Câu chuyện hỗ trợ người nghèo cần câu, không hỗ trợ xâu cá của Viettel
- Dược liệu
- 18:09 - 23/12/2020
Triển khai thực hiện NQ 30a của Chính phủ, năm 2009, Viettel được giao hỗ trợ 3 huyện nghèo là Bá Thước và Mường Lát của tỉnh Thanh Hóa; Đắk Rông của tỉnh Quảng Trị.
Khi đặt vấn đề với các huyện về triển khai đề án 30a, lãnh đạo các địa phương cũng đề nghị Viettel giúp một số chương trình. Nhưng sau một thời gian, Viettel nhận thấy cần có sự phối hợp, điều chỉnh cho sát với thực tế; nếu không phù hợp, không sát thì rút cục lại quay về kiểu "chỉ cho được con cá mà không tạo ra được cần câu". Với quan niệm vấn đề phải đúng thực tiễn, chi tiết, cụ thể và tỉ mỉ, Tập đoàn đã cử cán bộ xuống trực tiếp địa phương để khảo sát cùng, sau đó mới quyết định là nên giúp, đầu tư cái gì; đã làm thì phải làm đúng và hiệu quả. Khi thực hiện điều này, Viettel thuận lợi là có cán bộ, nhân viên tại từng thôn bản, hiểu hoàn cảnh từng nóc nhà để giúp các chính sách hỗ trợ trở nên thiết thực hơn, hiệu quả hơn.
Để giảm nghèo nhanh và bền vững, Viettel thực hiện hỗ trợ bằng hệ sinh thái. Ngay từ đầu, Viettel đã xác định đây là chương trình dài hạn. Xóa đói giảm nghèo bền vững không chỉ làm xong trong ngày một ngày hai. Vì vậy Tập đoàn đã phối hợp với từng huyện để xây dựng kế hoạch theo từng giai đoạn và được điều chỉnh theo từng năm cho phù hợp với thực tế, thiết thực, giúp người dân được hưởng lợi cao nhất.
Đầu tiên, Tập đoàn phát huy thế mạnh của mình là viễn thông và CNTT để giúp các huyện đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tập đoàn đã có những ưu tiên lớn để phát triển viễn thông, CNTT ở 3 huyện này. Viễn thông, CNTT sẽ giúp nâng cao nhận thức, trình độ dân trí; giúp chính quyền các cấp trong quản lý, điều hành được nhanh hơn, sát hơn đến thôn bản và từng người dân.
Tiếp đến Viettel đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế xã, nhà bán trú dân nuôi, nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ con giống, cây giống và hướng dẫn trồng trọ, chăn nuôi phù hợp với tiềm năng của từng địa phương. Ngoài ra, tổ chức đào tạo về công nghệ thông tin, cung cấp trang thiết bị….
Và từ năm 2009 đến nay, Tập đoàn đã trích kinh phí 260 tỷ đồng hỗ trợ 3 huyện: Bá Thước, Mường Lát (Thanh Hóa), Đakrông (Quảng Trị) nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, xóa nhà tạm hộ nghèo (đã hỗ trợ xây dựng 8 trường học, 8 trạm y tế xã và các dụng cụ, trang thiết bị y tế, học tập; hỗ trợ xóa gần 5400 nhà tạm cho hộ nghèo). Đã đưa hệ thống cầu truyền hình, các phần mềm, các trang thiết bị, các ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, vào hỗ trợ hoạt động y tế, giáo dục…
Kết quả hỗ trợ của Viettel đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp, sự đồng hành của Quân đội, của các Tập đoàn kinh tế, giúp nhân dân các huyện Mường Lát, Bá Thước, Đakrông từng bước vươi lên giảm nghèo, ổn định cuộc sống; qua đó đã góp phần ổn định kinh tế - xã hội của huyện, giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư, ổn định an ninh - quốc phòng (tỉ lệ hộ nghèo tại các huyện giảm trung bình đạt 6,85%/năm - cao hơn 2,85% so với mục tiêu giảm nghèo của địa phương theo Nghị quyết 30A của Chính Phủ).
Để giúp đồng bào các dân tộc vùng giáp biên giới phát triển kinh tế, Viettel phối hợp với các đơn vị triển khai Chương trình "Bò giống giúp người nghèo biên giới". Thực hiện chương trình này, Viettel đã trao tặng 24.000 con bò giống cho 24.000 hộ nghèo các tỉnh biên giới phía Bắc và tây Bắc nhằm giúp cho người nghèo có vốn ban đầu để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh sản xuất, tạo điều kiện cho người dân bám đất, bám làng, bảo vệ vững chắc "phên dậu" Tổ quốc.
Ngoài ra, Tập đoàn Viettel còn triển khai 1 số chương trình như: Trái tim cho em, Vì em hiếu học, Quân đội chung tay vì người nghèo… góp phần vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, vun đắp truyền thống tốt đẹp "tương thân tương ái," "Lá lành đùm lá rách" của dân tộc Việt Nam.