THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:59

Chân Sóng - Từ thơ đến nhạc


Đây không phải là sản phẩm âm nhạc đầu tiên mà nhạc sĩ Văn Phượng và nhà thơ Thanh Thảo hợp tác. Còn nhớ, ca khúc "Dung Quất thành phố con tàu" đã từng đoạt Giải C, Giải thưởng Hội NSVN và hợp xướng "Chân sóng" đã liên tiếp dành 2 giải thưởng danh giá là Huy chương Vàng Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc 2013. Giải Ba (không có giải Nhất, Nhì) Giải thưởng Hội NSVN năm 2012.

Vậy điều gì đã khiến Trường ca "Chân đất" và hợp xướng "Chân sóng" trở nên đặc biệt đến vậy? Mượn lời của nhà thơ Thanh Thảo để lý giải cho điều này: “Tôi viết Trường ca này để kính dâng quê hương Quảng Ngãi của tôi, kính dâng thầy má của con”.

Vậy ông đã viết gì trong "Chân sóng": “… Gạc Ma, từng ngọn sóng mênh mông giữa trùng khơi/ Từng quần đảo nghìn trùng xa xôi vẫn hiên ngang dáng hình Tổ quốc/ Trải qua bao bão giông gian nguy, kẻ thù luôn rắp tâm xâm lược, bao lớp người con vẫn giong buồm ra khơi vì đất mẹ…/ Có những người lính đảo đã chết theo vòng tròn và siết chặt tay nhau như một tràng hoa biển…/ Từ Hoàng Sa, từ Gạc Ma, những tràng hoa biển ấy dạt trôi về ôm chặt mẹ/ Chân sóng bắt đầu từ đó!”.  

Nhạc sĩ Văn Phượng chia sẻ: “Khi tôi đọc bài thơ này, tôi đã cảm nhận được ý nhạc trong đó. Không biết có phải là đồng cảm hay không, nhưng dường như ý nhạc đã được nhà thơ Thanh Thảo gợi lên trong từng câu chữ. Tôi đã chọn thể loại hợp xướng và sử dụng nhiều thủ pháp âm nhạc phù hợp để chắp cánh cho những vần thơ ấy được bay lên, tôn vinh và cổ vũ tinh thần yêu nước của dân tộc mình”.

Nhà thơ Thanh Thảo(bên trái) và Nhạc sĩ Văn Phượng.

Nhà thơ Thanh Thảo (bên trái) và Nhạc sĩ Văn Phượng


Hợp xướng "Chân sóng" gồm 3 chương. Chương 1 có tên "Mẹ và biển" được viết ở nhịp 6/8. Âm nhạc chương này sâu lắng, tiết tấu lúc vừa phải như những con sóng biển lặng nhưng có lúc cuộn trào như nỗi lòng người mẹ dõi theo, chờ đón những người con bám biển trở về. Và lớn hơn là hình ảnh mẹ Tổ quốc trước biển Đông sóng dữ của hàng ngàn năm lịch sử.

Chương 2 có tên "Biển gọi" viết ở nhịp 2/2 tiết tấu nhanh, sôi động với chất liệu âm nhạc dân gian đồng bằng Nam Trung bộ. Chương này vẽ nên bức tranh về một vùng biển đảo mà khi nghe ai cũng nhận ra huyện đảo Lý Sơn ở Quảng Ngãi, nơi đầu sóng ngọn gió với những ngư dân quả cảm từ hàng trăm năm trước. Cho đến nay, những người con của biển vẫn vươn khơi bám biển, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

"Chương cuối cùng là "Chân sóng", viết ở nhịp 2/4. Đây là chương có chất liệu âm nhạc mang tính bi hùng và cũng là chương mà tôi tâm đắc nhất", NS Văn Phượng bày tỏ.

Nhạc sĩ Văn Phượng.

Nhạc sĩ Văn Phượng


Giai điệu và ca từ của hợp xướng "Chân sóng" đã nói lên tình cảm thiêng liêng của nhà thơ Thanh Thảo và NS Văn Phượng đối với vùng biển, đảo mà từ xưa, lớp lớp cha ông ta đã khai phá, đã hy sinh xương máu để gìn giữ cho đến ngày hôm nay. NS Văn Phượng thổ lộ: “Có những đêm, viết được một đoạn nhạc ưng ý là nước mắt mình lại rơi. Những ca từ đầy bi hùng của nhà thơ Thanh Thảo đã làm rung động trái tim tôi”.

GS.NS Thế Bảo, nguyên Ủy viên BCH Hội NS Việt Nam, nguyên Hội đồng lý luận văn học nghệ thuật Trung ương nhận xét: “NS Văn Phượng rất có công trong việc chuyển một bài thơ về biển đảo về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa của nhà thơ Thanh Thảo thành tác phẩm hợp xướng rất bề thế, tạo sự xúc động lớn. Tác phẩm này là sự hòa quyện giữa âm nhạc và thơ rất tốt. Chứng tỏ sự đồng cảm của tác giả rất lớn. Cả người làm thơ và người làm nhạc có niềm xúc động lớn trước những vấn đề về biển đảo mà gần như người dân Quảng Ngãi nào cũng rất tự hào về mảnh đất Lý Sơn, về những người đã tiên phong trong việc mở mang và giữ vững bờ cõi là Hoàng Sa, Trường Sa từ hàng thế kỷ trước cho đến ngày nay.

Ảnh bìa CD hợp xướng Chân sóng của nhà thơ Thanh Thảo và nhạc sĩ Văn Phượng.

Ảnh bìa CD hợp xướng "Chân sóng" của nhà thơ Thanh Thảo và nhạc sĩ Văn Phượng


NS Văn Phượng là người không những nắm vững về sáng tác giai điệu ngôn ngữ âm nhạc mà còn phân bố được tất cả các bè, các giọng để 3 chương trong tác phẩm hợp xướng "Chân sóng" có sự tôn vinh lẫn nhau, tạo nên sự xúc động cho người nghe. Điều này đòi hỏi người nghệ sĩ phải có tay nghề rất cao và phải có một sự xúc động rất lớn, có sự am hiểu về nghệ thuật hát của đơn ca cho đến sự phối hợp giữa các bè để tạo nên một bài hát lớn”, GS.NS Thế Bảo cho biết thêm.

“… Con nào biết mẹ bạc đầu vì biển/ Mỗi làn sóng như một dải khăn tang/ Con nào biết mẹ đau vì biển/ Đau vì thiếu biển/ Đau vì thừa biển/ Đau vì biển thiếu con mình/ Đau vì biển thừa hy sinh/ Những mộ gió những hình nhân phơ phất/ Những hải trình dài suốt mấy trăm năm/ Những Bãi Cát Vàng san hô mê hoặc/ Những phận người bó chiếu giữa mông mênh/ Chỉ thế thôi nhưng mẹ ơi còn biển/ Là còn những chuyến đi không hẹn ngày về/ Nhưng mẹ ơi còn con trai trong bụng/ Là mẹ đẻ hết ra cho chúng giong khơi…”.

Trong "Chân sóng", Thanh Thảo đã viết về người mẹ như vậy. Chỉ có tấm lòng người mẹ mới bao la và sâu thẳm đến vậy. Như ông đã từng tâm sự: “… Viết về mẹ luôn là điều thiêng liêng nhất”. Chính vì lẽ đó, ông đã dành những lời thơ như kể chuyện về những người mẹ ở Lý Sơn, những người mẹ mang trong mình thiên chức sinh nở, để những đứa con cứ thế nối tiếp nhau, lớn lên, vượt trùng khơi ra giữ đảo.

Nhà thơ Thanh Thảo.

Nhà thơ Thanh Thảo


Thanh Thảo là con độc nhất trong gia đình nhưng ông cũng từng phải “giong buồm” xa mẹ để đi học lúc còn rất nhỏ: “Lên tám tuổi lần đầu nhìn thấy biển/ Lần đầu đi biển/ Ói mật xanh mật vàng/ Biển mênh mang/ Tôi nhỏ bé/ Những thủy thủ tàu Ba Lan dồi tôi như quả bóng nhẹ/ Họ cười mà tôi khóc”.

Sau này, khi vượt Trường Sơn để vào Nam chiến đấu, ông vẫn ước mơ được thấy biển và sẵn sàng chết vì biển: “… Nhiều năm sau tôi không nhìn thấy biển/ Dù có “vượt trên đỉnh cao Trường Sơn”/ Cũng không nhìn thấy biển/ Suốt thời ấy biển với chúng tôi là tận cùng cuộc chiến/ Một là được trở về với biển/ Hai là không bao giờ/ Chỉ thế thôi”.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã từng nhận xét về “Chân sóng” của Thanh Thảo: Ở “Chân sóng”, những câu thơ đau đớn của Thanh Thảo như những vết bầm giập trên cơ thể đất nước làm chúng ta xúc động: Lặng im như đá mồ côi/ Họ dạy anh tình yêu không lời/ Không thể thiếu Hoàng Sa/ Không thể sống thiếu biển/ Anh yêu biển mà anh đứng trên bờ/ Anh yêu nước mà không biết bơi/ Làm sao anh hiểu/ Có những người lính đảo/ Trần lưng trước mưa đạn quân thù”.

Trong cuộc viễn du vào miền ngôn ngữ cách tân, có khi người làm thơ cảm thấy mình đang bay vào cái vùng bóng tối riêng của một miền ánh sáng để nhìn ngược lại vùng thực tại chúng ta đang sống. Trên cái đường biên mập mờ hai chiều tối - sáng ấy, chúng ta sẽ có những phát hiện mới về các giác cảm, về không gian, thời gian, sự tồn tại của con người. Và ở trong vùng tối thẳm sâu vô thức ấy, những câu thơ chợt đến như một giấc mơ và một mình nó làm một cuộc viễn du vượt ra khỏi mọi thể chế về ngôn ngữ để độc hành trong sáng tạo.

"Dù tìm tòi, cách tân kiểu nào đi nữa thì thơ Thanh Thảo vẫn là một dòng nội tâm đậm đặc những suy tư trằn trọc với đời sống này, quê hương này, lớp người này, tâm thế này và trong một đêm sâu nào đó, dưới một bầu trời sao nào đó hoặc trong một ngày nắng chói chang nào đó, bên một bát khoai khô nấu mật, bên một người mẹ gầy như ban mai… vẫn còn thao thức một Thanh Thảo luôn canh cánh trước những bần hàn, nghèo khó của quê hương", nhà thơ Nguyễn Viết Chiến viết. 

Đông Hải

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh