CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:28

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước,Thủ tướng sẽ tuyên thệ nhậm chức

Vào kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội XIV tới đây (tháng 7/2016), Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao sẽ thực hiện việc tuyên thệ nhậm chức theo quy định (ảnh: Việt Hưng).

Đây là vấn đề mới được ghi nhận trong Hiến pháp và được cụ thể hoá trong Nội quy kỳ họp Quốc hội lần sửa đổi này. Theo đó, Chủ tịch nước với tư cách là Nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu nhà nước và 3 chức danh đại diện cho các khối cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp nói trên ngay sau khi được bầu phải thực hiện việc tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, Nội quy kỳ họp đã cho bổ sung một điều mới quy định về việc người tuyên thệ quyết định nội dung tuyên thệ phù hợp với trách nhiệm được giao. Người tuyên thệ phải đứng tuyên thệ trước Quốc kỳ, thời gian tuyên thệ không quá 3 phút.

“Siết” quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội

Nội quy kỳ họp sửa đổi cũng có nhiều quy định để đảm bảo việc thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội như dự họp đầy đủ, vắng mặt 3 ngày liên tiếp phải xin phép Chủ tịch Quốc hội…

Cụ thể, Quốc hội thống nhất quy định, khi không thể tham dự kỳ họp hoặc vắng mặt tại kỳ họp từ 3 ngày làm việc liên tục trở lên vì lý do chính đáng thì đại biểu phải báo cáo xin phép Chủ tịch Quốc hội.

Trong trường hợp đại biểu Quốc hội phải tham gia các hoạt động như thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua hoặc thực hiện nhiệm vụ khác mà không thể tham gia phiên họp toàn thể, họp tổ hoặc Đoàn đại biểu Quốc hội thì đại biểu chỉ cần báo cáo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Tổng thư ký Quốc hội để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội.

Liên quan đến nội dung này, trong các phiên thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội cho phù hợp với đặc thù Việt Nam là có 2/3 đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, không nên quản lý đại biểu Quốc hội theo cách hành chính bằng việc báo cáo, xin phép khi vắng mặt.

Ý kiến khác cho rằng cần làm rõ quy định đại biểu Quốc hội phải báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định trong trường hợp vắng mặt tại kỳ họp 3 ngày liên tục hay 3 ngày ngắt quãng? Có ý kiến đề nghị bổ sung chế tài đối với đại biểu Quốc hội trong trường hợp vắng mặt nhiều ngày mà không được sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội để nâng cao trách nhiệm của đại biểu.

UB Thường vụ Quốc hội giải trình, theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể, họp tổ, họp đoàn đại biểu Quốc hội và các phiên họp khác và thảo luận, biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

Lý lẽ được nêu ra là việc đại biểu Quốc hội vắng mặt nhiều tại hội trường trong các phiên họp là vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội cũng như cử tri, nhân dân cả nước không mong muốn.

UB Thường vụ Quốc hội cũng hồi âm ý kiến đề nghị quy định công dân được dự thính tất cả các phiên họp công khai của Quốc hội và giao Tổng thư ký Quốc hội quy định việc công dân vào thăm quan nhà Quốc hội, dự thính Quốc hội họp.

Theo đó, dự thảo nội quy kỳ họp Quốc hội lần này được sửa đổi theo tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vào tham quan nhà Quốc hội, dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội một mặt nhằm nâng cao hiểu biết của người dân, mặt khác tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội.

Việc công dân được vào dự thính tại các kỳ họp Quốc hội là một việc làm mới đối với Quốc hội Việt Nam, nên cần thực hiện và rút kinh nghiệm để có điều chỉnh cho phù hợp. Vì vậy, dự thảo nội quy quy định giao Tổng thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp của Quốc hội.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, nội quy kỳ họp cũng đã bỏ quy định Tổng thư ký Quốc hội “quyết định thông tin, tài liệu kỳ họp được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng” .

Với đề nghị cần tăng tính tranh luận, hạn chế tham luận trong các phiên họp toàn thể,  UB Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ chỉ đạo việc bố trí cách thức để đại biểu Quốc hội đăng ký tranh luận trực tiếp khi thảo luận.

Liên quan đến việc biểu quyết tại phiên họp toàn thể, báo cáo tiếp thu giải trình không đề cập đến đề nghị công khai danh tính khi biểu quyết của nhiều đại biểu. UB Thường vụ Quốc hội chỉ giải trình, Luật Tổ chức Quốc hội quy định có hai hình thức biểu quyết là biểu quyết công khai và bỏ phiếu kín.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, thực tế hiện nay, ngoài hình thức giơ tay và bỏ phiếu kín, Quốc hội còn đang thực hiện hình thức biểu quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Đây là một hình thức biểu quyết phù hợp với đặc điểm hoạt động của Quốc hội nước ta, được áp dụng thực tiễn trong nhiều nhiệm kỳ qua.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh