THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:32

Cầu Giao Thủy: Nối liền 40 năm chia cắt

 

Cầu Giao Thủy- sứ mệnh thời đại

Ngày 24/3/2017, ngày trọng đại đối với những người dân hai bên bờ sông Giao Thủy, từ đây Cầu Giao Thủy chính thức đi vào hoạt động, chấm dứt 40 năm dài “qua sông lụy đò” của hàng ngàn người dân huyện Đại Lộc, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam). Cầu Giao Thủy có chiều dài 1.023m, rộng 12m, thiết kế đường dẫn 2 đầu cầu có chiều dài 4,29km, trong đó phía huyện Đại Lộc có chiều dài 3,8km, điểm đầu tại ngã tư thị trấn Ái Nghĩa, phía huyện Duy Xuyên dài 0,49km giáp với đường ĐT610 thuộc xã Duy Hòa của huyện. Hơn 338 hộ dân thuộc 2 huyện Đại Lộc và Duy Xuyên chấp nhận nhường đất, giải tỏa, trong đó có nhiều hộ giải tỏa trắng để thực hiện công trình này.

Chia sẻ về công trình này, ông Nguyễn Ngọc Hải- Phó trưởng phòng Quản lý Dự án 2, Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, nói: “Trong quá trình thi công các đơn vị gặp nhiều khó khăn bởi thời tiết tại các tỉnh miền Trung thường xuyên có mưa. Trong đó, hạng mục móng là khó khăn nhất vì thi công dưới lòng đất, dù sử dụng khoan địa chất nhưng vẫn chưa đánh giá hết khối lượng địa chất phía dưới”.  Mặc dù vậy, các đơn vị đã huy động nhiều tổ hợp máy móc, thiết bị, nhân lực, tăng ca dưới công trường, phấn đấu hoàn thành phần hạ bộ đảm bảo vượt lũ năm 2015. Công trình Cầu Giao Thủy tiếp tục lập nên “kỳ tích”, vượt tiến độ 6 tháng so với kế hoạch ở tất cả các hạng mục.

Cầu Giao Thủy là một công trình có ý nghĩa thời đại, ý nghĩa lịch sử, đánh thức tiềm năng, khai thác lợi thế vùng trung du phía Tây Quảng Nam, trở thành tuyến giao thông huyết mạch nối 4 huyện Nông Sơn, Quế Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc của tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng, mở ra hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, bên cạnh đáp ứng nhu cầu vận chuyển, đi lại, cứu nạn, cứu hộ… Ngoài ra, cũng mở ra triển vong về du lịch, khi mà huyện Đại Lộc có những điểm danh lam thắng cảnh như Khe Lim, suối nước nóng Thái Sơn, địa đạo Phú An-Phú Xuân,…

 

Thông xe cầu Giao Thủy vào sáng 24-3.ảnh:Huyền Trang

 

Hơn ai hết, những người nông dân cần mẫn, những học trò cắp sách tới trường là những người vui nhất. Bà Huỳnh Thị Hoa, xã Đại Hòa, có 3 sào ngô ở vùng đất dưới chân cầu Giao Thủy cho biết: “Nhờ có cầu mà vận chuyển ngô cho đến mua bán với các huyện khác cũng đỡ vất vả. Thay vì chất hàng hóa lên đò, đi vòng hàng chục km đến quốc lộ, thì nay chỉ cần chạy xe máy 1.000m trên cầu là đến đất Duy Xuyên”.

Trước năm 1975, Cầu Giao Thủy được chính quyền Sài Gòn xây dựng tạm nhằm mục đích khai thác mỏ than Nông Sơn và khu kỹ nghệ An Hòa. Khi hành quân giải phóng Đà Nẵng, xe tăng đã đi qua bằng con đường này, khi chiếc xe tăng cuối cùng đi qua thì cầu cũng sập nhịp. Đó là lần cuối cùng người ta nhìn thấy chiếc cầu nguyên vẹn nhất. Về sau, người dân chắp nối bằng đủ vật liệu như sắt, thanh tre,…nhưng theo thời gian chiếc cầu xuống cấp, nguy hiểm và buộc phải tháo dỡ. Hàng trăm hộ dân hai bên dòng sông bị chia cắt từ đó.

 

Những con đò ngang được duy trì 40 năm qua đã kết thúc chặng cuối. Ảnh: Huyền Trang

 

Trong thời gian 40 năm này, những tiếng đò đưa gọi “í ới” bên sông trở thành phương tiện di chuyển, khi ốm đau, học đường xa, vận chuyển lương thực,…Rồi mỗi mùa lũ, dòng sông càng rộng và sâu, khi bên bồi, bên lở. Qua hai trận lũ lịch sử năm 1996 và 1998, dòng sông Thu Bồn như “vồ” lấy kéo từng mảnh đất, hàng chục hecta đất là những nương dâu, ruộng ngô phút chốc bỗng biến mất, người dân rơi vào tình trạng tha hương.

Ông Lê Trung, sinh năm 1957, chứng kiến cuộc đi của đời người, đời sông trên mảnh đất xã Đại Hòa (huyện Đại Lộc), khi nghề nông gặp khó, ông bắt đầu lái đò. Hơn 10 năm cầm sào chèo ghe, đến khi dùng máy nổ. Ông đã gắn số phận với dòng sông từ trai tráng đến về già. “Mỗi ngày có 4 chiếc thuyền thay nhau hoạt động. Mỗi người lái đò cũng thay phiên nhau đưa thuyền, đều đặn mỗi tháng 15 ngày, mỗi ngày chúng tôi vận chuyển hàng trăm chuyến, thù lao chỉ 150-200 nghìn”. Bây giờ có Cầu Giao Thủy, ông Trung chấm dứt sứ mệnh của mình. Nhìn xa xăm vào dòng nước trôi, ông Trung, đến bà Phạm Thị Thuận, người hơn 30 năm dựng quán nước nhỏ ở dưới chân ghe để người đi đò dừng chân chờ thuyền cập bến. Thấm thoát đã qua tuổi xế chiều, họ lại chuẩn bị hạ tay chèo về với ruộng nương.

Sinh sôi từ quá khứ, khát vọng ở tương lai

Trong các tài liệu được lưu giữ tại UBND xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, sông Thu Bồn khởi nguồn từ ngọn núi Ngọc Linh cao trên 2.598m, phía bắc Kon Tum, phần thượng lưu được gọi là Dak Di, khi chảy về vùng trung du tỉnh Quảng Nam, sông được tiếp thêm phù sa, vào địa phận huyện Quế Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc bắt đầu gọi tên Thu Bồn. Làng Giao Thủy là vùng đất bồi ven sông, nơi gặp nhau giữa hai dòng sông lớn Thu Bồn và Vu Gia. Nhà thơ Thanh Quế từng viết rằng “Trước nhà em sông Vu Gia/ Sau nhà em cũng lại là dòng sông…” Đây cũng chính là nơi Cầu Giao Thủy được khởi công xây dựng.

 

Những công nhân làm việc trên công trường vào những ngày cuối.ảnh:Huyền Trang

 

Lịch sử chứng kiến sự kiện quan trọng ở vùng đất này, năm 1306, lễ Vu quy của công chúa Huyền Trân đã đem lại cho Đại Việt quà sính lễ là vùng đất Ô Lý, được nhà Trần đổi tên thành Thuận Châu và Hóa Châu. Đại Lộc ngày nay thuộc cực Nam Hóa Châu, và rồi từ giữa thế kỷ XV, đôi bờ sông Thu Bồn, Vu Gia đã có cư dân Đại Việt khai hoang, sinh sống.

Vào thời Pháp, dưới chân Cầu Giao Thủy phía bên này huyện Đại Lộc, trước kia là “Tiệm ươm Giao Thủy” vùng đất nổi tiếng ươm tơ dệt lụa. Do nhu cầu số lượng tơ ở Pháp lên đến 4.000 tấn/năm, nên Pháp khuyến khích sản xuất tơ và Giao Thủy trở thành nơi khởi đầu nghề ươm tơ, với hơn 100 chảo ươm, hàng trăm công nhân. Thời ấy, chợ Quảng Huế, trở thành trung tâm giao lưu thương mại giữa Đại Lộc và Duy Xuyên, làm nên tiếng tăm của nghề dệt. Đến sau 1975 thì nghề ươm tơ dệt lụa dần suy tàn với sự cạnh tranh gay gắt của thị trường.

Khi cầu Giao Thủy được xây dựng, những hộ dân cuối cùng của khu nhà tập thể Xí nghiệp Ươm tơ Giao Thủy cũng di dời, nhường đất cho hạng mục đường dẫn phía Bắc. “Sinh sôi từ quá khứ”, những người con huyện Đại Lộc, Duy Xuyên,…tiếp tục đưa vùng đất này phát triển. Ông Trần Văn Mai-Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết: “Công trình cầu Giao Thủy có vai trò quan trọng trong kết nối thương mại, giao lưu. Huyện Đại Lộc đang kêu gọi đầu tư Khu Thương mại với diện tích 17ha ở xung quanh khu vực cầu Giao Thủy. Hiện tại trên địa bàn đã có 11 cụm Công nghiệp với 44 dự án. Khi Đại Lộc có dự án Cầu Giao Thủy đã có thêm 5,7 dự án đang tiếp cận với huyện để đầu tư”. Huyện Đại Lộc phấn đấu mỗi năm thu hút tối thiểu 2-3 dự án có hàm lượng công nghệ cao, giải quyết 300-400 lao động. Quy hoạch bổ sung cụm công nghiệp Đại Quang với quy mô 100ha, tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Đại Tân với quy mô 300ha, tạo ra khu vực phát triển mạnh về công nghiệp phía bắc của tỉnh. Đồng thời, bên cạnh cầu Giao Thủy, huyện tiếp tục mở rộng quy mô về giao thông vận tải, hiện nay đã có một số công trình xây dựng mới bến xe Hà Tân, bến xe Đại Chánh, bến xe trung tâm thị trấn Ái Nghĩa,…

Ông Trần Văn Mai cũng chia sẻ: “Vùng đất bãi bồi hai bên cầu Giao Thủy vốn là đất thổ cư, đất hoang hóa, nhiều năm trước chỉ là bãi lau sậy um tùm, người dân bắt đầu khai hoang trồng nương ngô, đậu”. Như vậy, trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện, sẽ thực hiện chuyển 100ha đất lúa không chủ động nước hoặc có nước tưới nhưng bấp bênh của huyện sang trồng cây trồng cạn có giá trị hiệu quả cao, xây dựng cánh đồng mẫu lớn phấn đấu đến năm 2020 có trên 3.000ha đạt giá trị sản xuất trên 100 triệu đồng/ha.

HUYỀN TRANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh