CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:26

Cha mẹ cần làm gương để xây dựng nhân cách cho trẻ

 

Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam cho rằng, vấn đề bạo lực xâm hại trẻ em là vấn nạn toàn cầu và Châu Á Thái Bình Dương là khu vực có tỉ lệ trẻ em bị bạo lực xâm hại cao, ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 2.000 trẻ em bị bạo lực xâm hại nghiêm trọng cần hỗ trợ với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Những vụ bạo lực xảy ra trong gia đình và trường học, trong đó phần lớn là từ người thân trong gia đình. Tính chất các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em với nhiều độ tuổi, xảy ra ngay trong môi trường gia đình, trường học do nhiều đối tượng gây ra, trong đó có cả chính người thân trong gia đình, giáo viên hoặc bạn bè trong trường học…

Ông Nam khẳng định, Việt Nam cam kết giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em với việc ban hành hệ thống pháp luật và chính sách nhằm phòng ngừa và chấm dứt bạo lực, xâm hại trẻ em.

Vở kịch phòng chống bạo lực trẻ em do các em nhỏ tỉnh Quảng Nam trình diễn. 

 

Trong số những nguyên nhân dẫn đến bạo lực trẻ em, theo Phó Cục trưởng Cục trẻ em Nguyễn Thị Nga có nguyên nhân phụ huynh bạo lực với con để giải tỏa bức xúc do áp lực công việc, cuộc sống. Điều này liên quan đến kỹ năng làm cha mẹ chưa được cung cấp đầy đủ. Bà Nga cho biết, có những địa phương mạnh dạn lên tiếng tố giác bạo hành, xâm hại trẻ em để nhận tư vấn từ tổng đài quốc gia 18001567 nhưng vẫn có trẻ em hoặc những người chứng kiến các vụ bạo hành trẻ em không mạnh dạn lên tiếng cơ quan chức năng.

“Thời gian qua, có nhiều vụ việc liên quan đến bạo lực trẻ em nhờ sự vào cuộc của cơ quan thông tấn báo chí và sau đó cơ quan chức năng điều tra xử lý nghiêm. Truyền thông mang tính tích cực tác động đến quan niệm của các gia đình: “Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”; không im lặng trước những vụ bạo lực trẻ em sẽ có tác động tích cực đến việc thay đổi nhận thức giáo dục con của các gia đình”, bà Nga cho hay.

PGS.TS Trần Thu Hương, chuyên gia tâm lý, Giảng viên trường ĐH KHXH&NV Hà Nội cho biết, một nghiên cứu từ 2016 của Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho thấy có 17% trẻ bị cha mẹ trừng phạt khi mắc lỗi như đánh hoặc mắng, trong đó có 2,5% trẻ bị cha mẹ trừng phạt một cách rất vô cớ. Trong học đường có 26,3% học sinh bị thầy cô trừng phạt ở các hình thức khác nhau như cốc đầu, véo tai. Con số trên cho thấy bạo lực trẻ em không phải bây giờ mới có, gắn liền với hành vi bạo lực gây hấn, nhằm đe dọa người khác như một hành vi bản năng. Vì thế, PGS.TS Trần Thu Hương cho rằng: “Cần phải triển khai nhiều hành động để chấm dứt bạo lực trẻ em vì hệ quả của bạo lực trẻ em trong gia đình, nhà trường rất nặng nề. Việc bạo lực sẽ là tác nhân lớn gây ra lệch lạc nhân cách trẻ em. Nó làm thay đổi cả một cuộc đời của một con người, đây là vấn đề hết sức quan trọng để giải quyết tình trạng này một cách triệt để. Qua quan sát cho thấy trẻ em bị bạo lực ở gia đình sẽ gây bạo lực nhiều trong xã hội và trong trường học. Vì thế phòng chống bạo lực trẻ em ở gia đình sẽ giúp ta làm tốt phòng tốt bạo lực học đường”.

Ông Dương Văn Bá, Phó vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) cũng cho rằng, cần phải triển khai nhiều hoạt động để chấm dứt bạo lực trẻ em. Về giải quyết những vấn đề “bức xúc” của học sinh hiện nay trong các nhà trường, sắp tới trong tháng 12 sẽ ban hành một thông tư hướng dẫn công tác tư vấn tâm lí trong trường học. Đồng thời công tác tư vấn tâm lí đó, sẽ cũng tính toán chuyện phải kể cả tâm lí cho giáo viên, cán bộ nhà trường để giải quyết tốt mối quan hệ và xử lý các tình huống trong nhà trường. Tất cả việc bạo lực học đường đều xuất phát từ nhiều nguyên nhân và cách làm quan trọng nhất giảm bạo lực cho trẻ em là giáo dục đạo đức, lối sống và uốn nắn các em từ các hành vi ứng xử văn hóa. Còn kỉ luật học sinh cần phải hướng đến kỉ luật tích cực, giáo dục tích cực chứ không phải bằng các phương pháp nặng nề như trước đây như đuổi học, đình chỉ.

Theo ông Bá, việc bạo lực trẻ em và trẻ em bị bạo lực gây sự lệch lạc nhân cách các em, làm thay đổi cuộc đời mỗi con người cần giải quyết triệt để. Bạo lực học đường gia tăng có nguyên nhân trẻ bị bạo lực từ gia đình và tự gây bạo lực sang nhau và coi chuyện bạo lực là bình thường. Trẻ bị bạo lực nhiều ở nhà sẽ gây bạo lực nhiều ở nhà trường và xã hội. Vì vậy việc làm tốt bạo lực gia đình sẽ góp phần giảm bạo lực học đường.

 

Các thông điệp của sáng kiến toàn cầu của tổ chức Tầm nhìn thế giới về chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học:

- Trẻ em cần lớn lên trong tình yêu thương, không bạo lực

- Đòn roi không phải là yêu thương

- Đừng thờ ơ với hành vi bạo lực thân thể trẻ em

- Im lặng là tiếp tay cho hành vi bạo lực

- Hãy gọi 111 (18001567) khi chứng kiến bạo lực thân thể trẻ em.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh