CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:53

Gia đình có thu nhập dưới 10 triệu không có cơ hội tự mua nhà

 

Báo cáo cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu từ khu vực nông thôn hướng tới một nền kinh tế sản xuất có năng suất cao hơn và dựa vào dịch vụ sẽ thúc đẩy tăng dân số và gia tăng nhu cầu về nhà ở tại các thành phố. Tuy nhiên, chất lượng nhà ở của Việt Nam vẫn còn rất thấp, người dân vẫn còn nhiều khó khăn về nhà ở.

4,8 triệu hộ gia đình đang sống nghèo đói, khó khăn về nhà ở 

WB tính toán, tỷ lệ dân số đô thị tăng cao sẽ khiến các cơ quan quản lý đau đầu, dự kiến đạt 50% vào năm 2040, ước tính sẽ cần thêm khoảng 374.000 đơn vị nhà ở tại các thành phố mỗi năm để đáp ứng nhu cầu. Khi Việt Nam tiếp tục đô thị hóa nhanh chóng, cùng với việc các thành phố ngày càng đóng góp lớn vào tăng trưởng việc làm và GDP, thì việc cung cấp đủ nhà ở giá hợp lý là không thể thiếu trong các mục tiêu phát triển quốc gia. "Đô thị hóa đã được sử dụng như một công cụ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo ở nhiều nước trên thế giới, và nhà ở giá hợp lý sẽ là công cụ để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng năng suất và tăng trưởng đô thị cho mọi người ", báo cáo nêu rõ.

4,8 triệu hộ vẫn còn đang sống trong điều kiện nghèo đói, khó khăn về nhà ở 

Báo cáo đánh giá, gói kích thích 30.000 tỷ đồng bắt đầu từ năm 2012 đã giúp định hướng lại các đơn vị phát triển nhà và người cho vay sang thị trường nhà ở giá hợp lý dành cho người có thu nhập trung bình, là những người có nhu cầu sở hữu nhà ở thực sự. Luật Nhà ở sửa đổi, được thông qua vào năm 2015, đưa ra một khuôn khổ pháp lý vững chắc để cải cách, tập trung vào hỗ trợ nhà ở tự xây, thúc đẩy vai trò tích cực của khu vực tư nhân trong việc tạo nguồn cung nhà ở và giải quyết tình trạng thiếu nhà cho thuê giá hợp lý, đặc biệt là đối với người lao động trong các khu công nghiệp và sinh viên.

Tuy nhiên, chất lượng nhà ở của Việt Nam vẫn còn rất thấp, giá mua nhà lại cao, nên thực tế số hộ gia đình đang sống trong điều kiện khó khăn không phải là ít. Trong khi đó, phần lớn nhu cầu mới về nhà ở sẽ tập trung chỉ ở một vài thành phố lớn và các khu công nghiệp. Các vùng đồng bằng sông Hồng, xung quanh Hà Nội, và vùng Đông Nam Bộ, xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ chiếm khoảng 2/3 nhu cầu nhà ở mới. 

Theo đó, WB tính toán, với số hộ gia đình thành thị ước tính sẽ tăng từ 8,3 triệu hiện nay lên 10,1 triệu hộ vào năm 2020, do gia tăng dân số đô thị và giảm quy mô hộ gia đình ở thành thị với tỷ lệ 1,09% mỗi năm sẽ dẫn đến một sự thiếu hụt nhà ở trung bình hàng năm 374.000 căn nhà trong 5 năm tới. Đáng chú ý, nghiên cứu của WB cho thấy 40% những gia đình có thu nhập dưới 10 triệu đồng ở thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh không có cơ hội tự mua nhà. Chất lượng nhà ở của Việt Nam vẫn còn rất thấp, khi có gần 20% hộ gia đình ở Việt Nam, tương đương với 4,8 triệu hộ vẫn còn đang sống trong điều kiện nghèo đói, khó khăn về nhà ở.

“Mặc dù nhu cầu cao như vậy nhưng các giải pháp nhà ở chính thức vẫn nằm ngoài khả năng chi trả của người thu nhập thấp. Chỉ những người ở nhóm thu nhập cao nhất mới có đủ khả năng chi trả cho các căn hộ thương mại do các chủ dự án xây. Các căn hộ tiêu chuẩn vẫn nằm ngoài khả năng chi trả của các nhóm thu nhập thấp hơn, đặc biệt với 40% dân số ở phân khúc thu nhập thấp nhất”, WB nhận định.

Chính sách nhà ở chưa tập trung vào các hộ nghèo đô thị 

WB cho rằng, mức thuế đất của Việt Nam hiện đang rất thấp, góp phần gây ra tình trạng đầu cơ và giá đất ngày càng cao. Thuế đất chỉ chiếm 2-3% tổng nguồn thu của nhà nước do thuế suất quá thấp và việc định giá hơn giá thị trường của uỷ ban nhân dân các tỉnh trong khung giá đất. Điều đó làm giảm đáng kể nguồn thu để từ đó cung cấp dịch vụ, hạ tầng và vốn cho các chương trình công khác. 

40% gia đình có thu nhập dưới 10 triệu không có cơ hội mua nhà

Cũng theo WB, có khoảng hơn một chục chương trình nhà ở đang được thực hiện. Các chương trình nhà ở hiện tại đã có một số kết quả tích cực, tuy nhiên phần lớn các chương trình này đều vẫn đang trong giai đoạn thực hiện và kết quả chưa rõ ràng. Theo quan sát của WB, một vài chương trình phải rất khó khăn xoay sở mới nhận được nguồn tiền cần thiết để thực hiện. Các chương trình khác thì thực hiện với chi phí kinh tế cao và tốn kém cho Chính phủ. Cuối cùng, chính sách nhà ở còn chưa tập trung vào các hộ nghèo đô thị.

Sau khi thị trường hoá ngành bất động sản, đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu cơ đã tạo ra sự tăng trưởng trong lĩnh vực bất động sản, làm giá nhà đất tăng khá cao và tạo nên nguồn cung về thị phần nhà ở hạng sang, cuối cùng đã dẫn đến bong bóng bất động sản trong giai đoạn 2009- 2012. Với một đánh giá toàn diện về lĩnh vực bất động sản và lộ trình cho nhà ở giá hợp lý tại Việt Nam, WB khuyến nghị Chính phủ nên gia tăng và tái định hướng chi tiêu chính phủ trong lĩnh vực nhà ở.

Trong đó, tập trung vào các chương trình hỗ trợ và hướng tới hai nhóm thu nhập thấp nhất, các thành phố có tăng trưởng cao, nơi nhu cầu về nhà ở là cấp thiết nhất. Cùng với đó, WB cho rằng, chính phủ nên xây dựng Chương trình Nhà ở giá hợp lý Quốc gia, và đưa ra những can thiệp của chính phủ trong lĩnh vực nhà ở. Cùng với đó, nên ưu tiên cải cách cơ cấu để nâng cao khả năng quản trị trong lĩnh vực nhà ở và quản lý đất đô thị…

Thanh Nhung / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh