thứ. Mợ Nguyệt được ưu tiên mua từ cửa hàng mua bán của hợp tác. Khỏi nói tôi hãnh diện chừng nào.

Tôi tháo giấy bọc xếp 5 cái bánh thành hàng ngang rồi gọi đám cái Yên con mợ Nguyệt và thằng Tuấn thằng Quỳnh em trai tôi cho xem thành quả với điều kiện cấm sờ hiện vật.

Cả lũ dáo dác xem, yết hầu đánh lên đánh xuống. Đang cơn khoái tôi cho chúng cầm mỗi đứa một cái, chỉ mân mê hít ngửi mà không được ăn. Đám này sau khi cầm thì nhất loạt đòi chia.

Còn thèm hơn chúng nhưng tôi đã có chủ ý là cứ để đấy đã, đợi quà trung thu của làng phát rồi ăn một thể cho bõ thèm. Tôi dỗ dành chúng là cất dành để phá cỗ. Nghe có lý nên chúng đồng ý. Tôi cất kỹ bọc bánh vào trong cỗ quan tài dành sẵn làm hậu sự cho bà ngoại để ở trong buồng. Chỗ ấy tôi hay cất những thứ quan trọng như tiền và những đồ ăn được.

Trung thu rồi cũng đến. Anh em tôi ra sân đình xếp hàng cùng với trẻ con cả làng. Trăng sáng vằng vặc. Một tổ dân quân đứng canh hai chiếc đèn măng xông sáng trưng để đề phòng máy bay còn tắt kịp. Lần đầu dự trung thu quê, tôi háo hức lắm.

Không thấy màn múa sư tử là món tôi cực thích khi còn ở Hà Nội. Nhưng bù lại đội văn nghệ thôn biểu diễn tiết mục hề chèo có cả người đeo mặt nạ chú Tễu lắc lư.

Tôi chưa cảm nhận được môn này nên chẳng thích lắm. Trẻ con người lớn chật sân nói cười ríu rít. Sau cùng đám trẻ được phân vào hàng nhận quà. Mỗi suất là một khúc mía đã róc và tiện đốt, 5 múi bưởi, một góc bánh nướng loại 2 hào, một góc bánh dẻo không nhân cộng thêm 3 chiếc kẹo bột. Quà thế là hoách đấy.

Tôi cùng mấy đứa em phi về nhà. Thằng Tuấn kém tôi 2 tuổi vừa đi vừa nhồm nhoàm ăn phần bánh của nó. Thằng Quỳnh mới 4 tuổi nhưng thông minh từ nhỏ nhớ ngay đến vụ bánh tôi hứa. Tất nhiên đời nào tôi quên. Tôi lao vào buồng mở nắp quan tài lấy bọc bánh.

Tôi hụt người. Sao thế này. Tờ giấy bọc vẫn nguyên nhưng lỏng toèo còn nhõn ba cái. Tức là kẻ nào đó đã nhót mất hai cái bánh. Chỉ có thằng Tuấn mới dám thế.

Tôi ức bứ người cầm bánh chạy ra. Gặp ngay thằng Tuấn đang phùng mang ngướng cổ cố nuốt trôi chỗ bánh trong miệng. Tôi lôi nó sềnh sệch ra góc vườn. Nó sợ hãi nhận ngay là thủ phạm. Tôi nổi cơn điên đấm nó một cú rồi bóp cổ. Khổ thân thằng Tuấn, bánh đầy mồm nhưng tiếc của nhịn đau nhất quyết không chịu nhả, nước mắt lã chã rất thảm.

Qua cơn tức, tôi nhả tay. Nó nuốt bánh, lau mắt, lí nhí bảo em thèm quá, tại anh cứ bày ra trêu tức rồi nó òa khóc thảm thiết. Khốn khổ thân tôi vừa mất của vừa phải dỗ dành mỏi miệng lại phải chia thêm phần nó nguyên một cái nhân thịt 5 hào nó mới ngừng ăn vạ.

Tôi đả nguyên chiếc như thằng Tuấn còn hai đứa kia mỗi đứa nửa cái. Thằng Quỳnh cái Yên còn bé xíu lại thêm đã có cả suất quà nên cũng chả tha thiết thắc mắc.

Sau vụ bánh trung thu ấy tôi bị chính thằng Tuấn tố cáo ăn cắp cá. Hôm trước cao hứng tôi đã kể thật với nó. Một trận đòn không thể tránh từ bà ngoại rất hiền. Nói nhỏ thêm điều này dù ăn đòn tôi vẫn chứng nào tật ấy khi ra đồng thấy mà nào có nhiều cá tôi vẫn tranh thủ hớt trộm.

Vẫn khi quả bưởi lúc củ khoai thó. Và nữa, tôi ma lanh hơn khi chẳng mang về nhà vô tư như trước mà bán lại sản phẩm kiếm được cho mợ Nguyệt để lấy tiền thi thoảng xuống thị xã ăn phở và gây dấn vốn khăng, đáo. Mợ vui vẻ chấp nhận.

Tôi nhìn 6 cái bánh nướng xếp hàng ngang. Lại hà hít. Vỏ bánh mịn màng, mùi bánh thơm sực. Đã gần năm mươi năm trôi qua từ trung thu quê đầu tiên ấy. Biết bao nhiêu biến cố xảy ra trong đời. Lớn lên tôi không có khả năng kiếm tiền ma mãnh như hồi nhỏ và vì thế rẽ đi theo ngả khác.

Cũng chẳng như bà ngoại tôi tiên đoán thành ông to bà nhớn mà chỉ là một gã viết văn quèn. Mợ Nguyệt tôi giờ bị trọng bệnh tai biến liệt người. Cậu Liệu tôi, đại tá về hưu đã rất già nhưng vẫn âm thầm chăm sóc vợ ở chính ngôi nhà bà ngoại và anh em tôi đã ở. Thằng Quỳnh, cái Yên giờ đã phương trưởng lên ông lên bà.

Tôi nhìn vào di ảnh thằng Tuấn. Em tôi chết đã được 7 năm vì chính bệnh tiểu đường. Không con. Vợ đi lấy chồng khác. Tôi đem ảnh em về nhà nhang khói. Khuôn mặt ảnh chăm chắm nhìn tôi. Em còn nhớ trung thu ấy anh Tiến ơi, tại anh cứ bày ra trêu tức khiến em thèm quá.

Tiếng thằng Tuấn lí nhí văng vẳng đâu đây. Tôi chụp lấy một cái bánh. Cắn phập. Nghiến ngấu. Phùng mang ngướng cổ nuốt. Nước mắt tràn ra. Chiếc vé bánh khứ hồi đưa tôi trở lại tuổi thơ tôi. Cảm ơn lắm lắm.

Truyện ngắn Phạm Ngọc Tiến

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh