CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:23

Chăm sóc sức khỏe tâm thần: Phải đặc biệt quan tâm và có chiến lược đúng

Nhiều chuyên gia cho rằng, khả năng rất lớn là người chồng có vấn đề về tâm thần. Qua những vụ trọng án trên, có thể thấy, hậu quả do người tâm thần gây ra là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, vấn đề sức khỏe tâm thần lại chưa được quan tâm đúng mức. 

10% dân số bị rối nhiễu tâm trí

Theo các chuyên gia y tế, hiện nay, số người bị rối nhiễu tâm trí ở Việt Nam ước tính khoảng 10% dân số, tương đương gần 9 triệu người, trong đó số người tâm thần nặng khoảng 200.000 người; số người tâm thần có xu hướng gia tăng đặc biệt là các thành phố, đô thị lớn.Vì vậy, việc trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí là một thách thức lớn và là gánh nặng đối với cộng đồng và toàn xã hội, cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội.

Theo PGS, TS Trần Văn Cường, Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam: Rối loạn tâm thần chiếm tỷ lệ cao trong nhân dân, tỷ lệ bệnh có khác nhau theo từng nhóm tuổi, giới tính và nghề nghiệp, chủng tộc và ở mỗi quốc gia khác nhau. Vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em đặc biệt là tự kỷ, tăng động, giảm chú ý ngày càng gia tăng đáng kể. Theo thống kê của Khoa Tâm thần (Bệnh viện Nhi Trung ương), số bệnh nhân đến khám năm 2008 có 450 trẻ; năm 2009 là 950 trẻ; năm 2010 là 1.972 trẻ; năm 2012 là 2.200 trẻ trong đó rối loạn tự kỷ gặp ở trẻ trai nhiều gấp 4 – 6 lần trẻ gái.

Bệnh nhân tâm thần cần được quan tâm chăm sóc đặc biệt.

Vấn đề sức khỏe tâm thần người già (sa sút trí tuệ) cũng là những vấn đề đang được xã hội quan tâm. Dự tính đến năm 2030, gần 1/3 dân số thế giới vào độ tuổi 60 (tức là trong vòng 30 năm nữa) mỗi ngày trên thế giới có thêm 2.000 người bị mất trí.

Theo bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, người bình thường trong suốt cuộc đời có ít nhất một hoặc nhiều triệu chứng tâm thần.

Những triệu chứng này làm tổn hại não bộ, tổn hại thần kinh, nó chỉ đạo con người. Nếu bộ não chỉ đạo sai, hành vi sai dẫn đến phạm tội, thậm chí cướp của giết người. Chính vì vậy, người dân cần sớm nhận biết triệu chứng về sức khỏe tâm thần để đưa người bệnh đến cơ sở tâm thần điều trị.

Khó thu hút nhân lực cho chuyên ngành tâm thần

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020... Sau 4 năm triển khai, hiện cả nước đã có 31 trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí.

Một số tỉnh, thành phố đã thí điểm xây dựng mô hình lao động trị liệu và phục hồi chức năng luân phiên cho người tâm thần nặng, mô hình kết hợp tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ công tác xã hội với điều trị y tế đề phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí... Tuy nhiên, cùng với kết quả đã đạt được, quá trình triển khai Đề án cũng đã bộc lộ nhiều điểm tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Mạng lưới các cơ sở hiện nay thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; nhiều cơ sở chưa phân loại đối tượng, chưa phân khu chăm sóc và phục hồi chức năng cho đối tượng hợp lý; cơ sở thiếu các dịch vụ tư vấn, trị liệu tâm lý, lao động trị liệu, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và trợ giúp các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng...

Hiện nay, điều trị bệnh nhân tâm thần phân liệt đang đi theo hướng ngày càng lấy bệnh nhân làm trung tâm, phối hợp hiệu quả với các chuyên ngành khác nâng cao hiệu quả quản lý, điều trị. Tuy nhiên,  theo bác sĩ La Đức Cương, trong việc điều trị cho bệnh nhân tâm thần hiện nay gặp phải một số khó khăn. Cụ thể là khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực (hiện nay thiếu 300 bác sĩ tâm thần); thiếu cơ sở chuyên khoa tâm thần chuyên biệt để điều trị cho bệnh nhân nội trú, ngoại trú, đặc biệt là tuyên truyền phổ biến kiến thức về sức khỏe tâm thần; hầu hết mọi người chưa thấu hiểu hết sức khỏe tâm thần, khó khăn xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội đối với người bệnh cũng như trở ngại trong việc hồi phục và tái hòa nhập cộng đồng. Chính vì vậy, trong thời gian tới cần phải có đủ nguồn nhân lực để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bệnh tâm thần và nâng chất lượng sức khỏe tâm thần cho nhân dân từ việc lồng ghép vào hoạt động của trạm y tế xã, phường tới củng cố mạng lưới cán bộ chuyên khoa tâm thần trung tâm y tế quận, huyện.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định: Công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần luôn được ngành y tế đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần. Hiện số người bị rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng và nếu không được phát hiện sớm, điều trị, quản lý đúng hướng, kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả  nặng nề cho chính bản thân người bệnh, gia đình và cả xã hội.

Việc phát hiện sớm, điều trị tốt sẽ ngăn chặn được sự gia tăng tội phạm, trong đó có tội phạm giết người... Để phát hiện sớm, quản lý và điều trị kịp thời mang lại quyền lợi thiết thực cho cả người mắc bệnh trong bối cảnh nhân lực về sức khỏe tâm thần ở nước ta còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực, rất cần có một chiến lược dài hạn và tổng thể. Chính vì vậy, việc xây dựng Chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016 – 2025 là cần thiết và quan trọng.

Các chuyên gia cũng cho rằng vấn đề về sức khỏe tâm thần cần phải được quan tâm hơn nữa như có chính sách ưu tiên trong đào tạo nguồn nhân lực; cần có Luật Sức khỏe Tâm thần và đơn vị chuyên trách về sức khỏe tâm thần tại Bộ Y tế. Ngay cạnh Việt Nam là Lào, Thái Lan đều có Cục Sức khỏe tâm thần giải quyết nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần.

 

Dự thảo Chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016 – 2025 với mục tiêu chung là nâng cao sức khỏe tâm thần, dự phòng các rối loạn tâm thần, đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế và xã hội hiệu quả và công bằng, thúc đẩy sự hồi phục, bảo vệ quyền con người, giảm bệnh tật, tử vong, và tàn tật cho người có các rối loạn tâm thần.

5 mục tiêu cụ thể bao gồm tăng cường lãnh đạo, điều hành, phối hợp liên ngành của chính quyền các cấp và huy động xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần; tăng cường dịch vụ y tế và xã hội toàn diện, lồng ghép, dựa vào cộng đồng cho người có rối loạn tâm thần; tăng cường công tác nâng cao sức khỏe tâm thần và dự phòng các rối loạn sức khỏe tâm thần cho nhân dân; đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế và xã hội theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển trong chăm sóc sức khoẻ tâm thần và củng cố năng lực và tính hiệu quả của nguồn nhân lực sức khỏe tâm thần về dự phòng, giám sát, phát hiện, điều trị, quản lý, phục hồi chức năng và hỗ trợ xã hội đối với rối loạn tâm thần.

THÁI AN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh