THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:19

Thanh Hoá: Sẽ xử lý triệt để nạn cát tặc trên địa bàn xã Thiệu Đô

Chủ tịch UBND xã Thiệu Đô khẳng định sẽ xử lý triệt để nạn cát tặc trả lại môi trường sống, sản xuất yên bình cho người dân  

Sẽ sớm làm rõ việc nghi ngờ tổ tuần tra của xã "tiếp tay" cho cát tặc

Liên quan tới việc dân vây trụ sở đòi làm rõ, có hay không việc “tiếp tay” của chính quyền xã cho cát tặc, ngày 10/4 trao đổi với PV Báo Dân Sinh, ông Lê Thế Ký, Chủ tịch UBND xã Thiệu Đô cho biết: “Trong buổi đối thoại giữa lãnh đạo xã với người dân, có sự tham gia của lãnh đạo huyện Thiệu Hoá, tôi đã hứa trước nhân dân ‘nếu không giải quyết triệt để nạn cát tặc tôi sẽ xin từ chức’. Nhưng để giải quyết được “vấn nạn” này tôi rất cần sự giúp đỡ từ các phòng chức năng của huyện, trong đó lực lượng nồng cốt là công an huyện, đặc biệt là người dân phải đồng hành, giúp đỡ cùng chính quyền xã trong ‘cuộc chiến’ này”. “Hiện lãnh đạo huyện đã đồng ý cho 1 tàu tuần tra cùng 10 cán bộ, chiến sĩ công an tham gia cùng xã túc trực trên sông Chu để ngăn chặn và xử lý kịp thời nạn cát tặc – ông Ký nhấn mạnh.

Cũng theo ông Ký, để làm sáng tỏ việc người dân nghi ngờ tổ công tác gồm 5 người, do Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Bình Thuỷ làm trưởng đoàn có mặt trên tàu hút cát trái phép bị người dân phát hiện, Chủ tịch UBND huyện đã giao Công an huyện điều tra làm rõ, đồng thời ra quyết định tạm đình chỉ công tác 10 ngày (từ 9/4/2018) đối với Phó Chủ tịch Hoàng Bình Thuỷ và xã cũng ra quyết định tạm đình chỉ công tác 10 ngày đối với 4 người gồm: 1 phó công an xã và 3 công an viên trong tổ công tác.

Lực lượng chức năng xã Thiệu Đô sẽ quyết tâm giải quyết triệt để nạn cát tặc

Giải thích về việc có mặt trên tàu cát tặc vào tối 8/4 khiến người dân hiểu nhầm, bức xúc ném gạch, đá và bom xăng rồi đốt chòi canh, tàu của tổ tuần tra, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Bình Thuỷ buồn bã: "Được sự phân công, hơn 2 năm nay tôi đã cùng lực lượng công an xã chiến đấu với nạn cát tặc để bảo vệ tài sản cho nhà nước và nhân dân. Để giữ từng tấc đất cho người dân địa phương, đã không dưới 6 lần tôi chết hụt tại sông Chu. Các đối tượng cát tặc rất manh động, chặn đường uy hiếp, đe dọa tôi nhiều lần. Vậy mà chỉ nghe kẻ xấu kích động, người dân đã ném đá, gạch, bom xăng khi chính quyền địa phương đang lập biên bản vi phạm để xử phạt. Một số người quá khích còn đốt chòi canh, đốt tàu tuần tra của xã. Điều này khiến tôi rất buồn. Nếu có tư lợi, bắt tay với các đối tượng khai thác cát thì tôi xin từ chức chứ không phải đợi cấp trên xử lý”.

Ông Thuỷ kể chi tiết việc xảy ra vào tối ngày 8/4, khiến người dân nghi ngờ ông "tiếp tay" cho cát tặc: “Theo kế hoạch, ngày chúng tôi làm bình thường tại công sở, tối đi trực canh cát tặc. Hôm đó, khoảng 20h30 tôi cùng mấy đồng chí công an viên ngồi trực tại bãi thì nhận được thông tin các tàu đang hút cát. Tôi cho 2 công an viên đi bộ xuống phía dưới tuần tra, còn tôi và anh Tiếp phó Trưởng công an xã và anh Kế công an viên lên tàu xem xét tình hình. Hiện nay các đối tượng khai thác cát dùng bộ giảm âm nên khi hút không có mấy tiếng động rất khó phát hiện. Khi tới khu vực thôn 6 thì phát hiện có 4 tàu đang cắm vòi hút cát ngay bãi bồi. Tàu chúng tôi húc vào mạn 1 tàu cát, tôi leo lên yêu cầu giữ nguyên hiện trường, anh Tiếp cũng lên 1 tàu khác. Chỉ có 3 anh em nên 2 tàu khác đã bỏ chạy, 2 tàu này cũng định bỏ chạy sang bên địa phận Thiệu Nguyên nhưng tôi kiên quyết phải quay lại đúng vị trí đã hút cát để có cơ sở xử lý. Sau đó tôi gọi điện cho anh Kế đang lái tàu quay trở lại đón 2 đồng chí công an viên đi tuần trên bờ quay lại để lập biên bản, xử lý theo quy định. Chúng tôi lập biên bản, xử phạt mỗi tàu 2,5 triệu đồng, yêu cầu bơm cát trả trở lại chỗ cũ. Khi tổ công tác đang lập biên bản xử lý tàu thì người dân tràn ra ném đá, gạch và cả bom xăng. Thấy nguy hiểm tới tính mạng cán bộ và cả tàu hút cát nên tôi chỉ đạo cho tàu chạy ra xa bờ. Thế nhưng người dân lại nghi ngờ tổ công tác chúng tôi có vấn đề gì mờ ám. Khi lên bờ, chúng tôi đã cố giải thích cho người dân hiểu nhưng họ không nghe, lại còn đốt chòi canh, tàu tuần tra của xã. Thấy tình hình phức tạp tôi gọi điện báo cáo Chủ tịch, Bí thư xã và đề nghị Trưởng công an xã điều người xuống để ổn định tình hình. Dân tập trung ngày một đông, anh em không cách gì khác phải cùng họ qua công an huyện”.

Người dân đã yên tâm về nạn cát tặc sau buổi đối thoại với chính quyền địa phương

Nguy cơ nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống bị xoá sổ vì cát tặc

Theo số liệu từ UBND xã Thiệu Đô, tổng diện tích đất đồng bãi ven sông Chu, từ thôn 3 đến thôn 10 là 25ha. Trong đó, diện tích trồng dâu nuôi tằm chiếm khoảng 10ha. Những năm gần đây, tình trạng cát tặc hoành hành đã làm sạt lở khoảng 1,5 ha đất đồng bãi, làm ảnh hưởng lớn đến diện tích trồng dâu nuôi tằm của người dân địa phương, cản trở sự phát triển kinh tế của xã. Theo thống kê, lực lượng lao động hoạt động trong nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ khoảng hơn 200 lao động, hàng năm thu nhập khoảng 11 tỷ đồng. Ông Hoàng Văn Đức, người dân thôn 7 lo lắng: “Từ bao đời nay, ngoài vài sào ruộng, dân chúng tôi thu nhập chính từ nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ. Để duy trì và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm phải có đất trồng dâu, nay cát tặc hoành hành kéo dài gây sạt lở đất màu nghiêm trọng, nếu chính quyền không mạnh tay với nạn cát tặc không mấy chốc nghề trồng dâu nuôi tăm sẽ bị xoá sổ mất thôi”.

Hy vọng người dân sẽ không phải lập chòi để canh cát tắc

Theo tìm hiểu của PV, nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Thiệu Đô đã có từ vài chục năm nay. Sản phẩm dâu tằm nơi đây không chỉ thông dụng ở trong nước, mà còn tiêu thụ ở nhiều nước trên thế giới, mang lại nguồn thu lớn cho người dân và chính quyền địa phương. Để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, xã Thiệu Đô đã được tỉnh, huyện đồng ý đầu tư xây dựng Khu làng nghề với tổng mức đầu tư 21 tỷ đồng trên diện tích 2,9ha. Trước tình trạng nạn cát tặc hoành hành, gây sạt lở đất trồng dâu khiến người dân địa phương không khỏi lo lắng nghề truyền thống ông cha để lại có nguy cơ mại một.

Việc Chủ tịch UBND xã Thiệu Đô Lê Thế Ký khẳng định sẽ giải quyết triệt để nạn cát tặc hoành hành trên sông Chu là một khẳng định tin cậy và đáng mừng cho người dân địa phương. Tuy nhiên, “cuộc chiến” với cát tặc sẽ rất khó khăn và cần nhiều hơn nữa những lực lượng có đủ thẩm quyền để xử lý mạnh tay cũng như phương tiện cần thiết. Thiết nghĩ, để xã Thiệu Đô thực hiện quyết tâm “xoá sổ” nạn cát tắc, mang lại đời sống yên bình cho nhân dân trong xã, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hoá, huyện Thiệu Hoá tăng cường thêm lực lượng và phương tiện cho địa phương này.  

HOÀNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh