THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:01

Hơn 16.000 vụ buôn bán hàng giả, hàng nhái bị xử lý

 

Theo ông Trần Hùng, trong 10 tháng đầu năm 2015, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 16.876 vụ buôn bán hàng giả, hàng nhái; xử phạt 53,2 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm là 41,4 tỷ đồng.

"Việc đấu trang chống hàng giả, hàng nhái là thách thức lớn đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu ngày càng tinh vi, thủ đoạn, phức tạp. Nổi trội nhất là các mặt hàng cấm, có thuế suất tiêu thụ đặc biệt cao hoặc các mặt hàng như mỹ phẩm, thực phẩm, ma túy, pháo lậu, thuốc nổ..." - ông Hùng nhấn mạnh.

 

Nón bảo hiểm là một trong những hàng nhái "thịnh hành"

 

 Ông Ngô Bách Phong - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) TP.HCM cho rằng, việc hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng không còn là chuyện trên bàn hội nghị mà đã là nỗi lo thường trực của mọi gia đình trong cuộc sống hằng ngày. Đối với mọi nền kinh tế, hàng giả, hàng nhái và nhập lậu luôn là đối thủ hung ác làm rối loạn sự điều hành chung của nhà nước, gây thất thu ngân sách, đẩy các doanh nghiệp làm ăn chân chính tới bờ vực phá sản. Về mặt xã hội, lòng tin đối với hàng hóa có chất lượng, thương hiệu của doanh nghiệp làm ăn chân chính bị bào mòn. Việc này mọi nhà nước đều hiểu rõ và coi hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu như kẻ thù trực tiếp phải nhanh tay dẹp trừ.

 

Giỏ xách là một trong những sản phẩm nhái nhiều nhất tại các cửa hàng

 

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế và nhà sản xuất chân chính đều không hài lòng về mức độ xử lý người sản xuất, kinh doanh hoặc tiếp tay cho hàng gian, hàng giả. Ông Mạnh - chủ hàng kinh doanh mũ bảo hiểm ở Q.6 cho rằng, mức xử phạt của Nhà nước còn quá nhẹ, thậm chí qua loa, không đủ sức răn đe những kẻ vì lợi nhuận riêng mà không quan tâm đến sự an toàn của NTD, tới sự phát triển của xã hội. Luật của chúng ta cũng còn nhiều kẽ hở bị kẻ làm ăn gian dối lợi dụng. Người buôn bán chân chính nhiều khi biết hàng của mình bị làm giả nhưng cũng không dám lên tiếng, không dám chống hàng giả rầm rộ vì sợ chưa chống được hàng giả thì lại bị NTD quay lưng, tẩy chay...

Trước thực trạng hàng giả không chỉ được bán tại các cửa hàng nhỏ lẻ mà còn cả các siêu thị lớn, nghiêm trọng hơn, hàng giả dùng nhãn mác thật và có cả chỉ dẫn địa lý, ông Nguyễn Viết Hồng - Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển khoa học công nghệ Vina CHG đã đưa ra giải pháp bằng việc khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng tem thông minh ngay trên sản phẩm của mình. Với giải pháp tem thông minh Vinacheck, chỉ bằng việc dùng điện thoại quét mã vạch, thông tin sản phẩm sẽ hiện rõ trên điện thoại di động, giúp NTD có thể kiểm tra nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, phân biệt hàng thật giả, tra cứu lịch sử bảo hành, tính năng sản phẩm, chương trình khuyến mãi...

 Dịp này, Hiệp hội Chống hàng giả và thương hiệu Việt Nam kêu gọi cộng đồng, NTD bài trừ hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tăng cường đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các biện pháp chống hàng giả, triển khai đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; công bố và thực hiện tiêu chuẩn hợp quy - hợp chuẩn sản phẩm; thực hiện ghi nhãn hàng hóa hóa theo qui định.

Ngọc Thiện/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh