Chặn từ gốc hàng lậu, hàng giả, hàng nhái
- Tây Y
- 21:05 - 01/10/2020
Cụ thể, theo Nghị định 98/2020 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10, tại Điều 15 quy định hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt tiền tương ứng với giá trị hàng hóa nhập lậu. Đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3 triệu đồng có thể bị phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đối với hàng hóa có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, có thể bị phạt từ 40 triệu đến 50 triệu đồng.
Mức phạt tiền gấp đôi nếu hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu. Tương tự là hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm; thuốc phòng bệnh và nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm; trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản...
Lâu nay, hình thức bán hàng "xách tay" – với danh nghĩa là hàng nhập từ nước ngoài không qua đường chính ngạch, đã "bùng nổ" trên mạng rất mạnh mẽ. Qua tìm hiểu thực tế, chỉ có một phần rất nhỏ trong số hàng hóa này thực sự là "hàng xách tay" từ nước ngoài về - dưới dạng quà tặng hoặc mua số lượng ít để sử dụng. Còn lại phần lớn là hàng giả, hàng dỏm, hàng nhái được gắn những nhãn hiệu hàng đầu thế giới, đa số có chất lượng rất kém. Những sản phẩm này được quảng cáo "nổ banh trời" và có nhiều món bán với giá "cắt cổ". Rất nhiều người tiêu dung đã bị lừa một cách "ngoạn mục"!
Hình thức bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái trên mạng diễn ra một cách công khai, nhưng vì luật trước đây còn những "kẽ hở" nên hầu hết những người hành nghề phi pháp này đều chưa bị trừng phạt.
Cũng liên quan tới việc quảng cáo sản phẩm, rất nhiều người tiêu dung thời gian qua đã "than trời" vì những tin nhắn rác gây cho họ rất nhiều phiền toái. Để dẹp bỏ vấn nạn này, từ ngày 1/10/2020, nghị định 91/2020 quy định mỗi người quảng cáo không được phép gửi quá 3 tin nhắn tới một số điện thoại, 3 thư điện tử quảng cáo tới một địa chỉ thư điện tử, 1 cuộc gọi điện thoại quảng cáo tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người sử dụng. Tin nhắn trong khoảng thời gian từ 7-22h mỗi ngày, gọi điện thoại quảng cáo từ 8h đến 17h trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người sử dụng. Người vi phạm điều khoản trên có thể bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.
Cũng theo Nghị định 91/2020, người dùng có 3 cách chặn tin nhắn, cuộc gọi rác gồm: phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (trên đầu số 5656), thư điện tử rác; từ chối nhận tin nhắn quảng cáo; đăng ký số điện thoại vào danh sách không quảng cáo. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, tổ chức thiết lập mạng viễn thông dùng riêng có trách nhiệm hướng dẫn, cung cấp cho người sử dụng các công cụ, ứng dụng để phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Luật pháp đang ngày một đầy đủ, rõ ràng và "kín kẽ" để bảo vệ người tiêu dung. Mong rằng trong quá trình thực thi, cơ quan chức năng cần vận dụng luật một cách chặt chẽ, minh bạch, nghiêm khắc để ngăn chặn được các vấn nạn tồn tại bấy lâu nay trên thị trường. Đó là điều mà đông đảo người tiêu dùng trên cả nước vẫn hằng mong đợi.