Cầu treo trong phố
- Dược liệu
- 15:00 - 03/04/2015
Cuộc sống bất an…
Hiện diện trong thành phố Nha Trang, suốt 14 năm qua cầu gỗ Phú Kiểng được “tạm thời” nối liền giữa 3 thôn Xuân Ngọc, Hòn Nghê 1, Hòn Nghê 2 với 5 thôn khác của xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang. Đây cũng là cửa ngõ duy nhất cho xã Vĩnh Ngọc thông thương ra bên ngoài. Với tầm quan trọng ấy, năm 2001 chính quyền địa phương vận động người dân đầu tư xây dựng cầu nhưng bất thành.
Lúc ấy, ông Nguyễn Xuân Thuận đứng ra bắc cây cầu treo và thu phí. Dẫu tốn kem, nhưng hàng ngàn người dân vẫn chấp nhận khoản phí khá tốn kém. Có những nông dân nghèo khi được thuê ra bên ngoài làm, mỗi ngày đi lại mấy lần, coi như mất nửa số tiền công vì phí cầu treo, vì cầu treo là lối đi duy nhất.
Người dân qua cầu đóng phí 2000 đồng/lượt.
Cầu Phú Kiểng được làm rất thô sơ, sau nhiều năm từ trụ đỡ cho đến mặt sàn của cầu điều được làm bằng gỗ, đã mục. Hai bên lan can chưa được che chắn kỹ nên không đảm bảo được an toàn cho người qua lại. Anh Lương Ngọc (người lưu thông trên cầu) cho hay, xe quệt nhau trên cầu xảy ra hàng ngày, nhất vào ban đêm, hai xe lưu thông ngược chiều do lòng cầu hẹp nên dễ vướng vào nhau, tai nạn như cơm bữa.
Mùa mưa xe cộ qua lại nhiều, mặt cầu trơn dễ bị ngã. Đến mùa lũ thì cầu bị cuốn trôi, hoặc chủ tháo cầu mang cất. Khi đó hàng ngàn hộ dân ở các thôn nói trên của xã Vĩnh Ngọc chỉ còn nước co cụm ngồi nhìn nhau.
Với những người già, khi qua cầu là một cực hình. Bà Nguyễn Thị Phúc (62 tuổi) cho hay: “Tôi già rồi, mắt kém, mỗi lúc đi qua cầu lại thấy sợ, không dám đi. Chỉ cần dừng lại tránh xe khác nhiều khi sơ ý bị lọt thỏm chân xuống cầu lúc nào không hay”. Điều bà Phúc lo sợ từng đã xảy ra. Cách đây vài tháng, bà đi xe đạp qua Hòn Nghê 1 thăm cháu gái mới sinh, khi lên cầu, do tránh người đi xe máy mà bà suýt rớt xuống cầu. “Biết là hiểm nguy, có thể mất mạng, nhưng không lẽ cứ ru rú trong nhà quanh năm suốt tháng”, bà Phúc ca thán.
Mặt cầu thô sơ không che chắn kỹ, không đảm bảo cho người lưu thông.
Ông Trần Quang Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc, cho biết, trước đây khi chưa có cầu gỗ, người dân hai bên bờ vực sông phải qua lại bằng những chuyến đò hoặc ghe nhỏ, việc qua lại hết sức khó khăn và nguy hiểm.
Có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra, chết đuối, chìm ghe vào mùa lũ… Người dân khổ sở, các phụ huynh và học sinh cũng nơm nớp mỗi khi ngồi xuồng qua sông đến trường. Từ ngày có cầu treo tạm, việc đi lại thuận lợi hơn đôi chút, nhưng đến mùa mưa là người dân xã Vĩnh Ngọc lại lo sợ việc cắt đứt cầu.
Chưa có thống kê đầy đủ về số vụ tai nạn, nhưng ít nhất đã có 2 trường hợp tử vong tại cây cầu này. Vào một buổi tối cuối tháng 4/2013, anh Nguyễn Duy An (23 tuổi, trú TP. Nha Trang) đi cùng bạn qua cầu thì rớt xuống sông tử nạn. Ngay sau đó một công nhân cũng rớt xuống, tử vong.
Dài cổ ngóng cây cầu mới
Cầu treo Phú Kiểng có tổng chiều dài 400m, mặt cầu rộng khoảng chỉ 1,4m vừa đủ cho hai chiếc xe máy đi ngược chiều tránh nhau. Hàng ngày có hàng ngàn lượt người qua lại. Để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND Xã Vĩnh Ngọc yêu cầu chủ cầu liên tục tu bổ và sửa chữa nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp kiểu “mỳ ăn liền”.
Nhiều người dân có chung tâm sự: “Chúng tôi ai cũng mong có một cây cầu kiên cố để đi lại an toàn, không phải thấp thỏm lo âu trong mùa mưa lũ. Nhưng mong muốn đó nghe có vẻ xa vời quá!”.
Mặt dù hàng năm cây cầu vẫn được chủ gia cố nhưng vẫn bị xuống cấp.
Trong khi chính quyền địa phương chưa đầu tư làm cầu thì người dân xã Vĩnh Ngọc có cây cầu gỗ để đi tạm đã là may mắn. Song trên thực tế, sự tồn tại tạm bợ của cầu gỗ Phú Kiểng trong thời gian dài cũng đã kìm hãm người dân trong cảnh túng nghèo. Diện tích của cây cầu khá hẹp, người dân qua lại không thể mang vác và chở những đồ vật, vì sẽ chiếm hết lòng đường. Nhưng nhiều lúc bất đắc dĩ họ phải di chuyển qua cây cầu này. Hôm chúng tôi đến thấy người đàn ông mặc bộ đồ màu nâu sẫm chở trên xe máy 3 bao tải hàng, phải dừng lại một hồi lâu quan sát, chờ vắng người mới dám chạy qua.
Nói về cây cầu tương lai, ông Trần Quang Dũng cho biết, dự án xây dựng cầu xi măng thay thế cho cầu gỗ đã có chủ trương từ đầu năm nay, tuy nhiên còn phải chờ kinh phí, và giải phóng mặt bằng. Đây là dự án khả thi nhưng kinh phí lớn cũng vài trăm tỷ đồng, nên cũng chưa biết khi nào mới có thể thực hiện