Cay mắt trước cảnh một học sinh lớp 5 vừa học bài vừa bế em
- Giáo dục nghề nghiệp
- 03:47 - 13/09/2020
Phải tận mắt chứng kiến những hình ảnh xúc động như thế này, chúng ta mới cảm nhận được vô vàn nỗi khó khăn, vất vả của học sinh vùng cao. Nữ sinh lớp 5 ở vùng cao Lai Châu vừa học bài vừa bế em: Bố mẹ đi nương nên phải mang em đến lớp!
Chưa kể cuộc sống học tập, sinh hoạt của các bạn học sinh vùng cao còn khó khăn hơn gấp nhiều lần, hằng ngày ngoài việc đến lớp thì phải đi nương, làm rẫy, phụ giúp cha mẹ công việc đồng áng. Mới đây, một giáo viên Tiểu học đã đăng tải những hình ảnh nhói lòng ghi lại cảnh bạn học sinh lớp 5 vừa học bài vừa bế em, ai nấy xem xong đều bày tỏ sự thương cảm.
Cô giáo chia sẻ: "Năm học 2020-2021, mình nhận một lớp 5 với 40 học sinh người dân tộc H'Mông, có đến 35/40 em thuộc hộ nghèo. Một số em phải mang cả em đi học, em đói nên cứ khóc, hôm qua cô giáo phải cho bánh, em ngồi ăn để chị học bài. Giờ ra chơi cô dành cho hai chị em một bát mỳ thịt, ăn rồi em ngủ. Vì bố mẹ đi nương nên chị bế em cùng đến trường, nghĩ mà thương quá!"
Liên hệ với giáo viên chủ nhiệm lớp, cô Phạm Thị Diệu hiện đang công tác tại điểm trường Hô Be, trường Tiểu học số 2 thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu, cô giáo cho biết bản thân rất thương cảm trước hoàn cảnh của bạn Vàng Thị Dua người dân tộc H'Mông. Bố mẹ đi làm nương, không có ai trông em nên Dua phải bế theo em đến lớp, một tay bế em, một tay viết bài.
"Chẳng ai bế em được vì lạ bé không theo, có lúc đói, khát sữa, bé cứ khóc hoài, mình không bực mà chỉ thấy thương, làm tạm một tô mỳ to nhiều thịt cho hai chị em ăn trong giờ ra chơi. Mình cũng muốn tới tận nhà trò chuyện với gia đình về vấn đề này, để Dua có thể tập trung vào công việc học tập trên lớp", cô Diệu tâm sự.
Cô bạn vừa bế em vừa làm bài cho tới khi buổi học kết thúc.
Theo nhận xét ban đầu của cô giáo, Vàng Thị Dua là học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ, rất tự giác và tích cực học tập. Tuy bế em ngay trên lớp nhưng bạn ấy vẫn hoàn thành các yêu cầu cô giao. Buổi trưa học sinh không ở bán trú tại trường, vì thế tan học, Dua địu em về nhà ăn cơm rồi tới chiều hai chị em lại cùng đến lớp.
Cô Diệu nói: "Trung thu sắp đến, tụi nhỏ chúng thèm mọi thứ, đôi khi chỉ cần một cây đèn ông sao và được ăn thoải mái bánh kẹo là tuyệt vời lắm rồi! Mình thực sự muốn học trò có một cái Tết Trung thu đúng nghĩa, năm kia nhờ có sự tài trợ của một số cô giáo nên mình cũng tổ chức Trung thu cho 120 học sinh.
Mới nhận lớp, nhìn một số em đi những đôi dép tổ ong rách nát mà thương quá, cuối giờ mình đã xem số và mua cho 6 em dép rách nhất để đôi chân các em vững vàng hơn khi đến trường. Hôm đầu mình cũng mua tặng đủ 40 chiếc khăn quàng cho các em."
Các em học sinh ở trường Tiểu học số 2 thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.
Cô Phạm Thị Diệu đã gắn bó và có kinh nghiệm giảng dạy học sinh vùng cao từ những năm 1994, chứng kiến không ít trường hợp khó khăn tương tự. Năm học 2012-2013, cô được lãnh đạo phân công dạy một lớp 4 có 24 bạn học sinh gồm dân tộc Dao, Thái nhưng lớp này cũng khiến thầy cô khá đau đầu vì quá nghịch ngợm.
"Trong lớp có em Phùng Thị Láy, người Dao rất hay nghỉ học, một buổi sáng không thấy em đến lớp thực sự mình phát bực do phải đi gọi quá nhiều lần. Nhờ giáo viên trông lớp hộ, mình vào nhà Láy thì bắt gặp cảnh tượng cô học trò đang bê bát sắn băm nhỏ đun với muối bón cho em trai mới một tuổi và em cũng ăn một bát y như vậy.
Hỏi ra thì Láy phải nghỉ học đi hái chè lấy tiền mua gạo vì bố bị teo một chân, mẹ cũng đau ốm không thể đi làm. Mình thương quá, quyết vận động em đi học bằng được, Láy phải bế em đi học cùng, mình lấy đùm xôi cho hai chị em, ăn xong, chị ngồi học, em ngồi chơi. Ngay chiều hôm đó, nhờ sự ủng hộ của mọi người, mình gom được mấy chục cân gạo chuyển đến tận nhà cho Láy", cô giáo kể.
Ảnh: Nhân vật cung cấp