CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:01

1,41% GDP bị tổn thất do bạo lực gia đình gây ra

 

Đây là những con số được đưa ra tại Hội thảo tập huấn định hướng truyền thông về bình đẳng giới và phòng chống, bạo lực trên cơ sở giới diễn ra tại Tp Hồ Chí Minh trong hai ngày 16 và 17/10. Tham dự buổi tập huấn có đại diện Sở LĐ-TB&XH các địa phương cùng các cơ quan thông tấn báo chí.  

Báo cáo thực trang bạo lực gia đình đối với phụ nữ cho thấy: 34% phụ nữ đã từng kết hôn phải chịu bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục; 54% phụ nữ đã từng trải qua bạo lực tinh thần từ người chồng của mình tại một số thời điểm trong cuộc đời; 50% phụ nữ bị bạo lực gia đình không nói với bất kỳ ai; 87% phụ nữ đã bị bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự trợ giúp từ các dịch vụ công. Năm 2016, cả nước xảy ra hơn 1600 vụ xâm hại tình dục trẻ em (trong đó trẻ em gái chiếm 84% số nạn nhân).

 

Các đại biểu thảo luận về nội dung truyền thông cho tháng hành động.

 

Ngoài ra bạo lực trên cơ sở giới còn thể hiện ở tình trạng nạo, phá thai lựa chọn giới tính khi sinh. Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh 112.2/100 (năm 2016). Tỷ lệ tảo hôn chung tại Việt Nam xấp xỉ 16%. Từ năm 2005 đến 2009, gần 6.000 phụ nữ và trẻ em được xác định là nạn nhân của buôn bán người tại Việt Nam. Ước tính Việt Nam hiện có xấp xỉ 300.000 gái mại dâm (trong đó có 30% đã từng bị bạo lực tình dục). Khoảng 2.000 đến 20.000 trẻ em dưới 18 tuổi bị bóc lột tình dục vì mục đích thương mại tại Việt Nam. 87% phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục nơi công cộng.

Bạo lực giới  gây ra hậu quả nặng nề đối với nạn nhân, gia đình và cộng đồng, bao gồm: suy yếu sức khỏe: Sức khỏe thể chất; Rối loạn sức khỏe tâm thần và nghiện ngập; Sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Tổn thất về tài chính, kinh tế, xã hội do bạo lực gia đình gây ra chiếm đến 1,41% GDP. Tác động của bạo lực gia đình đến năng suất lao động làm suy giảm tới 1,78% GDP và gần 38% ngân sách chính phủ cần chi cho y tế năm 2011. Đồng thời, phụ nữ chịu bạo lực sẽ giảm 35% năng suất so với người không bạo lực. Hậu quả của bạo lực gia đình kéo dài trong suốt cuộc đời của người bị tác động và có thể duy trì sang cả thế hệ khác. 

Tháng 10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020, trong đó quy định việc triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11-15/12 hàng năm và năm 2016 chúng ta đã triển khai Tháng hành động lần đầu tiên rất thành công với hơn 800 hoạt động và sự kiện trên cả nước với hơn 200.000 người tham gia.

 

Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới nhấn mạnh về vai trò của truyền thông đối với công tác bình đẳng giới.

 

Phát biểu tại buổi tập huấn, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Ngọc Tiến cho biết, bình đẳng giới hiện nay trở thành một trong những vấn đề toàn cầu và được hầu hết các quốc gia trên thế giới quan tâm. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương và tổ chức đã bước đầu cho thấy những tác động tích cực trong công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam. Tuy nhiên, để thay đổi các định kiến giới và các hành vi bạo lực bị ảnh hưởng bởi các quan niệm văn hóa đã ăn sâu, bám rễ trong tư tưởng của rất nhiều người từ hàng đời nay thì cần có chiến lược truyền thông vận động lâu dài, liên tục và sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và cả cộng đồng trong đó các cơ quan truyền thông, báo chí và bản thân các nhà báo, phóng viên có vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tiến tới thay đổi hành vi của cả nạn nhân, người gây ra bạo lực cũng như cộng đồng xã hội.

Hội thảo định hướng truyền thông về bình đẳng giới cho lãnh đạo, cán bộ, các nhà báo, phóng viên làm làm công tác bình đẳng giới nhằm cung cấp thêm một số thông tin, khái niệm về bình đẳng giới, công bằng giới, cập nhật chính sách, kết quả về công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cũng như các vấn đề đang đặt ra hiện nay. Hội thảo tập huấn này là một hoạt động trong chuỗi các sự kiện chuẩn bị và hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới 2017.

 

Đại biểu thảo luận về các chính sách liên quan đến bình đẳng giới.

 

Với chủ đề “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”,  tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017 được thực hiện từ ngày 15/11/2017 -15/12/207.

Theo đó ngày 4/11, tại phố đi bộ đường Nguyễn Huệ, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh sẽ diễn ra Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Lễ phát động nhằm huy động sự tham gia và vào cuộc của các cơ quan, tổ chức và người dân. Đồng thời là sự kiện truyền thông lớn mở đầu cho chuỗi các hoạt động của Tháng hành động nhằm truyền tải rộng rãi các thông điệp, hình ảnh của Tháng hành động.

Một số điểm nhấn diễn ra trong tháng hành động: Phát động cuộc thi hưởng ứng tháng hành động với chủ đề “Vì những người phụ nữ quanh ta – Nam giới quan tâm chia sẻ”; Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái. Thắp sáng một số địa điểm bằng ánh đèn màu cam (biểu tượng lịch sử, công viên, cầu vượt, trụ sở làm việc, khu vực trung tâm, trường học…). Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái….

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh