Chàng thủ khoa nghèo vượt khó 4 lần đoạt học bổng “đi Tây“
- Giáo dục nghề nghiệp
- 17:56 - 30/08/2016
Lần đầu nói chuyện với chàng thủ khoa sinh năm 1994, khoa Kinh tế và kinh doanh Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội Đinh Xuân Chung, quê ở xã Yên Trị, (huyện Yên Thủy, Hòa Bình) khiến tôi đi từ hết các bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ban đầu là thành tích học tập thuộc ‘hàng khủng’ với số điểm 3, 71. Chung còn trở thành 1 trong 2 sinh viên tiêu biểu của Việt Nam tham gia các chương trình: JENESYS 2.0 năm 2015, tại Nhật Bản, diễn đàn sinh viên Châu Á GPAC 2015 tại Đài Loan, chương trình giao lưu sinh viên Đông Nam Á “the Art Festival 2014” tại Malaysia. Bên cạnh đó chàng trai sinh năm 1994, còn sở hữu hàng loạt các học bổng nước ngoài như học bổng ShinnyyoEn 2012, 2013, Pony Chung năm 2015, học bổng tài năng Việt 2014 của tập đoàn IMG.
Đinh Xuân Chung mơ ước trở thành giảng viên đại học.
Không chỉ học giỏi, tốt nghiệp loại xuất sắc, Chung còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn trong và ngoài trường. Đinh Xuân Chung vinh dự trở thành 1 trong 100 thủ khoa xuất sắc năm 2016, được vinh danh tại Văn miếu Quốc Tử Giám.
Mới đây, trước khi nhận được tin tốt nghiệp thủ khoa, Chung và gia đình vỡ òa trong niềm vui khi nhận được tin Chung được học bổng toàn phần thạc sỹ tại Đại học Hàn Quốc.
Ăn mì tôm “rinh” học bổng nước ngoài
Khi nhìn bảng thành tích học tập của Chung, tôi không khỏi thán phục chàng trai trẻ có khuôn mặt hiền hiền, giọng nói trầm ấm. Nghe em kể về hoàn cảnh gia đình, tôi lại càng khâm phục nghị lực của em.
Sinh ra trong một gia đình hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có 5 anh chị em, cả hai bố mẹ đều đã ngoài 60 tuổi. Bố nhiễm chất độc màu da cam, tình trạng sức khỏe yếu, không có khả năng làm việc nặng. Chị gái bị bệnh động kinh, thường xuyên đau yếu, thuốc thang. Mẹ em phải bươn chải cuộc sống cho 7 người chỉ với vài xào ruộng, may rủi tùy trời. Gia đình khó khăn, 2 chị gái đầu lòng của Chung cũng đã phải nghỉ học từ năm lớp 6.
Sinh ra và lớn lên tại vùng trung du nghèo khó, Chung nói, mọi người thường bảo em kém may mắn khi bố và chị gái đều bị bệnh, nhưng em cảm thấy bản thân là người may mắn nhất trong nhà khi được dành hết nguồn lực để đi học, theo đuổi ước mơ của mình.
Ngay từ nhỏ, gia đình khó khăn, ngoài việc đi học, Chung thường phụ giúp mẹ việc nhà và đồng áng. Cuộc sống dường như muốn thử thách chàng trai nhiều hơn thế. Đã khó khăn nay lại càng khó hơn, khi em học lớp 9, thi đỗ vào trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình, cũng là lúc gia đình em cùng bấn nhất. Chị gái học lớp 11 thường xuyên đau yếu, mắc bệnh động kinh, tiền thuốc thang nhiều vô kể, sức khỏe của bố cũng sa sút. Ông nội em lại mù lòa cần chăm sóc. Để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình, mẹ Chung phải lên thành phố làm giúp việc.
Chung chia sẻ: “Đó thực sự là khoảng thời gian khó khăn nhất của em. Lúc đó em xin bố mẹ cho em học trường ở huyện gần nhà tiện chăm sóc bố và chị, lại đỡ tốn kém, nhưng mẹ em nhất định không đồng ý, động viên em theo học trường chuyên bằng được. Mẹ bảo em là niềm hy vọng của cả gia đình, nên có phải tha phương cầu thực mẹ cũng quyết cho em học hành tử tế”. Những giọt nước mắt chực trào ra khỏi mí mắt, chàng trai nghẹn giọng, Chung lại kể tiếp về những tháng ngày khó khăn: “Hồi ấy em gầy yếu, lại cũng hay ốm, sống xa nhà vất vả. Nhưng mỗi lần mệt em lại nghĩ đến bố mẹ mà cố gắng”. Mỗi tháng chỉ có vỏn vẹn 800.000 đồng để trang trải tiền học, tiền sinh hoạt, tiền nhà. Chung kể hóm hỉnh, “Ngày ấy, em toàn mua mì tôm về nấu ăn với cơm. Tính đi tính lại có mỗi món đấy là rẻ nhất, ăn vẫn thấy ngon mà quan trọng là no chị ạ”.
Nghĩ về cuộc sống vất vả, bà Nguyễn Thị Thọ, mẹ Chung nghẹn ngào: “Cuộc đời tôi đã khổ, thế nên dù có khó khăn thế nào đi nữa tôi cũng quyết tâm cho em nó học bằng được. Chỉ có cách đấy mới thay đổi được cuộc sống hiện tại”. Bà mẹ nghèo, mỗi năm chỉ chỉ được gặp con đúng 3 ngày tết, bà kể có những đêm nằm nhớ chồng, nhớ con mà khóc ướt đẫm gối.
Vào đại học, chàng trai vùng trung du không ngủ quên với chiến thắng, Chung càng nỗ lực hơn nữa với mục tiêu thay đổi tương lai, giúp đỡ gia đình.
Ngay từ năm nhất Chung đã đi làm gia sư, tự bươn chải kiếm tiền. Em lần mò khắp các quán sách cũ để tìm mua những quyển giáo trình, sách hay về học cho đỡ tốn kém. Em cũng tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc toàn khóa. Cũng bởi những cố gắng không ngừng nghỉ, Đinh Xuân Chung đã 3 lần được “xuất ngoại” trong các dự án cho thanh niên. Chung chia sẻ, qua những chuyến đi, em được học hỏi nhiều hơn.
Hiện Đinh Xuân Chung vừa nhận được học bổng toàn phần 2 năm học thạc sỹ tại đại học Hàn Quốc do tập đoàn Hyundai tài trợ.
Giấc mơ trở thành thầy giáo
Khi được hỏi về ước mơ nghề nghiệp trong tương lai, Đinh Xuân Chung cho biết, em mong ước trở thành môt giảng viên của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chung tâm sự, ước mơ này, không chỉ là của riêng em. Em muốn viết tiếp ước mơ của anh trai còn dang dở khi đã từ bỏ công việc giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, để đi làm kiếm tiền nuôi gia đình.
Khi tôi hỏi, liệu sau khi du học, Chung có còn mong muốn được trở về nước giảng dạy ở trường hay không? Chàng trai 22 tuổi cười: “Có chứ chị, trở thành giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội là mơ ước của em từ ngày cấp 3 và cũng là niềm mong mỏi của cả gia đình em nữa”.
Nói về động lực thôi thúc Đinh Xuân Chung không ngừng cố gắng, em tâm sự, chính gia đình, mẹ là nguồn động viên to lớn, vực em dậy mỗi lúc khó khăn.
Chia sẻ về phương pháp học hiệu quả, Đinh Xuân Chung cho biết, thời gian học hiệu quả nhất là vào buổi tối và sáng sớm. Ngoài ra, Chung còn tích cực tham gia các nhóm giao lưu với sinh viên quốc tế. Cũng bởi vậy mà Đinh Xuân Chung tự tin khẳng định bản thân trên các diễn đàn quốc tế lớn nhỏ.