Cải cách TTHC và ứng dụng CNTT phải là khâu đột phá của ngành LĐ-TB&XH
- Tây Y
- 22:31 - 27/09/2017
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng ký thỏa thuận hợp tác đẩy mạnh ứng dụng CNTT, viễn thông trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội giai đoạn 2017- 2020
Cải cách hành chính, ứng dụng CNTT phải là một khâu đột phá của năm 2018
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định hiện đại hóa hoạt động quản lý Nhà nước, triển khai xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện, thực thi pháp luật trên nền tảng ứng dụng công nghệ hiện đại là xu hướng phù hợp và được Bộ LĐ-TB&XH lựa chọn triển khai toàn diện.
Bộ trưởng đánh giá cao chương trình hợp tác về CNTT giữa Bộ LĐ-TB&XH và Viettel. Những kinh nghiệm hợp tác từ trước đến nay giữa Viettel với các Bộ, ngành là cơ sở quan trọng để hai bên tiến tới ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện về CNTT.
Đối với lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định về ứng dụng CNTT trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề, đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội; ban hành các kế hoạch, văn bản để tổ chức triển khai ứng dụng CNTT, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định.
Theo đó, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho biết, Bộ được Chính phủ giao quản lý tới 14 lĩnh vực khác nhau, với 28 nhiệm vụ, các đối tượng phục vụ của Bộ rộng lớn, gắn liền với đời sống dân sinh. Thêm nữa, bản thân công việc của Bộ cũng đòi hỏi phải có sự cải tiến, đổi mới rất nhanh, cùng với đó, lĩnh vực quản lý của Bộ LĐ-TB&XH đa dạng về đối tượng, lĩnh vực nên cũng là mảnh đất rộng lớn đòi hỏi ứng dụng CNTT hiện đại, tiên tiến hướng tới phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp.
Do đó, có thể nói, mỗi chủ trương, quyết sách, tham mưu Bộ tác động trực tiếp đến ngành, đến người lao động, trong đó có những đối tượng rất cần được quan tâm đặc biệt như chính sách Người có công, người yếu thế…
Tuy nhiên, cải cách hành chính nói chung và ứng dụng CNTT nói riêng của bộ, ngành còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Do đó, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT đối với Bộ và ngành lao động thương binh và xã hội là yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Cải cách hành chính, ứng dụng CNTT của Bộ phải là 1 khâu đột phá của năm 2018”.
Bộ trưởng đơn cử những ví dụ cụ thể đối với từng đối tượng của ngành, theo thống kê, nhu cầu tìm việc của người lao động VN chủ yếu qua Internet là chính, chứ không phải qua trung tâm việc làm, cũng không phải qua Sở LĐ-TB&XH… Hay lĩnh vực Người có công, quản lý thủ công bằng giấy tờ đã không còn phù hợp, với những trường hợp hồ sơ liệt sĩ hy sinh cách đây gần trăm năm việc lưu trữ sẽ rất khó khăn, công tác chi trả cho người có công có sự chuyển dịch liên tục, xây dựng ngân hàng gen và ngân hàng bia mộ ra sao đòi hỏi sự kết nối phải rất nhanh và chính xác.
"Từ nhu cầu của xã hội như vậy, là cơ quan quản lý nhà nước, phải nắm được nhu cầu của người dân, định hướng được nhu cầu ấy. Do đó, cải cách hành chính, ứng dụng CNTT của Bộ phải là 1 khâu đột phá của năm 2018”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thể hiện quyết tâm.
“Bộ muốn thay đổi, muốn phát triển, kết nối để phục vụ tốt cho doanh nghiệp, người dân thì Bộ phải đổi mới lĩnh vực này”, Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh thêm.
Tạo ra nền tảng mới cho xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp
Cũng tại lễ ký kết, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cảm ơn Bộ LĐ-TB&XH đã tin tưởng lựa chọn Tập đoàn Viettel là đối tác chiến lược. Ông Hùng tin tưởng hợp tác này sẽ không chỉ tạo ra một phương thức quản lý mới thông minh, nhanh chóng, chính xác và hiệu quả tại Bộ LĐ-TB&XH, mà còn tạo ra một nền tảng mới cho xã hội, phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.
“Tôi tin tưởng ký kết thành công, bởi lẽ Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cam kết sẽ đích thân làm trưởng ban chỉ đạo CNTT trong Bộ LĐ-TBXH, cho thấy sự quan tâm rất cao để làm thay đổi cơ bản lĩnh vực này”, ông Hùng khẳng định.
Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng: "Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cam kết sẽ đích thân làm trưởng ban chỉ đạo CNTT trong Bộ LĐ-TB&XH, cho thấy sự quan tâm rất cao để làm thay đổi cơ bản lĩnh vực này"
Cũng theo nhận định của Tổng Giám đốc Viettel, một lý do thành công nữa, là Bộ LĐ-TB&XH có nhiều nhu cầu cấp thiết cần đến hạ tầng CNTT một cách đồng bộ. “Bộ LĐ-TB&XH quản lý đối tượng rộng lớn, chúng ta không thể giải quyết các công việc một cách “thủ công” mãi được nữa, phải sử dụng CNTT với sự tích hợp nhanh chóng và nhiều dữ liệu, giúp quản lý và khai thác hiệu quả các dữ liệu đó, sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người dân”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo đó, ông Hùng cam kết, chậm nhất tháng 12 tới, ít nhất đưa CNTT ứng dụng rộng rãi trong Bộ, và năm 2018 cơ bản toàn bộ hạ tầng đầu tư xong, toàn bộ ứng dụng “lõi” được triển khai.
Bộ LĐ-TB&XH và Viettel thống nhất hợp tác toàn diện đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quá trình hiện đại hóa hoạt động quản lý, điều hành của Bộ LĐ-TB&XH và tổ chức thực thi trong các lĩnh vực quản lý của Bộ. Theo đó, hai bên thống nhất ký kết nội dung biên bản thỏa thuận hợp tác nhằm đạt được các mục tiêu chính:
Thứ nhất, triển khai có hiệu quả các hoạt động ứng dụng CNTT, viễn thông đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hoạt động quản lý, điều hành lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Thứ hai, ứng dụng CNTT, viễn thông để tạo môi trường tương tác hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước với người dân, doanh nghiệp. Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội dễ dàng tiếp cận thông tin và ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Cũng tại Lễ Ký kết, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Minh Hồng thay mặt Lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông chúc mừng bộ LĐ-TBXH và viettel đã thực hiện hợp tác rất thiết thực phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước...thông qua đổi mới về CNTT, Bộ LĐ-TBXH sẽ thay đổi cách thức làm việc và phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Thỏa thuận hợp tác giữa hai bên gồm 4 nội dung sau: 1. Tư vấn và xây dựng tiềm lực CNTT, viễn thông, bao gồm: tư vấn, hỗ trợ ứng dụng công nghệ hiện đại, xây dựng và hoàn thiện kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực về CNTT. 2. Ứng dụng CNTT, viễn thông trong công tác quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp, bao gồm: tư vấn, hỗ trợ việc ứng dụng trong chỉ đạo, điều hành, hiện đại hóa môi trường làm việc và phục vụ cải cách hành chính, ứng dụng trong lĩnh vực lao động, người có công, an sinh xã hội. 3. Đảm bảo hạ tầng CNTT, viễn thông, bao gồm: tư vấn, hỗ trợ và phối hợp đảm bảo hạ tầng đường truyền, trung tâm dữ liệu, giao ban trực tuyến và triển khai các chính sách ưu đãi tốt nhất để tạo điều kiện cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của ngành, đặc biệt là người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội dễ dàng tiếp cận các thông tin, ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến. 4. Đảm bảo an toàn - an ninh thông tin, bao gồm: tư vấn, hỗ trợ các giải pháp đảm bảo an toàn - an ninh thông tin cho hạ tầng CNTT, các ứng dụng CNTT và dữ liệu của Bộ, ngành. |
Toàn cảnh Lễ ký kết:
Hai bên trao biên bản thỏa thuận hợp tác toàn diện
Và tặng quà lưu niệm...