THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:21

Chất lượng nhân lực, nguy cơ thua ngay trên sân nhà

 

Xếp 11/12 nước khảo sát về chất lượng nhân lực

Cụ thể, WB đánh giá nhân lực Việt Nam yếu về chất lượng, thiếu năng động và sáng tạo, tác phong lao động công nghiệp kém. Trong tổng số hơn 53,4 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, chỉ có khoảng 49% qua đào tạo, trong đó qua đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên chỉ chiếm khoảng 19%. Chưa hết, theo WB, chỉ số cạnh tranh nguồn nhân lực của Việt Nam hiện mới chỉ đạt 3,39/10 điểm. Đây là dấu hiệu cho thấy, Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Trong tổng số hơn 53,4 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, chỉ có khoảng 49% qua đào tạo, trong đó qua đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên chỉ chiếm khoảng 19%. Ngoài ra, một bộ phận lớn người lao động hiện nay chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp, tùy tiện về giờ giấc và hành vi. Người lao động chưa được trang bị các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm làm việc.

Ảnh minh họa.  Nguồn ảnh: Internet.

Trong bối cảnh đó, việc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được mở ra vào cuối năm 2015, và Việt Nam vừa tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến cho thị trường lao động trong các khu vực ký kết dần trở nên đồng nhất với nhau. Điều này có nghĩa là trong tương lai gần, thị trường lao động sẽ không còn phân định biên giới lãnh thổ, các lao động có chuyên môn, được công nhận sẽ có cơ hội di chuyển, tìm kiếm việc làm theo khả năng, nhu cầu bản thân. AEC là một ví dụ. Các thoả thuận công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp… sẽ là những công cụ quan trọng cho việc tự do di chuyển lao động.

Về điều này, không chỉ khảo sát của WB đưa ra cảnh báo ngoại ngữ là rào cản của lao động Việt, mà ngay trong báo cáo của Navigos quý II/2016 đã chỉ ra, nhiều tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, gia súc gia cầm, thú nuôi ở Việt Nam có nhu cầu cao về tuyển dụng nhân sự, người Việt có thể cạnh tranh được với người Thái về mặt kỹ thuật, nhưng vì hạn chế về tiếng Anh nên đã để vuột mất cơ hội. Cuối cùng, nhiều nhân sự người Thái đã được điều chuyển sang Việt Nam để thế vào chỗ mà lẽ ra đấy là của người Việt. Báo cáo này cũng nhấn mạnh thêm một khía cạnh, các nhân sự người Thái sẵn sàng học thêm tiếng Việt để nâng cao sức cạnh tranh cho bản thân.

Do đó, WB lo ngại, “với thị trường mở như vậy, nếu người lao động Việt Nam không thích ứng được bằng cách hoàn thiện mình về kiến thức, tay nghề, trình độ ngoại ngữ thì sẽ không có cơ hội vươn ra tầm khu vực, thậm chí, còn có thể thua ngay trên sân nhà”.

Chuyên môn thấp, cản trở những cơ hội việc làm tốt

Hiện nay năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore; bằng 1/6 của Malaysia; bằng 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc. Các chuyên gia nhận định, trình độ tổ chức quản lý, quản trị doanh nghiệp còn yếu, cùng với hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp. Ngoài ra, tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong các ngành sản xuất và dịch vụ vẫn còn ở mức thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực. Điều này chỉ ra, thị trường lao động Việt Nam thiếu ổn định, việc làm chưa đầy đủ và bền vững, với năng suất lao động thấp. Nguồn lao động trẻ và dồi dào đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng trình độ kỹ năng và chuyên môn thấp của người lao động, lại cản trở Việt Nam nắm bắt những cơ hội về việc làm tốt. Trầm trọng hơn là sự chênh lệch giữa kỹ năng của hệ thống giáo dục, đào tạo trang bị cho người lao động và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Để giải quyết vấn đề này, theo các chuyên gia, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về lao động - việc làm. Bên cạnh đó, thúc đẩy việc chuyển dịch lao động khu vực phi chính thức vào khu vực chính thức, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển việc làm bền vững. “Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động là một thách thức, việc giảm tỷ lệ các chủ doanh nghiệp, tăng tỷ lệ lao động trong hộ gia đình sẽ có nguy cơ tăng việc làm dễ bị tổn thương. Do vậy cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khủng hoảng để tiếp tục tạo việc làm”, TS Lê Đăng Doanh khuyến nghị.

Theo đó, WB cho rằng, để tập trung vào nâng cao chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực, cần phải có những chính sách khuyến khích học sinh học nghề, tập trung tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, đổi mới đào tạo để có những kỹ năng mới, tiêu chuẩn mới đáp ứng thời kỳ hội nhập.

NGUYỄN THANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh