Chăm lo tốt hơn cho người có công với cách mạng
- Tra cứu phẫu thuật
- 13:51 - 28/04/2015
* PV: Thưa Bộ trưởng, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã luôn quan đã quan tâm, chăm sóc NCC với cách mạng. Bộ trưởng có thể cho biết rõ hơn về những hoạt động nhằm tri ân những NCC với cách mạng, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh?
- Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Trong 40 năm qua, Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và gia đình người có công (NCC) với nước. Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng các chính sách ưu đãi NCC không ngừng được hoàn thiện theo hướng diện ưu đãi ngày càng được mở rộng, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi từng bước được nâng lên, cao hơn mức lương tối thiểu chung và luôn ở mức cao nhất trong các chính sách xã hội. Nhiều chủ trương, quan điểm ưu đãi đã được thể chế hóa trong Hiến pháp, luật pháp, Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải chuyền thăm hỏi, động viên thương bệnh binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Lạng Giang (Bắc Giang)
Hiện Việt Nam có khoảng 10% dân số (8,8 triệu người) là NCC với cách mạng, trong đó có gần 1,5 triệu người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Đây là một sự cố gắng lớn của Đảng, Nhà nước trong điều kiện kinh tế chưa phát triển. Tuy nhiên, số tiền trợ cấp cũng mới chỉ góp phần cải thiện một phần đời sống của NCC, song về mặt tinh thần, ý nghĩa của việc tri ân là rất lớn. Điều này chứng minh Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự đóng góp xương máu của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh và những người thân của họ.
Bên cạnh đó, các chế độ chính sách đối với NCC ngày càng được hoàn thiện, bám sát thực tế cuộc sống. Hệ thống cơ sở sự nghiệp, các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng luân phiên thương binh, NCC được sửa chữa, được hiện đại hóa với nhiều tiện nghi. Phong trào toàn dân chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng không ngừng được phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Việc xây dựng xã/phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và NCC đã trở thành phong trào và được các cấp ủy Đảng, chính quyền đưa vào kế hoạch phấn đấu của địa phương, cơ sở. Hiện cả nước đã có 98% xã/phường được công nhận là xã/phường làm tốt công tác này.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thăm NCC tại Trung tâm điều dưỡng luân phiên NCC tỉnh Quảng Bình.
* Thưa Bộ trưởng, tới đây, cần thực hiện những giải pháp gì để tất cả NCC trong cả nước có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú?
- Để đạt được mục tiêu chăm lo đối tượng NCC, đảm bảo tất cả NCC và hộ gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống dân cư nơi cư trú, chúng ta có 3 nguồn: Thứ nhất là nguồn lực từ chính sách ưu đãi của Nhà nước - nguồn lực quyết định nhất. Thứ hai là huy động từ cộng đồng, các tổ chức, cá nhân tham gia cùng Nhà nước chăm sóc các đối tượng người có công. Thứ ba là có một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ để bản thân người có công tự phấn đấu để thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo tốt hơn cuộc sống của mình.
Hiện nay, các chính sách ưu đãi đối với NCC bao phủ hầu hết các lĩnh vực đời sống người có NCC. Chế độ trợ cấp, ưu đãi hàng tháng được điều chỉnh đồng bộ với tiền lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội đã từng bước cải thiện, ổn định đời sống NCC với cách mạng. Các văn bản pháp luật về ưu đãi NCC đã thể chế hóa được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NCC; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để chính sách đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận xã hội cao, góp phần bảo đảm công bằng xã hội.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đến thăm, tặng quà Tết trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng
Hằng năm, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện chính sách trợ cấp ưu đãi; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp để phục vụ thương binh, thân nhân liệt sỹ và NCC; thực hiện các chính sách ưu đãi về giáo dục, đào tạo, miễn giảm thuế, cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe, chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình NCC…
* Xin Bộ trưởng cho biết rõ hơn về việc giải quyết chế độ chính sách cho NCC mất hồ sơ gốc, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin?
- Đây không chỉ là nỗi băn khoăn của NCC mà là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của mỗi chúng ta với họ, đặc biệt là cơ quan tham mưu và triển khai thực hiện chính sách đối với NCC. Chiến tranh đã lùi xa 40 năm nhưng có những trường hợp NCC tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến nay chưa được giải quyết chế độ vì không còn hồ sơ gốc.
Thương binh, bệnh binh Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên thắp hương tri ân tại Đài liệt sĩ Bắc Sơn (Hà Nội).
Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ Quốc phòng có Kế hoạch số 611/KH-LĐTBXH ngày 3/3/2009 để giải quyết những trường hợp không còn hồ sơ gốc; ban hành Thông tư số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Thông qua đó, đã giải quyết được hàng nghìn trường hợp. Tuy nhiên, số đã được giải quyết so với số cần giải quyết còn nhiều bất cập. Để thực hiện tốt vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng Thông tư hướng dẫn tiếp tục giải quyết các hồ sơ tồn đọng.
Về vấn đề xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, thực tế nhiều hài cốt liệt sĩ đến nay vẫn chưa xác định được danh tính, đây là nỗi buồn không chỉ của gia đình liệt sĩ mà cả đất nước. Trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH là làm sao để thân nhân của các liệt sĩ sớm xác định được danh tính của liệt sĩ. Để làm được việc đó, Bộ LĐ-TB&XH đã có Đề án xác định ADN cho các liệt sĩ chưa xác định được danh tính trên cơ sở lấy mẫu của hài cốt liệt sĩ và lấy mẫu của thân nhân. Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ đang phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Viện khoa học Việt Nam triển khai thực hiện. Với tinh thần tích cực nhất, những trường hợp liệt sĩ nào được xác định danh tính thành công, Bộ sẽ sớm công bố tới gia đình, thân nhân liệt sĩ.
Thương binh Đào Ngọc Phúc (giữa) là tấm gương làm kinh tế giỏi ở Hòa Bình, đang dạy nghề cho học viên.
* Làm tốt công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” là củng cố nền móng sức mạnh Việt Nam. Vậy, trong thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH sẽ triển khai những công việc cụ thể nào để chăm lo đời sống NCC ngày càng tốt hơn, thưa Bộ trưởng?
- Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai cụ thể từng phần việc.
Cụ thể: Công tác tuyên truyền tiếp tục được triển khai sâu rộng, đặc biệt là ở các xã, phường, thị trấn, khu dân cư với mục tiêu đạt được “4 biết” với người dân: biết về chương trình tổng rà soát; biết thời gian kết thúc chương trình; biết địa chỉ phản ánh, thông tin; biết địa điểm niêm yết danh sách và thời gian niêm yết. Theo đó, công việc trọng tâm trong năm 2015 là rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng của địa phương, tổng hợp các đối tượng, rà soát theo 4 danh sách: Những NCC đã được hưởng đúng và đầy đủ chính sách; những NCC chưa được hưởng đầy đủ chính sách; những đối tượng hưởng sai chính sách; những đối tượng kê khai là NCC nhưng chưa được xác nhận, chưa được hưởng chính sách. Tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng qua tổng rà soát. Việc xử lý các tồn đọng trong thực hiện chính sách cũng sẽ được thực hiện theo các hướng cụ thể.
Tiếp tục hoàn thiện các chế độ, chính sách về NCC. Trong những năm qua, hệ thống văn bản chính sách ưu đãi NCC tuy đã được nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi nhưng vẫn chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống. Việc hoàn thiện chính sách để NCC có cuộc sống vật chất và tinh thần cao hơn mức trung bình của dân nơi cư trú là điều cần phải làm thường xuyên và rộng khắp.
Việc xã hội hóa công tác chăm sóc NCC cần tiếp tục đẩy mạnh. Trong những việc chúng ta chủ trương xã hội hóa thì đây là lĩnh vực có đầy đủ điều kiện để xã hội hóa thành công nhất. Trong mỗi con người Việt Nam, tình cảm trân trọng, biết ơn các anh hùng, liệt sĩ luôn luôn hiển hiện; chỉ cần biết khơi gợi, động viên là quần chúng hưởng ứng tích cực. Đấy có thể là góp tiền để xây nhà tình nghĩa, sửa sang, nâng cấp nghĩa trang; có thể là góp công chăm sóc các Mẹ VNAH; thương bệnh binh, những người bị nhiễm chất độc da cam. Sức mạnh vật chất và tinh thần trong nhân dân lớn lắm, nhất là huy động để thực hiện chính sách đối với NCC.
Cuối cùng, cần đẩy mạnh giáo dục và tạo điều kiện để thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc ý nghĩa lớn lao của việc “Đền ơn, đáp nghĩa”.
Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiếp tục trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng; phối hợp với các cơ quan liên quan để thúc đẩy tiến độ thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Tiếp tục chỉ đạo ứng dụng rộng rãi, đồng bộ công nghệ thông tin trong công tác quản lý, thực hiện chính sách ưu đãi NCC; củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm chính sách, bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu công tác NCC, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, chính sách, chế độ ưu đãi đối với NCC.
* Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng !
Trong những năm qua, cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa gần 1.500 tỷ đồng, xây mới trên 55.600 ngôi nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 39.000 ngôi nhà với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Cả nước hiện có 80.000 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước - Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đến nay, gần 6.000 Mẹ còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng tới cuối đời. Các Bà mẹ VNAH tự hào về con cháu và hài lòng với cuộc sống hôm nay. |
Nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NCC, đáp ứng nguyện vọng của NCC và toàn xã hội, kiên quyết khắc phục các thiếu sót, chậm trễ trong việc thực hiện đầy đủ chính sách cho NCC và tiếp tục hoàn thiện chính sách NCC theo các đối tượng khác nhau, Bộ LĐ-TB&XH và Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã xây dựng Chương trình phối hợp tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng trong 2 năm 2014-2015 theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến 12/1/2015 đã có 59/63 tỉnh/thành phố và Bộ Công an báo cáo, kết quả cụ thể: Tổng rà soát trên 1,9 triệu đối tượng, trong đó: 95,39% hưởng đúng, đủ chế độ chính sách; 4,47% hưởng chưa đầy đủ chế độ chính sách và 0,09% hưởng sai chế độ, chính sách. |