Chia sẻ kinh nghiệm làm báo hiện đại
- Tây Y
- 01:56 - 10/04/2019
Q. Tổng biên tập Nguyễn Trung Chính giới thiệu với đoàn nhà báo Hàn Quốc về mô hình tòa soạn hội tụ.
Làm việc với Báo Lao động và Xã hội, Đoàn công tác của Hội Nhà báo Hàn Quốc gồm có: ông Jung Kyu – Sung, Chủ tịch Hội Nhà báo Hàn Quốc; ông Cho Jaekil, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Hàn Quốc; ông Kwon Taehoon, Trưởng Ban Đề xuất cá nhân (Hội Nhà báo Hàn Quốc); ông Kim Dae Hwan, Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Daejeon – Chungnam; bà Kwon Eun Yee, Chủ tịch Chi hội nhà báo BBS; bà Song Sang Mi, Trưởng phòng thư ký Hội Nhà báo Hàn Quốc.
Đoàn Công tác của Hội nhà báo Hàn Quốc tìm hiểu các giải pháp phát triển của Báo Lao động và Xã hội
Tại buổi tiếp, hai bên chia sẻ những kinh nghiệm làm báo tại Việt Nam và Hàn Quốc.
Q. Tổng biên tập Nguyễn Trung Chính giới thiệu với đoàn công tác của Hội Nhà báo Hàn Quốc cơ cấu tổ chức cũng như mô hình tòa soạn hội tụ đang được triển khai tại Báo Lao động và Xã hội, báo Điện tử Dân sinh. Báo Lao động và Xã hội phát hành tuần 3 kỳ, phủ sóng toàn quốc đến tận cấp xã, phường. Hiện báo có lượng độc giả khá đông và tương đối ổn định. Các phóng viên của Báo đều được đào tạo bài bản tại các trường đào tạo báo chí chuyên nghiệp trong cả nước. “Báo LĐ&XH là một tờ báo mạnh trong làng báo về lĩnh vực an sinh xã hội, lao động- việc làm, đào tạo nghề… và Báo đã thể hiện được sứ mệnh của tờ báo ngành LĐ-TB&XH”, ông Nguyễn Trung Chính cho biết.
Q. Tổng biên tập Nguyễn Trung Chính chia sẻ kinh nghiệm làm báo.
Q. Tổng biên tập Báo Lao động và Xã hội cho hay, hiện sự cạnh tranh giữa các cơ quan báo ở Việt Nam là gay gắt. Để tồn tại và phát triển, Báo LĐ&XH phải tìm cho mình môt con đường riêng, rất đặc trưng để phát huy hết những thế mạnh cũng như thu hút độc giả. Ví dụ, gần đây ở Việt nam nổi lên vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em, nhiều tờ báo tại Việt Nam phản ánh đậm nét hiện tượng này. Báo LĐ&XH không đi sâu phản ánh chi tiết vụ việc hay mô tả nạn nhân, không giật gân để câu khách mà định hướng những tuyến bài, nhiều kỳ để đánh giá thực trạng, đưa ra tầm chiến lược cùng các giải pháp để giải quyết thấu đáo nạn xâm hại, bạo lực đối với trẻ em, bởi bảo vệ, chăm sóc trẻ em là một lĩnh vực hoạt động của ngành Lao động thương binh và xã hội. Chúng tôi phải có tiếng nói và cách làm của riêng mình để góp phần định hướng được dư luận xã hội, giúp các cơ quan nhà nước và mọi người dân cùng trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Là cơ quan ngôn luận của Bộ LĐ-TB&XH quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội… Báo Lao động và Xã hội luôn có những bài viết sâu về dạy nghề, việc làm, an sinh xã hội. Mỗi nhà báo đều là những chuyên gia trong các lĩnh vực mình phụ trách. Do vậy, khi cần tìm hiểu những thông tin về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, an sinh xã hội… độc giả sẽ tìm đến Báo LĐ&XH. "Ngoài ra, trước những khó khăn của báo giấy, nắm bắt được xu hướng của báo chí hiện đại, Báo Lao động và Xã hội cũng đã chủ trương đầu tư mạnh để phát triển báo điện tử Dân sinh. Nhờ đó, Báo duy trì, phát triển được lượng độc giả ngày một tăng và được xã hội đánh giá cao"- Q.Tổng biên tập Nguyễn Trung Chính cho biết.
Ông Jung Kyu – Sung, Chủ tịch Hội Nhà báo Hàn Quốc chia sẻ những kinh nghiệm hoạt động báo chí tại Hàn Quốc.
Ông Jung Kyu – Sung, Chủ tịch Hội Nhà báo Hàn Quốc đã chia sẻ một số kinh nghiệm hoạt động báo chí tại Hàn Quốc cũng như những khó khăn mà báo chí Hàn Quốc gặp phải. Ông Jung Kyu – Sung cho biết, tại Hàn Quốc, những người dân tầm tuổi 20 – 30 đã rất ít đọc báo giấy. Vì vậy, tương lai báo giấy ở Hàn Quốc cũng gặp rất nhiều khó khăn. Để tồn tại, báo giấy cũng phải có những đổi mới để thích nghi, phù hợp nhu cầu độc giả. "Hai nền báo chí giữa hai nước có những điểm tương đồng nên những kinh nghiệm hoạt động báo chí mà lãnh đạo Báo Lao động và Xã hội vừa chia sẻ rất có ích với chúng tôi"- Ông Jung Kyu – Sung cho biết.
Q.TBT Nguyễn Trung Chính và ông Jung Kyu - Sung đã chia sẻ những khó khăn, thuận lợi trong quá trình làm báo, đưa ra những điểm tương đồng và bày tỏ nguyện vọng sẵn sàng hợp tác trong hoạt động báo chí. Hai Hội Nhà báo Việt Nam - Hàn Quốc sẽ là cầu nối để tạo điều kiện cho các tờ báo của hai nước tiếp cận, tìm hiểu, hợp tác trên mọi lĩnh vực để ngày càng phát triển.
Đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và đoàn công tác của Hội nhà báo Hàn Quốc tại tòa soạn Báo Lao động và xã hội