Cấp cứu thành công một bệnh nhân trước nguy cơ tử vong
- Sức khỏe
- 01:40 - 04/04/2016
Hồi phục nhanh sau 1 ngày được cấp cứu tại Khoa Tim mạch Cấp cứu và can thiệp (Bệnh viện Thống Nhất), bệnh nhân Phạm Văn Vinh (sinh năm 1970) cho biết, anh làm nghề lái xe và từ trước tới nay không hề có dấu hiệu của bệnh tim mạch. Trước đó vài ngày, anh Vinh vẫn đi làm bình thường, sau một buổi đi làm về cảm thấy mệt, đau ngực và được gia đình đưa vào Phòng khám Đa khoa quận Tân Bình. Bệnh nhân được chẩn đoán các triệu trứng liên quan đến tim mạch và được chuyển gấp vào Bệnh viện Thống Nhất. Tại đây, bệnh nhân Vinh được xác định bị nhồi máu cơ tim cấp tính gây rung thất, sốc tim và được chuyển ngay vào can thiệp kịp thời tại Khoa Tim mạch cấp cứu và Can thiệp của Bệnh viện.
Bệnh nhân Phạm Văn Vinh đã hồi phục nhanh sau 1 ngày cấp cứu
Theo TS. BS. Nguyễn Văn Tân – Phó Trưởng Khoa Tim mạch Cấp cứu và Can thiệp, giảng viên Bộ môn Lão khoa, Đại học Y dược TP.HCM: Triệu chứng gợi ý sốc tim do nhồi máu cơ tim cấp tính rõ nhất ở bệnh nhân này là: Nhịp chậm, loạn nhịp thất và xoắn đỉnh, rung thất. Gần như 100% trường hợp rung thất nếu không được sốc điện chuyển nhịp (khử rung thất) thì bệnh nhân sẽ tử vong ngay tức khắc. Nếu phát hiện kịp thời và can thiệp giúp bệnh nhân thoát khỏi được rung thất thì nhịp tim sẽ trở lại bình thường và qua được cơn nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân Vinh lúc nhập viện có dấu hiệu nhịp chậm, xoắn đỉnh, rung thất, tụt huyết áp, biến đổi điện tâm đồ và men tim kiểu của nhồi máu cơ tim cấp tính nên bệnh nhân đã được cấp cứu đặt ống khí quản, khử rung thất bằng sốc điện, sau đó mới tiến hành nhanh chóng can thiệp động mạch vành qua da và đặt stent động mạch vành thủ phạm gây nhồi máu cơ tim cấp tính. Bệnh nhân từ tình trạng hôn mê, đồng tử giãn 4mm, sau 45 phút cấp cứu tích cực đã được rút ống thở qua nội khí quản và và tỉnh táo lại ngay sau vài giờ.
“Nhờ phương tiện máy móc hiện đại, trình độ cũng như kinh nghiệm của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng ngày càng nâng cao nên tỉ lệ cấp cứu và can thiệp kịp thời bệnh nhồi máu cơm tim cấp thành công rất cao. Từ năm 2013, Bệnh viện Thống Nhất đã áp dụng phương pháp thông tim can thiệp mạch máu qua da (phương pháp mới và hiện đại nhất hiện nay trong điều trị thiếu máu cơ tim cục bộ và nhất là nhồi máu cơ tim cấp tính), cứu sống hàng ngàn bệnh nhân mỗi năm.” TS. BS. Nguyễn Văn Tân cho biết.
Thông tim can thiệp động mạch vành qua da bằng hệ thống DSA - kỹ thuật mới đang được thực hiện tại BVTN
Để tránh hậu quả từ bệnh nhồi máu cơ tim, GS.TS. BS. Nguyễn Đức Công – Giám đốc viện Thống Nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cán bộ miền Nam khuyến cáo: Bệnh nhồi máu cơ tim có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, kể cả những người còn trẻ. Khi có triệu chứng đau nặng ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám bệnh; nên nghĩ đến bệnh mạch vành ở những người có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch như: cao tuổi, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá nhiều, gia đình có người bị bệnh mạch vành sớm. Nếu cần thiết thì các cơ sở y tế khẩn trương chuyển bệnh nhân đến những bệnh viện gần nhất có chuyên khoa tim mạch để cứu tính mạng, trước khi chuyển nên liên hệ trước để bệnh viện tuyến sau chuẩn bị kíp nhân sự và trang thiết bị sẵn sàng để có thể can thiệp sớm nhất cho bệnh nhân. Vì chỉ cần chậm trễ trong khoảng thời gian rất ngắn là bệnh nhân có thể bị rối loạn nhịp nặng, sốc tim, suy tim cấp tính, phù phổi cấp dẫn đến tử vong, thậm chí ngay trên đường vận chuyển.