THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 01:33

ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn tại Chương trình toạ đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn tại Chương trình toạ đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”.

Chiều 13/2/2023, Bộ GD&ĐT giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Toạ đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”. Tọa đàm có sự tham dự của các nhà lãnh đạo, quản lý và chuyên gia giáo dục, chuyên gia công nghệ.

Trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là xu hướng mà đang ảnh hưởng sâu rộng đến các khía cạnh xã hội. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, học tập, đáp ứng sự phát triển xã hội, phục vụ cuộc sống con người tốt hơn. Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo định hình tương lai giáo dục của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI, gần đây là sự ra đời của chatGPT đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu và hiện đang là chủ đề thảo luận, nghiên cứu tại nhiều quốc gia trên thế giới, Bộ GD&ĐT và ngành Giáo dục đã chủ động tìm hiểu và nhận thức rõ cơ hội cũng như thách thức đặt ra của Chat GPT và AI đối với giáo dục, sẽ sớm có những nghiên cứu và hành động phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực, phát huy hiệu quả tác động tích cực của AI nói chung và ChatGPT nói riêng trong giáo dục.

Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trong những ngày qua, chúng ta chứng kiến sự hào hứng trong việc tiếp nhận, khai thác, sử dụng và truyền bá công cụ ChatGPT như một phát kiến rất lớn của con người.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Công nghệ thông tin (CNTT) trong nhiều thập kỷ qua đã mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích, sự ra đời của những công nghệ mới, công cụ mới đều giúp cho công việc trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn. Đặc biệt trong ngành Giáo dục, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả của giáo dục. Trong thời kỳ Covid-19, chúng ta chứng kiến sự thay đổi rất lớn trong việc chuyển từ học tập trực tiếp sang học tập trực tuyến, với nhiều công cụ hỗ trợ rất hữu hiệu.

“Trước kia, ngành giáo dục hay các nhà giáo có một đặc quyền là truyền bá tri thức, có câu nói “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Ngày nay, với ứng dụng khoa học công nghệ, vai trò người thầy chắc chắn sẽ không mất đi nhưng ngày một thay đổi. Đặc biệt, với sự ra đời của công nghệ đã giúp cho ngành Giáo dục đều có những bước tiến lớn”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, vai trò người thầy sẽ thay đổi nhưng thay đổi như thế nào để không chỉ là thích ứng mà còn đón đầu và còn để phát huy những lợi thế của công nghệ. Người học sẽ phải thay đổi như thế nào và chính sách của Nhà nước sẽ phải thay đổi, điều chỉnh ra sao để chúng ta tận dụng được những lợi thế và giảm thiểu những tác động tiêu cực, những mặt trái của công nghệ mang lại.

"Bộ GD&ĐT sẽ có những nghiên cứu thấu đáo, để từng bước rà soát và có những điều chỉnh về chính sách trong thời gian tới", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay.

THANH HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh