THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:49

Cầu thủ bóng chuyền yên tâm “cháy” với nghề

Từ phương thức tổ chức

Mỗi cầu thủ ở bất cứ môn thể thao nào, ra trận thi đấu đều xác định cho mình tâm thế giống như “diễn viên” và cầu thị có khán giả đến xem, cổ vũ. Ở Việt Nam, ngoại trừ môn bóng đá nam, còn lại nhiều giải thể thao khác được tổ chức, không bán vé, cánh cửa nhà thi đấu hay sân vận động mở toang chào đón, cũng vẫn thiếu vắng khán giả đến xem. Đó là nỗi buồn của những môn thể thao được cho là “kém hấp dẫn”.

Bóng chuyền may mắn hơn, từ thuở sơ khai của phong trào “Khỏe vì nước”, bóng chuyền đã có sức hấp dẫn và lan tỏa, thu hút được nhiều người tham gia tập luyện. Mỗi khi có trận thi đấu bóng chuyền dù là cấp cơ sở hay cấp tỉnh, quốc gia, lượng khán giả đến xem vẫn đông như “trẩy hội”.

Kim Huệ (phải).

Đặc biệt, những năm gần đây, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam và các nhà tài trợ đã không ngừng mở rộng sân chơi, không bó hẹp ở các thành phố lớn, mà tổ chức Giải vô địch Quốc gia, hay hạng A1 đều ở những địa phương còn đậm chất nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, giải bóng chuyền cũng vẫn đưa về tổ chức trong sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân. Lượng vé bán ra vào những trận bán kết, chung kết, gần như lúc nào cũng trong tình trạng “cháy vé”.

Chính phương thức tổ chức này đã tạo nên luồng sinh khí trong việc thu hút khán giả tại các vùng miền còn “đói tinh thần” như Yên Bái, Lào Cai...  Đó chính là nguồn động viên “vô giá” mà sức sống bền bỉ của môn thể thao này mang lại, không chỉ cho các nhà tổ chức, đó còn là lời động viên chân tình của khán giả với mỗi cầu thủ bóng chuyền.

Cái hay của bóng chuyền đem lại như vậy, đó là lý do chính để bóng chuyền được nhiều “mạnh thường quân” vào cuộc, với nhiều mục đích và ý nghĩa. Doanh nghiệp đã đưa bóng chuyền vào “quỹ đạo” đầu tư theo phương thức xã hội hóa chuyên nghiệp.

Không trông chờ vào “bầu sữa mẹ”

Nếu như trông chờ vào “Bầu sữa mẹ” là ngành dọc TDTT, đầu tư cho đội bóng chuyền của mình thực sự, khó mà hiệu quả. Có chăng, rất hiếm đội bóng được đầu tư từ chính UBND tỉnh như đội bóng chuyền nữ Quảng Ninh, với mức thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Còn lại, hầu hết các đội bóng chuyền mạnh ở Việt Nam đều có sự “đỡ đầu” của doanh nghiệp.

Ngọc Hoa có mức thu nhập cao nhất làng bóng chuyền Việt Nam hiện nay.

Nắm bắt được sự phát triển của môn bóng chuyền và sức lan tỏa tới nhân dân, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế trong xu hướng hội nhập và phát triển, nhiều doanh nghiệp, đơn vị ngành đã “mặn mà” và quan tâm tới lĩnh vực đầu tư, hình thành đội tuyển bóng chuyền mang thương hiệu của chính doanh nghiệp mình. Thậm chí cứu vãn cả những đội bóng chuyền đang đứng trước nguy cơ “giải thể”, giúp đội bóng đó “bứt phá” vươn lên có chỗ đứng vững trong làng bóng chuyền Việt Nam.

Trong “quỹ đạo” chuyên nghiệp ấy, các đội bóng chuyền ở một số tỉnh, thành phố đã được các doanh nghiệp “đỡ đầu”. Từ việc tuyển quân, nuôi quân và cho quân tham gia thi đấu, chi trả lương cho các cầu thủ hàng tháng, đối với mỗi doanh nghiệp được gánh vác lên vai trọng trách không khác gì bậc cha mẹ đẻ của mỗi cầu thủ.

Thủ lĩnh của mỗi đội bóng ở các CLB như VTV Bình Điền Long An, Thông tin Liên Việt Post Bank, Ngân hàng Công thương không chỉ giới hạn cầu thủ của mình trong khuôn khổ giải thể thao của Liên đoàn bóng chuyền tổ chức. Ngay cả sân chơi từ hội làng ở một miền quê nào đó, cứ được mời là họ sẵn sàng “phục vụ”. Mỗi lần như thế, sức lan tỏa của những “thương hiệu” lại được nhiều người biết đến trong sự khâm phục tài năng của các cầu thủ, cùng sự khẳng định bền vững của thương hiệu doanh nghiệp.

Những đội bóng chuyền gắn với thương hiệu doanh nghiệp, có chế độ ưu đãi cầu thủ, có chính sách đầu tư “mạnh tay” để tạo ra những cầu thủ bóng chuyền “đẳng cấp”, trở thành những cầu thủ bóng chuyền quốc gia, điển hình như: CLB bóng chuyền nữ Bình Điền Long An, Thông tin Liên Việt Post Bank, Ngân hàng Công thương. Đội bóng chuyền nam có Sanest Khánh Hòa, Maseco Thành phố Hồ Chí Minh, Tràng An Ninh Bình. Những đơn vị này đều có chế độ “thỏa đáng” cho những “đứa con tinh thần” của mình. Mức trung bình đều đạt trên dưới 20 triệu đồng/ tháng.

Những cầu thủ bóng chuyền quen thuộc có mức thu nhập “lý tưởng”, nếu thiếu vắng họ thì trận đấu không còn kịch tính, hấp dẫn và làm khán giả “hụt hẫng” như: Phụ công số 1 Nguyễn Thị Ngọc Hoa (Bình Điền Long An) là cầu thủ nữ có mức thu nhập cao nhất trong làng bóng chuyền nữ hiện nay. Ngọc Hoa vừa được lương hơn 20 triệu của VTV Bình Điền Long An, vừa được hưởng lương của CLB Bangkok Glass (Thái Lan) với mức thu nhập trên 2000 USD mỗi tháng (vì cô khoác áo cho đội tuyển này theo mùa vụ). Những ngôi sao khác như Phạm Kim Huệ, Nguyễn Thị Xuân, Hà Thị Hoa (CLB Ngân hàng Công thương)... cũng có mức lương cơ bản khoảng 15 triệu đồng/ tháng. Các cầu thủ bóng chuyền nam như: Từ Thanh Thuận, Ngô Văn Kiều (Sanest Khánh Hòa) cũng có mức thu nhập tương tự, âu cũng là xứng đáng!

Với mức thu nhập này, các cầu thủ bóng chuyền của đội bóng chuyên nghiệp thực sự yên tâm và sống tốt với nghề. 

BÙI MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh