THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:19

Chân dung Chủ tịch Quốc hội Việt Nam qua các thời kỳ (1946 - nay)

1. Đồng chí Nguyễn Văn Tố (02/3/1946 - 8/11/1946)


Ngày sinh: 05/06/1889

Ngày mất: 7/10/1947
Quê quán: Hà Đông (nay thuộc Hà Nội)

- Thuở nhỏ ông học chữ Hán, sau sang Pháp học đỗ bằng Thành Chung (Trung học). Về nước ông làm việc tại trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội, chuyên về văn học cổ Việt Nam. Ông từng làm Hội trưởng hội Trí Tri, Hội truyền bá chữ Quốc ngữ trước năm 1945.

- Sau Cách mạng tháng Tám, ông giữ chức Bộ trưởng Cứu tế Xã hội trong chính phủ lâm thời. Ông là Đại biểu Quốc hội, Trưởng ban thường trực Quốc hội khóa I,Quốc vụ khanh trong Chính phủ Liên hiệp quốc dân.

- Sau ngày toàn quốc kháng chiến (ngày 19 tháng 12 năm 1946, ông cùng Chính phủ rút lên Việt Bắc tiếp tục kháng chiến chống Pháp. Ngày 7 tháng 10 năm 1947, trong 1 cuộc tấn công chớp nhoáng của quân đội Pháp vào chiến khu trong chiến dịch Việt Bắc, ông bị bắt, bị tra khảo và bị giết tại Bắc Cạn.

- Nguyễn Văn Tố nghiên cứu các vấn đề văn hóa, văn học, lịch sử; ông viết bài bằng tiếng Việt, tiếng Pháp, đăng trên tạp chí của Viện Viễn Đông Bác Cổ (BEFEO), của Hội Trí tri (“Kỉ yếu của Hội Trí tri Bắc Kỳ”), “Tập san Trí tri”, “Đông Thanh”, “Tương lai Bắc Kỳ”, “Tri Tân”. Nhiều công trình khảo cứu sử học (“Đại Nam dật sử”, “Sử ta so với sử Tàu”, “Có nhà tiền Lý không?”, “Những ông nghè triều Lê”, “Đồ thờ của ta”, “Vết tích thành Đại La”, …), khảo cứu văn học sử và văn bản học (“Việt Nam văn học sử”, Bàn qua về “Việt Nam thi văn hợp tuyển”, “Hạnh thục ca”, “Tài liệu để đính chính những bài văn cổ”, “Tra nghĩa chữ Nho”, …) đã gây được tiếng vang rộng lớn. Ông thực sự là một chiến sĩ yêu nước chân chính, uyên bác, có những cống hiến xuất sắc cho nền văn hiến dân tộc nửa đầu thế kỷ XX.

- Tên ông được đặt cho 1 trường ở Khu 9 Nam Bộ trong những năm kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954). Trường Nguyễn Văn Tố rất nổi tiếng vì đã có công đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Nhiều cán bộ lãnh đạo Nhà nước Việt Nam hiện nay có xuất thân từ trường này.

- Ngày nay còn có nhiều ngôi trường mang tên ông tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

 

2. Đồng chí Bùi Bằng Đoàn (09/11/1946 - 19/9/1955)


Ngày sinh: 19/9/1889

Ngày mất: 1955
Quê quán: Làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội)

- Năm 1906 ông đỗ cử nhân, sau được bổ làm quan Chánh án tỉnh Bắc Ninh; Tuần phủ các tỉnh Cao Bằng, Ninh Bình; rồi làm đến Thượng thư bộ Hình của triều đình Huế, trong nội các của Phạm Quỳnh, tước Thái tử Thiếu bảo.

- Ngày 6 tháng 1 năm 1945 ông trúng cử đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Đông, đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cử ông làm thanh tra đặc biệt của Chính phủ.

- Năm 1946, ông được bầu là đại biểu Quốc hội khoá I, được cử vào Ban Thường trực Quốc hội.

- Ngày 8 tháng 11 năm 1946, ông được cử làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội thay cho ông Nguyễn Văn Tố.

- Năm 1947-1948, ông hoạt động ở Việt Bắc.

- Tháng 8 năm 1948 ông bị bệnh bán thân bất toại ở Việt Bắc, Hồ Chủ tịch ra lệnh đưa ông về liên khu 3, trong thời gian bệnh ông vẫn theo dõi tin tức và đóng góp ý kiến. Do ông phải đi chữa bệnh ở xa, ông Tôn Đức Thắng được cử giữ chức Quyền Trưởng Ban Thường trực Quốc hội.

- Hòa bình lập lại ông về Hà Nội dưỡng bệnh. Năm 1955, ông mất tại Hà Nội.

3. Đồng chí Tôn Đức Thắng (20/09/1955 - 8/5/1960)

Bí danh: Thoại Sơn
Ngày sinh: 20/8/1888
Ngày mất: 30-3-1980
Quê quán: xã Mỹ Hoà Hưng, Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang
TÓM TẮT QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC
Từ 1906-1909: Học Trường Kĩ nghệ Viễn Đông, làm công nhân Nhà máy Ba Son của hải quân Pháp ở Sài Gòn.

Từ 1912-1914: Tham gia lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Xưởng Ba Son. Sau đó sang Pháp làm thợ máy cho một đơn vị hải quân Pháp.

Năm 1919: Kéo cờ đỏ trên chiến hạm Phờ - răng – xơ để ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga, tham gia cuộc binh biến của chiến sĩ Pháp ở Hắc Hải.

Năm 1920: Về nước lập Công hội bí mật ở Sài Gòn. Đây là tổ chức Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam.

8/1925: Tổ chức và lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son. Cuộc đấu tranh này đã đánh dấu sự trưởng thành của phong trào công nhân từ “Tự phát” sang “Tự giác”.

Năm 1927: Tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Là Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ Nam kỳ và trực tiếp lãnh đạo phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn. 

Từ 1928: Bị địch bắt, bị đưa ra Côn Đảo với án tù 20 năm khổ sai. Lập chi bộ nhà tù lãnh đạo anh em trong tù đấu tranh, được Xứ uỷ Nam Kỳ thừa nhận là chi bộ đặc biệt và là đảng viên từ đó. Năm 1930 đã gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Côn Đảo.

Từ 1945: Ở Côn Đảo trở về Nam Bộ làm Uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ phụ trách về vấn đề lương thực và vũ khí.

Từ 1946: Trúng cử là đại biểu Quốc hội và tham gia phái đoàn Quốc hội sang Pháp.

Từ 2/1951: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Việt Nam bầu đồng chí vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được bầu là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt.

Từ 1946-1955: Đồng chí giữ cương vị Phó ban Thường trực Quốc hội, Quyền Trưởng ban (1948-1955) rồi Trưởng ban Thường trực Quốc hội (1955-1960), tương đương Chủ tịch Quốc hội sau này.

9/1960: Tại Đại hội Đảng lần thứ III được bầu làm Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

23/9/1969: Được bầu giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Từ 12/1976 đến 1980: Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV (12-1976) của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương.

30-3-1980: Đồng chí qua đời tại Hà Nội.

4. Đồng chí Trường Chinh (7/1960 - 7/1981)

Họ và tên: Đặng Xuân Khu
Ngày sinh: 09/02/1907
Ngày mất: 30-9-1988
Quê quán: Làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định

- Năm 1925, đồng chí tham gia cuộc vận động đòi đế quốc Pháp ân xá cho nhà yêu nước Phan Bội Châu và năm 1926, đồng chí là một trong những người lãnh đạo cuộc bãi khóa để truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh ở Nam Định.

- Năm 1927, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương.

- Năm 1929, đồng chí tham gia cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương ở Bắc Kỳ.

- Năm 1930, đồng chí được chỉ định vào Ban Tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm đó, đồng chí bị đế quốc bắt và kết án 12 năm tù cấm cố, đày đi Sơn La.

- Cuối năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận Nhân dân Pháp và do phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Namđòi quyền tự do dân chủ và thả chính trị phạm, đồng chí được trả lại tự do.

- Từ cuối năm 1936 đến năm 1939, đồng chí là ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ và đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương trong ủy ban Mặt trận Dân chủ Bắc Kỳ.

- Năm 1940, đồng chí là chủ bút báo “Giải Phóng”, cơ quan của Xứ ủy Bắc Kỳ. Tại Hội nghị lần thứ 7 của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

- Năm 1941, tại Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương, Trưởng ban Tuyên huấn kiêm chủ bút báo “Cờ Giải phóng” và “Tạp chí Cộng sản”, cơ quan Trung ương của Đảng, Trưởng ban Công vận Trung ương.

- Tháng 8 năm 1945, đồng chí được Hội nghị toàn quốc của Đảng cử phụ trách Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.

- Năm 1951, tại Đại hội lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (ở Đại hội này, Đảng Cộng sản Đông Dương được đổi tên là Đảng Lao động Việt Nam) đến tháng 10-1956.

- Năm 1958, đồng chí làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước.

- Năm 1960, tại Đại hội lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác Quốc hội và công tác tư tưởng của Đảng.

- Năm 1976, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ở Đại hội này, Đảng Lao động Việt Nam được đổi tên là Đảng Cộng sản Việt Nam). Đồng chí là ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương và Trưởng ban Lý luận của Trung ương.

- Năm 1976, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ủy ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa II (1960 - 1964), khóa III (1964 - 1971), khóa IV (1971 - 1975), khóa V (1975 - 1976), khóa VI (1976 - 1981), khóa VII (1981 - 1987). Từ khóa II đến khóa VI, đồng chí làm Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Năm 1981, đồng chí được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Năm 1982, tại Đại hội lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và là ủy viên Bộ Chính trị.

- Tháng 7-1986, tại Hội nghị đặc biệt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí được bầu lại làm Tổng Bí thư của Đảng.

- Tháng 12-1986, tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Trưởng ban soạn thảo Cương lĩnh và Chiến lược kinh tế kiêm Trưởng Tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh của Đảng.

- Đồng chí từ trần ngày 30-9-1988 tại Hà Nội.

5. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (7/1981 - 6/1987)

 

 

Ngày sinh: 10/7/1910

Ngày mất: 1996

Quê quán: Chợ Lớn, Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh)

- Năm 1930, ông học luật tại Pháp và trở về nước năm 1933. Hành nghề luật sư khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ, ông luôn bảo vệ người dân vô tội trước tòa án thực dân.

- Năm 1947, ông đã vận động các luật sư, kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, nhà giáo, nhà báo... ký tên vào bản Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn gửi Chính phủ Pháp, đòi Chính phủ Pháp đàm phán với Chính phủ Việt Nam do Việt Minh lãnh đạo.

- Năm 1948, ông tham gia Mặt trận Liên Việt và năm sau được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông hoạt động trong phong trào trí thức và bị Pháp bắt tháng 6 năm 1950, bị giam ở Lai Châu rồi Sơn Tây cho đến tháng 11 năm 1952. Sau đó ông tham gia phong trào đấu tranh hợp pháp, đòi hòa bình ở Sài Gòn - Chợ Lớn, là Phó chủ tịch Phong trào hòa bình Sài Gòn-Chợ Lớn.

- Năm 1954, ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt và bị giam tại Phú Yên. Khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập ngày 20 tháng 12 năm 1960, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang bị quản thúc tại Phú Yên. Sau cuộc giải thoát thành công vào cuối tháng 11 năm 1961, luật sư Nguyễn Hữu Thọ về đến bắc Tây Ninh. Tháng 2 năm 1962 Đại hội lần thứ I Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được tổ chức và luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch.

- Khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam được thành lập vào tháng 6 năm 1969, ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng cố vấn.

- Năm 1976, ông được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam thống nhất.

- Tháng 4 năm 1980, sau khi Chủ tịch nước Việt Nam Tôn Đức Thắng qua đời, ông làm Quyền Chủ tịch nước cho đến tháng 7 năm 1981.

- Năm 1981, ông là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cho đến năm 1987, rồi Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tại Đại hội năm 1988. Ông giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước khóa VII, VIII.

- Ông được thưởng Huân chương Sao vàng năm 1993.

- Ông qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1996.

6. Đồng chí Lê Quang Đạo (6/1987 - 9/1992)

Họ và tên: Nguyễn Đức Nguyện
Bí danh: Nho Mẫn, Minh, Miện, Đăng, Trần Hoạt
Ngày sinh: 08/08/1921
Quê quán: Xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh
TÓM TẮT QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC
- Từ 1938 đến 1945: Đoàn viên thanh niên dân chủ ở Hà Nội; Tham gia thanh niên phản đế; Bí thư chi bộ xã; Uỷ viên Ban cán sự tỉnh Bắc Ninh; Bí thư Ban cán sự tỉnh Bắc Ninh; Phúc Yên, Xứ uỷ viên Xứ uỷ Bắc Kỳ; Bí thư Ban cán sự Hà Nội; Bí thư Thành uỷ Hải Phòng.

- Từ 5/1946 đến 1950 : Xứ uỷ viên Bắc Kỳ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Phó Bí thư Khu uỷ đặc biệt Hà Nội (khu XI); Bí thư Liên tỉnh uỷ Hà Nội-Hà Đông; Phó ban Tuyên truyền của Trung ương Đảng.

- Từ 9/1950 : Phụ trách tuyên huấn chiến dịch biên giới; Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Phong hàm Thiếu tướng năm 1958.

- Từ 9/1960 : Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng được bầu vào Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ 1972 là Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

- Từ 12/1976 : Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Ban Bí thư.Trung tướng năm 1974.

- Từ 1978 : Làm Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội.

- Từ 3/1982 : Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Ban Bí thư và được phân công phụ trách Khối dân vận.

- Từ 12/1986 : Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng

- Từ 1987 đến 1992 : Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

7. Đồng chí Nông Đức Mạnh (9/1992 - 27/6/2001)



 

Ngày sinh: 11/09/1940

Quê quán: Xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Cạn
Dân tộc: Tày
Tôn giáo: Không

Năm 1958 đồng chí Nông Đức Mạnh bắt đầu tham gia cách mạng. Từ năm 1958 đến năm 1961 học trường Trung cấp Nông lâm Trung ương Hà Nội. 

Từ năm 1962-1963 là công nhân lâm nghiệp thuộc Ty Lâm nghiệp Bắc Cạn. Ngày 5/7/1963 đồng chí gia nhập Đảng Lao động Việt Nam.

Từ 1964 – 1966 là kỹ thuật viên điều tra quy hoạch rừng Ty Lâm nghiệp Bắc Cạn, Đội phó đội khai thác gỗ Bạch Thông. 

Từ 1966-1971 đồng chí là sinh viên Học viện Lâm nghiệp Lêningrat (Liên Xô). Sau khi tốt nghiệp về nước, đồng chí được phân công giữ chức Phó Ban thanh tra Ty Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái từ 1972-1973. 

Từ năm 1973-1974 đồng chí được bổ nhiệm làm Giám đốc Lâm trường Phú Lương (tỉnh Bắc Thái). 

Từ 1974-1976 đồng chí là học viên trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh). 

Từ năm 1976-1980 là Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng Ty Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái kiêm Chủ nhiệm Công ty xây dựng lâm nghiệp, sau đó là Trưởng Ty Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái. Từ năm 1980 đến năm 1983 được bầu là Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Thái. Từ năm 1984 đến tháng 10-1986 đồng chí được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Thái. 

Tháng 11-1986, đồng chí là Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Thái. 

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 3-1989 tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khoá VI) đồng chí được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 

Tháng 8/1989 đồng chí được phân công làm Trưởng ban Dân tộc Trung ương. Tháng 11/1989, đồng chí được bầu bổ sung đại biểu Quốc hội khoá VIII và được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. 

Tháng 6/1991 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Uỷ viên Bộ Chính trị. Tháng 9/1992 đồng chí được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khoá IX. 

Tháng 6-1996 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu lại làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị. Tháng 9-1997 đồng chí được bầu lại làm Chủ tịch Quốc hội khoá X. Tháng 1/1998, đồng chí được bầu làm Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị. 

Tháng 4-2001, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

8. Đồng chí Nguyễn Văn An (27/6/2001 - 27/6/2006)

Ngày sinh: 01/10/1937
Quê quán: xã Mỹ Tân, ngoại thành NamĐịnh, tỉnh Nam Định
TÓM TẮT QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC
- 1954-1960: Công nhân điện Nhà máy điện Hà Nội.

- 1961-1967: Học nghiệp vụ trong nước 2 năm, sau là sinh viên Trường đại học Bách khoa Donesk (Liên Xô, nay thuộc Ukraina) 5 năm.

- 1967-1969: Về nước công tác ở Công ty điện lực Hà Nội.

- 1970-1972: Công tác ở Sở Điện III (Nam Định).

- 1972-1973: Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty điện Nam Hà, Tỉnh uỷ viên dự khuyết Tỉnh ủy Nam Hà.

- 1974-1976: Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ tỉnh Nam Hà. Học ở Trường đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (khóa VII).

- Tháng 8/1976-1980: Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Nam Ninh, phụ trách công nghiệp, sau làm Bí thư Thành uỷ Nam Định.

- Tháng 11/1980: Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Ninh.

- Tháng 4/1981: được bầu làm Đại biểu Quốc hội khoá VII, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế - Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội.

- Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3 năm 1982) được bầu làm Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam Ninh (1982-1987).

- Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12 năm 1986) được bầu Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

- Tháng 9/1987: Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6 năm 1991) được bầu là Uỷ viên BCHTƯ Đảng, tiếp tục làm Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

- Tháng 7/1996: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII được bầu vào BCHTƯ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

- Tháng 4/2001: tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, được bầu vào BCHTƯ, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng.

- Ngày 27 tháng 6 năm 2001: tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá X, được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam.

9. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng (Từ 27/6/2006 - 23/7/2011)

Ngày sinh: 14/04/1944
Quê quán: Xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội.
Tôn giáo: Không
Chức vụ: 
- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa VII, VIII, IX, X, XI
- Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X, XI; tham gia Thường trực Bộ Chính trị (8/1999-4/2001)
- Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh
- Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII.
- Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI
Trình lý luận chính trị: Cao cấp
Trình độ học vấn: Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành xây dựng Đảng); Ngữ văn.

1957 - 1963: Học sinh trường phổ thông cấp II, cấp III Nguyễn Gia Thiều, Gia Lâm, Hà Nội.

1963 - 1967: Sinh viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội

12/1967 - 7/1968: Cán bộ Phòng Tư liệu Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản)

7/1968 - 8/1977: Cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản. Đi thực tập ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (1971), Bí thư Chi đoàn cơ quan Tạp chí Cộng sản (1969-1973).

8/1973 - 4/1976: Nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế - Chính trị Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), Chi ủy viên.

5/1976 - 8/1980: Cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản, Phó Bí thư Chi bộ.

9/1980 - 8/1981: Học Nga văn tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.

9/1981 - 7/1983: Thực tập sinh và bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Khoa Xây dựng Đảng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô.

8/1983 - 2/1989: Phó Trưởng ban Xây dựng Đảng (10/1983), Trưởng ban Xây dựng Đảng Tạp chí Cộng sản (9/1987); Phó Bí thư Đảng ủy (7/1985-12/1988), Bí thư Đảng ủy cơ quan Tạp chí Cộng sản (12/1988-12/1991).

3/1989 - 4/1990: Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản.

5/1990 - 7/1991: Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.

8/1991 - 8/1996: Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.

1/1994 đến nay: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa VII, VIII, IX, X, XI.

8/1996 - 2/1998: Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Trưởng ban Cán sự đại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội

12/1997 đến nay: Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa VIII, IX, X, XI.

2/1998 - 1/2000: Phụ trách công tác tư tưởng-văn hóa và khoa giáo của Đảng.

8/1999 - 4/2001: Thường trực Bộ Chính trị

3/1998 - 8/2006: Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng (11/2001-8/2006).

1/2000 - 6/2006: Bí thư Thành ủy Hà Nội các khóa XII, XIII, XIV.

2/2002 đến nay: Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII.

6/2006 đến nay: Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh.

6/2006 – 7/2011: Chủ tịch Quốc hội.

19/1/2011: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, đồng chí đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI.

27/1/2016: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đồng chí đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.

10. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng (Từ 23/7/2011 - nay)

 

Ngày sinh: 18/01/1946
Quê quán: Xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
Tôn giáo: Không
Chức vụ: 
- Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII, IX, X, XI
- Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI
- Đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XII, XIII
- Chủ tịch Quốc hội khóa XIII
Trình lý luận chính trị: Cao cấp
Trình độ học vấn: Tiến sĩ kinh tế

9/1966-12/1970: Sinh viên trường Đại học Tài chính kế toán Hà Nội.

1/1972- 12/1977: Cán bộ Ngân hàng Kiến thiết Trung ương, Bộ Tài chính.

1/1978-9/1982: Nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Kinh tế Các Mác- Bungari.

10/1982- 10/1986: Phụ trách phòng Tổng hợp rồi Trưởng phòng Tổng hợp, Phó Vụ trưởng, sau là Vụ trưởng Vụ Đầu tư xây dựng cơ bản, Bộ Tài chính.

10/1986-1/1990: Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ khối Kinh tế Trung ương.

2/1990-9/1992: Cục trưởng Cục Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính.

10/1992-11/1996: Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Cơ quan Bộ Tài chính.

Từ 11/1996-6/2006: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Tại Đại hôi đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Đại biểu Quốc hội khóa X, XI

Tại Đại hôi đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị

Từ 7/ 2006 đến nay: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ; đại biểu Quốc hội khóa XII, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị; đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Tháng 7/2011, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, đồng chí đã được bầu là Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

(Nguồn tư liệu: dangcongsan.vn, quochoi.vn)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh