Cải cách hành chính hướng đến đích cuối cùng là phục vụ tốt người dân
- Tây Y
- 06:58 - 18/11/2017
Phải đồng bộ cải cách hành chính gắn với CNTT
Chiều ngày 17/11, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, Trưởng đoàn kiểm tra đã có buổi làm việc và kiểm tra công tác cải cách hành chính (CCHC) tại Bộ LĐ-TB&XH.
Đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó trưởng Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ (trái) chủ trì buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, với thái độ hết sức cầu thị, rất muốn nghe và tiếp thu các ý kiến của đoàn công tác đóng góp sắp tới Bộ sẽ phải làm gì trong công tác CCHC. Bộ trưởng thông tin, trong tháng 12, sẽ có một chỉ thị chỉ đạo trong toàn ngành về vấn đề cải cách hành chính gắn với CNTT.
“Làm sao cải thiện được tình hình, mục tiêu không phải vì thăng hạng, mà vì trách nhiệm, hướng đến đích cuối cùng là phục vụ tốt cho người dân. Làm sao để 2018, CCHC gắn với CNTT phải là một đột phá của toàn ngành”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết, là Bộ đa lĩnh vực, lĩnh vực nào cũng sát sườn nóng bỏng với người dân, do đó, đòi hỏi phải chuyển động thực sự. Bộ sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu để tạo sự chuyển động thực sự trong công tác cải cách hành chính và ứng dụng CNTT. Cùng với đó, tập trung đồng bộ, gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách hành chính trong một số lĩnh vực ngành quản lý...
“Sẽ có văn bản chỉ đạo toàn quốc. Có nghĩa là toàn bộ hệ thống, chứ không phải chỉ dừng lại ở các cơ quan trong Bộ… Các Sở LĐ-TB&XH phải đồng bộ cải cách hành chính gắn với CNTT. Toàn bộ hệ thống số liệu, tích hợp dữ liệu về mảng Người có công, Bảo trợ xã hội - 2 mảng này phải làm trước, vì là những lĩnh vực sát sườn người dân”, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho biết.
“Chúng tôi đã ký với Viettel, khởi động chương trình này, xây dựng toàn bộ khung kiến trúc điện tử của Bộ, và trong tháng 12, sẽ khởi động một số cuộc liên quan đến Chính phủ điện tử. Trong năm 2018, toàn bộ hệ thống Chính phủ điện tử của Bộ sẽ hoàn tất”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết cụ thể, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chính thức tuần này sẽ khởi động, kết nối với hệ thống dạy nghề, và cuối tháng 11 này kết nối với người dân ở 4 lĩnh vực: Cục Việc làm, Xuất khẩu lao động, An toàn lao động và Bảo trợ xã hội.
“Làm sao để đến năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH phải là một trong những Bộ đi tiên phong trong lĩnh vực CNTT. Đây không phải vì xếp hạng, mà vì trách nhiệm với công việc, với người dân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến cải cách hành chính gắn với CNTT, Bộ trưởng cho biết, sẽ tập trung giải quyết toàn bộ các vấn đề về chi trả bảo trợ xã hội qua bưu điện. Còn chi trả Người có công qua bưu điện, hiện đang thí điểm ở 5 tỉnh (4 tỉnh và TP HCM).
Đáng chú ý, về tổ chức bộ máy, Bộ trưởng khẳng định, tiếp tục thực hiện tự chủ và sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập. “Tinh thần là những gì trùng lắp trong chức năng nhiệm vụ là sáp nhập lại. Như mấy trung tâm chỉnh hình sáp nhập vào trở thành 1 bệnh viện. Hay đơn cử, quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, từ khi “nhập” đến nay, giảm được 252 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp…”, Bộ trưởng cho biết.
Đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên tất cả các mặt công tác
Những năm qua, CCHC luôn được Bộ LĐ-TB&XH chú trọng, tập trung chỉ đạo, coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, góp phần vào cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo ASXH.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hà Đình Bốn báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ công tác CCHC năm 2017
Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2017, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hà Đình Bốn cho biết, công tác CCHC của Bộ LĐ-TB&XH đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên tất cả các mặt công tác. Điển hình là công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính được Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ quan tâm, chỉ đạo sát sao. Hàng năm, Bộ đã ban hành kế hoạch và các văn bản triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC đầy đủ, chi tiết gắn liền với nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ.
Ông Hà Đình Bốn cũng cho biết, Bộ đã ban hành Kế hoạch giai đoạn 2011 - 2020, trên cơ sở đó xây dựng các kế hoạch CCHC hàng năm để triển khai cụ thể những mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra trong kế hoạch giai đoạn.
Ban Cán sự, Đảng uỷ cơ quan và Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thực hiện toàn diện 06 nhiệm vụ về CCHC, đó là: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính.
“Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo CCHC, ứng dụng CNTT và Chính phủ điện tử của Bộ do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm trưởng Ban, định kỳ tiến hành họp để đánh giá, kiểm điểm việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC theo kế hoạch đề ra. Ban hành Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện công tác thi đua khen thưởng ngành LĐ-TB&XH, trong đó quy định lấy kết quả công tác cải cách TTHC là một trong những tiêu chí chấm điểm thi đua khen thưởng đối với cá nhân, tổ chức”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thông tin.
Theo đó, việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011- 2020 theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Bộ đã thu được những kết quả đáng kể.
Về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hàng năm, tuy khối lượng được giao xây dựng lớn, nhưng đã được Bộ hoàn thành tốt, đảm bảo về tiến độ và chất lượng. Trong đó đặc biệt một số lĩnh vực về người có công, bảo trợ xã hội, bảo hiểm xã hội, lao động tiền lương đã có nhiều cải cách, đổi mới về cơ chế, chính sách theo hướng bảo đảm sự công bằng trong phân phối thành quả của đổi mới cũng như chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Các TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ thời gian qua đã được quy định theo hướng minh bạch, đơn giản hóa thủ tục. Trong công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cơ cấu tổ chức của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ được kịp thời rà soát, điều chỉnh, sắp xếp phù hợp, khoa học hơn, cơ cấu tổ chức tinh gọn; việc phân cấp quản lý được quan tâm triển khai thực hiện theo định hướng của Chính phủ.
Việc ứng dụng CNTT trong quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp xử lý công việc của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ được duy trì và từng bước nâng cấp; Hệ thống thư điện tử của Bộ đã được đầu tư hiện đại, thuận tiện cho người sử dụng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý. Việc xây dựng, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ đã được đầu tư triển khai…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Trưởng đoàn công tác đã ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính của Bộ LĐ-TB&XH trong thời gian qua và đánh giá cao vai trò của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ đã rất quan tâm, sâu sát, lãnh đạo thực hiện công tác CCHC của Bộ LĐ-TB&XH thời gian qua.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Thừa lấy làm tiếc, khi Bộ trưởng chỉ đạo toàn diện từ công nghệ, tài chính, bộ máy… rồi đặc biệt việc sáp nhập bộ máy thành công, khoa học như thế, riêng quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp đã giảm đươc 252 trung tâm nhưng công tác truyền thông đang yếu, không đưa tin, không có truyền thông.
Đồng thời lưu ý một số vấn đề cần triển khai trong thời gian tới, như kiểm soát chặt chẽ các quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện tốt đánh giá tác động thủ tục hành chính theo đúng thời gian yêu cầu.
“Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chỉ ra những vấn đề, những giải pháp để Đoàn kiểm tra và Vụ Cải cách hành chính tiếp thu. Bộ trưởng chỉ đạo toàn diện từ cải cách bộ máy hành chính, đến công nghệ, con người… sẽ được đoàn công tác tiếp thu, lắng nghe ý để nhân mô hình lên. Mỗi một lần đi kiểm tra là một lần đoàn tiếp thu, học hỏi các cách làm hay để giữa các bộ, ngành, địa phương có thể theo đó cùng nhau nhân rộng các cách làm hiệu quả, khoa học”, ông Thừa nói.
Về định hướng cải cách hành chính đến năm 2020, báo cáo đã chỉ ra một số công việc cụ thể như sau: 1. Các nhiệm vụ về CCHC được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. 2. Tổ chức thực hiện việc rà soát, đánh giá TTHC để thực thi các giải pháp, sáng kiến đơn giản hóa TTHC thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. 3. Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế. 4. Rà soát, thực hiện đúng cơ cấu chức danh nghề nghiệp theo vị trí việc làm tại các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ. 5. Đẩy mạnh xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với các TTHC về lao động, người có công và xã hội theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Quyết định giao nhiệm vụ hàng năm của Thủ tướng Chính phủ. 6. Tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại Bộ. 7. Việc tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện cơ chế, chính sách, TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân theo Quyết định số 574/QĐ-TTg ngày 25/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ. 8. Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước (phê duyệt tại Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ). |