Chỉ có 200 triệu, vợ chồng tôi vẫn mua được nhà ở Sài thành
- Y học 360
- 14:37 - 19/05/2016
- Vợ bất ngờ mang về 5 tỉ đồng đòi mua nhà lầu, tậu xe hơi
- Ông 'trùm' mua nhà, ôtô từ việc làm bằng giả tại Sài Gòn
- Vay mua nhà gói 30.000 tỷ sắp phải chịu lãi suất cao
- Gia đình có thu nhập dưới 10 triệu không có cơ hội tự mua nhà
- Được vay 80% giá trị hợp đồng khi mua nhà ở xã hội
- Trúng số độc đắc 33 tỉ đồng do... mua nhầm vé số
Dưới đây là chia sẻ của anh Hoàng Hải, 29 tuổi, nhân viên kỹ thuật máy tính về câu chuyện mua nhà của gia đình mình.
Vợ chồng tôi kết hôn cuối năm 2013. Lúc chuẩn bị cưới, hai đứa đã tiết kiệm được hơn 100 triệu sau mấy năm đi làm. Trước lúc cưới, cả hai đều rất muốn mua nhà nhưng số tiền ít quá nên đành tạm gác kế hoạch, chờ tiết kiệm thêm một thời gian nữa. Vì mục tiêu tiết kiệm mua nhà, chúng tôi chỉ làm một đám cưới đơn giản ở quê, một lễ báo hỷ nho nhỏ cho bạn bè và đồng nghiệp ở thành phố, chụp ảnh ngay tại Sài Gòn nên không hề tốn kém.
Sau đám cưới, bố mẹ cho chúng tôi một ít tiền mừng và vàng làm hồi môn. Quy ra tiền, vợ chồng có thêm khoảng 100 triệu nữa. Vậy là có hơn 200 triệu, chúng tôi lập tức khởi động kế hoạch mua nhà luôn, trước khi sinh con. Đương nhiên chỉ 200 triệu thì không mua bán được gì, phải đi vay mượn thêm. Với mức thu nhập khoảng 20-23 triệu/tháng (vợ tôi thu nhập khoảng 8 triệu, tôi khoảng 12-15 triệu, tùy từng tháng trực ngoài giờ nhiều hay ít), tôi dự trù nếu vay ngân hàng 500 triệu thì hàng tháng chúng tôi vẫn có dư khoảng 10 triệu để sống. Vì thế chúng tôi khoanh vùng tìm kiếm những căn nhà tầm 700 triệu trở xuống.
Chúng tôi muốn có nhà ở ngay, không quan trọng nhà mặt đất hay chung cư. Tuy nhiên, khi tìm nhà mặt đất, chúng tôi chỉ thấy những nhà cấp bốn trong hẻm sâu, giấy tờ viết tay hoặc chung sổ đỏ với vài ba hộ khác nên không dám mạo hiểm. Sau khi tìm hiểu căn hộ chung cư ở đủ các nơi như quận 12, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Bình Chánh, chúng tôi quyết định chọn mua căn hộ 59m2 tại Bình Tân, giá 730 triệu. Mặc dù từ đây vào trung tâm khá xa (vợ chồng tôi đều làm ở quận 1) nhưng chúng tôi đi đường Võ Văn Kiệt không bao giờ bị tắc nên chỉ mất khoảng 40 phút cho quãng đường tầm 14 - 15 km.
May mắn là chúng tôi vay mượn được bạn bè 150 triệu nên chỉ làm hồ sơ vay ngân hàng 380 triệu. Chúng tôi vay luôn ngân hàng do chủ đầu tư chung cư giới thiệu nên thủ tục không quá khó khăn, mức thu nhập của chúng tôi được chấp nhận. Trả tiền nhà hết 700 triệu (chúng tôi được giữ lại 5% đến khi nhận sổ đỏ mới phải trả nốt cho chủ đầu tư), chúng tôi vẫn còn 40 triệu đề phòng bất trắc.
Sợ khó khăn khi trả tiền mỗi tháng nên chúng tôi làm hồ sơ vay tiền trong 12 năm, lãi suất khoảng 10-11%/năm (chính xác là nửa năm đầu được khuyến mại nên chúng tôi chỉ phải trả mức 8%/năm. Sau đó, chúng tôi phải trả mức lãi suất thả nổi, bằng lãi suất huy động của ngân hàng cho tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng +3%). Tính ra mỗi tháng chúng tôi chỉ phải trả 2,65 triệu tiền gốc và tiền lãi lúc cao nhất là 3,5 triệu.
Sau khi trả ngân hàng, chúng tôi vẫn còn dư khoảng 14-17 triệu để chi tiêu hàng tháng, nhưng 2 vợ chồng chỉ tiêu hết khoảng 10 triệu, vậy là lại có ít tiền tiết kiệm. Vì đang vay nợ nên chúng tôi chưa vội mua sắm gì cho nhà mới, chỉ mang đồ dùng cũ từ nhà trọ về xài tiếp. Một lợi thế khi ở xa trung tâm là giá cả thực phẩm cũng như các dịch vụ khác đều khá rẻ. mỗi ngày Vợ tôi đi chợ gần nhà chỉ hết 100.000 đồng mà vẫn có thể nấu ăn ba bữa cho hai vợ chồng. Hôm nào lười nấu, chúng tôi ăn sáng gần nhà cũng rất rẻ, 10.000 đồng một phần bánh ướt, 15.000 đồng một tô hủ tiếu. Chúng tôi mang cơm trưa đi ăn, thỉnh thoảng mới ăn ngoài. Các dịch vụ như cắt tóc, rửa xe, sửa đồ… ở khu chúng tôi đều khá rẻ.
Tết 2015, tổng tiền thưởng Tết và lương tháng 13 của hai vợ chồng được hơn 60 triệu, cộng thêm khoản tiết kiệm hàng tháng, chúng tôi có 160 triệu. Chúng tôi trả bớt người quen 20 triệu, trả ngân hàng 130 triệu (chấp nhận bị phạt 2% trên khoản gốc trả sớm), chỉ giữ lại 10 triệu tiêu Tết. Vậy là sau một năm, khoản nợ ngân hàng của chúng tôi chỉ còn 220 triệu, khoản nợ người quen còn 130 triệu.
Giữa năm 2015, vợ tôi sinh con đầu lòng. Vợ tôi có hai bảo hiểm y tế (một bảo hiểm y tế của nhà nước, một của một hãng bảo hiểm do công ty mua thêm cho nhân viên) nên chúng tôi cũng không tốn quá nhiều chi phí cho ca sinh nở mà vẫn được hưởng dịch vụ tốt. Chúng tôi vẫn chưa phải dùng đến số tiền dự phòng 40 triệu của mình.
Mặc dù trong thời gian vợ tôi nghỉ sinh, cả nhà chỉ sống bằng thu nhập của tôi nhưng chúng tôi cũng không quá khó khăn: con bú sữa mẹ, quần áo, tã chủ yếu xin của người quen, bà ngoại lên trông cháu, hàng tuần lại về quê xách thực phẩm lên…). Cuối năm 2015, vợ tôi nhận tiền trợ cấp thai sản, cộng tiền thưởng Tết của hai vợ chồng, chúng tôi dồn 100 triệu trả bớt khoản gốc nợ ngân hàng. Vậy là sau Tết 2016, dư nợ của chúng tôi tại ngân hàng còn 90 triệu, khoản nợ người quen vẫn còn 130 triệu.
Sau Tết, chúng tôi vẫn làm việc, túc tắc trả ngân hàng. Dịp 30/4-1/5 vừa rồi, tôi có một khoản thưởng 10 triệu đồng, cộng thêm ít tiền chúng tôi tích lũy hàng tháng, tổng cộng được 30 triệu, chúng tôi đem trả ngân hàng, bây giờ dư nợ của gia đình chúng tôi tại ngân hàng chỉ còn khoảng 50 triệu.
Nếu cuộc sống cứ ổn định như hiện tại thì cuối năm nay chắc chắn chúng tôi sẽ trả xong khoản nợ ngân hàng và có thể trả cho người quen một phần.