THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:57

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp Việt Nam với các đối tác phát triển

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị

 

Tham dự Hội nghị có đại diện của World Bank Việt Nam; đại diện Đại sứ quán các nước Đức, Úc, Anh, Canada; các tổ chức quốc tế ILO, KOICA, AFD, LuxDev, GIZ, UNESCO, FAO, VSEP, ActionAid, UNIDO, UNICEF Việt Nam; Lãnh đạo Tổng cục GDNN ...

Ông Trần Quốc Huy, Chánh Văn phòng đại diện cho Tổng cục GDNN đã trình bày khái quát về chức năng nhiệm vụ của Tổng cục GDNN được quy định tại Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17/2/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ LĐ-TB&XH; nội dung cơ bản của dự thảo Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025 và 10 giải pháp nhằm triển khai, thực hiện thành công Đề án bao gồm: Xây dựng các chuẩn trong hệ thống GDNN; Tăng cường tự chủ đối với cơ sở GDNN; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động GDNNTăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN; Đổi mới chương trình, tuyển sinh và tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả đào tạo; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý của cơ sở GDNN đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN; Thực hiện chuẩn hóa, tăng cường cơ sở vật chất thiết bị và các nguồn lực đảm bảo chất lượng GDNN; Tăng cường quản lý nhà nước đối với GDNN; Phát triển hệ thống quản lý chất lượng GDNN; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong GDNN; Nâng cao hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Tại Hội nghị, PGS.TS Cao Văn Sâm Phó, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN đã nêu những mục tiêu của GDNN Việt Nam giai đoạn 2017-2020 là “đảm bảo cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành, nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội”.

Thay mặt Tổng cục GDNN, PGS.TS Cao Văn Sâm trả lời, trao đổi các nội dung đối tác phát triển quan tâm đặt câu hỏi; khẳng định các bộ phận chuyên môn của Tổng cục GDNN sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác phát triển tổ chức những cuộc làm việc theo từng chuyên đề, nội dung cụ thể để góp phần hoàn thiện Đề án. Tổng Cục trưởng Cục GDNN cũng mong muốn các đối tác phát triển tiếp tục tăng cường hỗ trợ các nguồn lực và tăng các dự án cụ thể, đặc biệt là World Bank giúp Việt Nam nâng cao chất lượng GDNN.

Các đối tác phát triển cũng đã trao đổi cùng Tổng Cục GDNN để làm rõ thêm một số nội dung của Đề án như: việc xây dựng và ban hành chương trình đào tạo, việc kiểm định chất lượng, vấn đề tự chủ của cơ sở GDNN, sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo, việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, việc đào tạo nghề cho phụ nữ và người dân tộc thiểu số... Phần lớn các phát biểu của các đối tác phát triển đều thể hiện sự đồng tình với nội dung và các giải pháp được đề ra để đạt được mục tiêu của Đề án. Đặc biệt 2 giải pháp: Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN và Tăng cường tự chủ đối với cơ sở GDNN được các đối tác phát triển cho rằng là 2 giải pháp quan trọng mang tính quyết định đối với sự thành công của Đề án. Đại diện các đối tác phát triển của Việt Nam cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình triển khai các dự án về dạy nghề tại Việt Nam và khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN.


PHƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh