CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:30

Cha, mẹ ly hôn – Con gánh chịu hậu quả

 

Hứng chịu đòn roi của hận thù

Trong những năm qua, tình trạng ly hôn ở nước ta xảy ra khá nhiều. Ly hôn về mặt tích cực có thể giải phóng vợ, chồng khỏi tình trạng xung đột, bạo lực trong gia đình nhưng về phía mặt tiêu cực nó lại ảnh hưởng đến tâm lý cho con cái, đặc biệt là trẻ em. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, khi cha mẹ ly tán. Có không ít những trường hợp cha/ mẹ tái hôn thì trẻ em lâm vào cảnh chung sống không hòa hợp với mẹ kế/ cha dượng. Tình cảm ruột thịt vốn đã thiếu thốn mà nay phải chịu đánh đập, bạo hành, ngược đãi.

 

Những vết sẹo chằng chịt trên gương mặt cậu bé Trần Nguyên K do chịu đòn roi từ cha đẻ và mẹ kế

 

Những ngày này dư luận cả nước đang hết sức phẫn nỗ trước sự việc người cha đẻ đã đoạt mạng sống của con trai mình chỉ vợ chồng mâu thuẫn dẫn đến ly hôn. Sự việc diễn ra vào tối 11/12, trước một quán nhậu trên đường Nguyễn Tất Thành, Võ Kim Minh gặp vợ cũ là chị V.T.N.D (SN 1978, trú  phường Hội Thương, TP. Pleiku) thì xảy ra mâu thuẫn cãi vã. Trong lúc cự cãi lớn tiếng, bất ngờ Minh lấy dao đâm vào ngực trái của con trai là Võ Kim Phát (SN 2012) khi cháu đang chơi đùa ở lề đường khiến cháu tử vong tại chỗ. Được biết, sau khi kết hôn và sinh ra cháu Phát, giữa hai vợ chồng Minh nảy sinh mâu thuẫn rồi ly hôn, cháu Phát về ở với mẹ.

Trước đó, dư luận cả nước từng bàng hoàng khi ngay tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), bé trai Trần Nguyên K 10 tuổi đã phải bỏ trốn khỏi ngôi nhà của bố đẻ về nhà ông bà nội cầu cứu vì bị chính người cha ruột và mẹ kế đánh đập hành hạ thời gian dài. Mặc dù cơ quan công an đã khởi tố vụ án bắt giam Trần Hoài Nam (SN 1983, trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) bố đẻ của K về tội ngược đãi con mình nhưng hình ảnh về những vết sẹo chằng chịt trên khuôn mặt và cơ thể bé K khiến ai cũng xót xa.

Và gần đây nhất là cậu bé Trần Duy Ng. (SN 2007, đang học lớp 4) bị chính bố đẻ Trần Tuấn Long ở Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội đánh dã man với nhiều vết thương còn hằn ở tay, mông. Theo chị Phạm Thị Liên (mẹ cháu Ng), năm 2004, chị và anh Trần Tuấn Long lập gia đình nhưng do nhiều vấn đề mâu thuẫn, bị chồng hành hạ nên năm 2015 vợ chồng chị đã chia tay. Theo phán quyết của tòa án, chồng chị Liên được nuôi hai con là Trần Duy H. (SN 2005) và Trần Duy Ng. (SN 2007). Trong quá trình ở với bố, vì bị một số lỗi nên cháu H. bị bố đánh, đuổi ra khỏi nhà và chị Liên đã đón con về nuôi còn cháu Ng. vẫn tiếp tục ở lại. Đến ngày 11/12, khi đang chữa bệnh ở TP Hồ Chí Minh chị nhận được tin báo của hàng xóm nhà chồng là cháu Ng. bị bố đánh dã man, với nhiều vết thương trên người.

Người gánh chịu không phải những đứa trẻ

Viện Nghiên cứu gia đình và Giới cho biết, cả nước trung bình có trên 60.000 vụ ly hôn/năm, tỉ lệ 30% tức là cứ 10 cặp vợ chồng kết hôn thì có 3 cặp ly hôn. Xu hướng này tiếp tục tăng ở cả thành phố và nông thôn. Điều đáng nói, 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ, vợ hoặc chồng trong độ tuổi từ 18-30; trong đó có 60% ly hôn sau khi kết hôn từ 1-5 năm, nhiều trường hợp chỉ mới cưới nhau được vài tháng...  Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu gia đình và Giới cho thấy mâu thuẫn về lối sống là nguyên nhân hàng đầu (27,7%) dẫn đến ly hôn. Các yếu tố tiếp theo là ngoại tình (25,9%), kinh tế (13%), bạo lực gia đình (6,7%), sức khỏe (2,2%), xa nhau lâu ngày là 1,3%.

 

Những đứa trẻ sống trong gia đình cha, mẹ ly hôn chịu nhiều thiệt thòi.

 

 GS-TS Lê Thị Quý – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển cho rằng, không ở đâu ly hôn để lại hậu quả lớn nhất, đau thương nhất cho trẻ em như ở Việt Nam. Có những trường hợp người vợ tìm cách trả thù chồng cũ bằng cách nói xấu chồng trước mặt con mình, gieo vào đầu con những hận thù. Ngược lại các ông bố giận vợ cũ thì tìm cách trút giận lên đầu đứa con bằng trận đòn roi. Đấy là chưa kể vợ hay chồng đi bước nữa, đứa trẻ phải chịu sự phân biệt đối xử.

GS Quý đưa ra đề nghị: “Tôi nghĩ pháp luật cần chặt chẽ hơn về gia đình, buộc trách nhiệm lớn hơn với cha mẹ và phải kiểm tra việc thi hành án bởi vì phần lớn những trẻ sống trong các gia đình ghép là không an toàn. Sau ly hôn, cần phải hiểu nỗi đau của trẻ và hợp tác trong nuôi dạy chúng để chúng bớt tổn thương. Chính quyền, đoàn thể, nhân viên công tác xã hội cần chú ý giúp đỡ cho các gia đình này. Bố mẹ cần quan tâm, chăm sóc con, giáo dục lối sống lành mạnh cho con giống như lúc vẫn ở với nhau. Bố mẹ đừng giáo dục con thù hằn mà phải giáo dục tình thương yêu, cảm thông với bố mẹ và những người khác”.

Luật sư Trương Quốc Hòe, trưởng văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư TP Hà Nội cũng khẳng định: “Luật pháp bảo vệ quyền làm cha, mẹ sau ly hôn dù quyền nuôi con thuộc về cha hay mẹ. Đó không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ và ai vi phạm sẽ chịu sự trừng phạt của pháp luật”. Thật khó để có được cách ứng xử vẹn toàn với con khi hôn nhân đã đổ vỡ, tuy vậy, để có được tương lai an toàn cho những đứa trẻ thiếu hụt tình cảm, cần sự cố gắng, nỗ lực gấp nhiều lần của những bậc làm cha mẹ đã một lần sai lầm trong hôn nhân. Mọi sự đổ vỡ đều phải trả giá, nhưng người gánh chịu không phải là những đứa trẻ vô tội.

MINH CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh