Nạn cát tặc trên dòng sông Chu, cơ quan nào xử lý?
- Dược liệu
- 22:50 - 16/04/2018
Hàng ngàn m2 dất đồng bãi cùng hoa màu của người dân xã Thiệu Đô trôi sông vì cát tặc
Xuất hiện nhiều tàu, thuyền không số trên sông Chu
Tình trạng nạn cát tặc khai thác trái phép trên dòng sông Chu khiến hàng ngàn m2 đất đang trồng hoa màu của người dân xã Thiệu Đô bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh. Trước thực trạng trên, xã Thiệu Đô cũng đã đầu tư hàng chục triệu đồng đóng tàu, rồi dựng chòi canh, tăng cường lực lượng công an tuần tra mỗi tối. Tuy nhiên, do thẩm quyền xử lý của cấp xã còn thấp (tối đa 5 triệu đồng/1 tàu), đã không đủ sức răn đe, khiến nạn cát tặc vẫn ngang nhiên hoành hành. Theo thống kê từ UBND xã Thiệu Đô, năm 2017, xã này đã xử phạt gần 10 vụ tàu cát khai thác trái phép trên địa bàn, tuy nhiên với số tiền xử phạt từ 1,5 triệu đồng đến tối đa chỉ 5 triệu đồng/1 tàu (1 tàu khoảng 100 khối cát) thì không thấm vào đâu.
Khi PV đặt câu hỏi, với thẩm quyền xử lý nạn cát tặc của xã thấp, chưa đủ sức răn đe, sao xã không kiến nghị với huyện vào cuộc xử lý mạnh tay hơn?, Chủ tịch UBND xã Thiệu Đô Lê Thế Ký phân trần: “Chúng tôi có kiến nghị với huyện, huyện cũng cho tăng cường lực lượng hỗ trợ xã. Tuy nhiên, lực lượng công an huyện tăng cường chỉ trong thời điểm nóng rồi lại rút, mà cát tặc thì họ hay luồn lách, chờ lúc vắng lực lượng chức năng là họ hoạt động mạnh. Khó ở chỗ là thẩm quyền xử lý của xã còn hạn chế, thêm nữa là lực lượng tuần tra lại mỏng, nên việc xử lý nạn cát tặc trên địa bàn gặp nhiều khó khăn”.
Nhiều tàu không số (không có đăng kiểm) xuất hiện trên sông Chu
Trao đổi với PV, ông Lê Anh Thắng, Phó Phòng Tài nguyên môi trường huyện Thiệu Hoá cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện có các mỏ cát được UBND tỉnh cấp phép hoạt động gồm các mỏ: 04, 05, 08, 2A. Riêng mỏ số 03 của Công ty Sơn Đào đã hết phép từ 29/3/2018. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 5 bãi tập kết cát được UBND tỉnh cấp phép hoạt động. Quá trình kiểm tra đa phần các mỏ cát và bãi tập kết cát hoạt động đúng theo quy định của nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn số lượng tàu, thuyền hút cát thực tế cao hơn nhiều so với con số tàu, thuyền các mỏ đã đăng ký. Đặc biệt, xuất hiện cả tàu, thuyền không số (không có đăng kiểm) cũng ngang nhiên hoạt động, đây là nguyên nhân chính dẫn đến nạn khai thác cát trái phép diễn ra trong thời gian qua. Để giải quyết tình trạng các tàu, thuyền không số này, chủ tịch huyện đã giao cho công an huyện vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm các tàu, thuyền không số này” – ông Thắng nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu của PV, cát trên địa phận xã Thiệu Đô là cát đẹp, sạch, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình lớn, nên có rất nhiều chủ thầu muốn mua loại cát này phục vụ các công trình. Kỹ sư cầu đường Nguyễn Viết Khôi, người có nhiều năm làm các công trình giao thông lớn nhận xét: “Tôi đã từng đi nhiều bãi cát trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, cát ở sông Chu thuộc địa phận xã Thiệu Đô là cát rất phù hợp với các trông trình đổ bê tông. Cát ở đây có màu vàng, hạt to đáp ứng tốt cho mô đun từ đạt từ 2,0 – 3,3; cát lại sạch không bị nhiễm mặn. Cát ở đây cũng đáp ứng tốt cho tiêu chí của các công trình dùng làm vữa xây trát tường, tức là mô đun lớn hơn 0,7, cát sạch”.
Huyện cương quyết xử lý triệt để nạn cát tặc
Để xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép phải tìm ra nguyên nhân của nó. Nạn cát tặc hoành hành nhiều tháng qua trên địa bàn xã Thiệu Đô, cũng đã được các phòng ban chức năng tham mưu cho chính quyền huyện Thiệu Hoá sẽ cương quyết xử lý triệt để nạn cát tặc trong thời gian tới.
Trao đổi với PV, ông Trịnh Văn Suý, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hoá khẳng định: “Việc Ban thường vụ Huyện uỷ ra quyết định tạm đình chỉ công tác 10 ngày (từ 9/4/2018) đối với Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Bình Thuỷ, cùng tổ công tác tuần tra trên sông tối 8/4 vừa qua là minh chứng cho quyết tâm của huyện trong việc giải quyết vấn nạn cát tặc gây nhức nhối trong dư luận xã hội thời gian qua. Còn tổ công tác có “tiếp tay” cho cát tặc hay không thì phải chờ kết luận cuối cùng từ cơ quan công an mới có quyết định tiếp theo. Nếu có yếu tố “tiếp tay” cho cát tặc sẽ chuyển cơ quan công an để khởi tố hình sự, phải xử lý nghiêm”.
Huyện Thiệu Hoá sẽ cương quyết xử lý triệt để nạn cát tặc trên địa bàn xã Thiệu Đô
Cũng theo ông Suý, tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo xã Thiệu Đô với người dân bị ảnh hưởng sạt lở đất hoa màu đồng bãi bởi nạn cát tặc, với sự có mặt của đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện, chính quyền địa phương đã trả lời với dân - sẽ cương quyết xử lý triệt để nạn cát tặc. Trên cơ sở đó, huyện đã thành lập tổ công tác gồm các phòng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các mỏ cát và bãi cát đã được UBND tỉnh cấp phép. Yêu cầu các mỏ cát thực hiện đúng mốc giới đã được cấp phép và phải đăng ký danh sách các tàu hút cát trên từng vị trí mỏ của mình; đối với các bãi tập kết cát phải chứng minh rõ nguồn gốc cát mua ở đâu, vận chuyển bằng phương tiện gì. “Ngoài ra, lực lượng chức năng của huyện sẽ túc trực trên sông để kiểm tra hoạt động của các tàu, tàu nào không nằm trong danh sách các mỏ cát mà vẫn hoạt động trên sông sẽ bị xử lý nghiêm” – ông Suý khẳng định.
Có thể khẳng định với quyết tâm cao, những giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan chức năng của huyện Thiệu Hoá, xã Thiệu Đô và đặc biệt là sự giúp sức từ quần chúng nhân dân sẽ là “liều thuốc” giải quyết triệt để nạn cát tặc trên dòng sông Chu, đoạn thuộc địa bàn xã Thiệu Đô, trả lại môi trường sống yên bình, giữ lại hàng chục ngàn m2 đất canh tác cho người dân địa phương.